Thiện xạ… thằn lằn

Vào thời chống Mỹ, tôi đã tìm cách vượt thoát lao tù Hội An - cuối năm 1956, trốn vào Sài Gòn hoạt động. Tôi chọn dạy học làm kế sinh nhai và một trong những ngôi trường còn lưu nơi tôi khá nhiều kỷ niệm là Huỳnh Khương Ninh ở phường Đa Kao, quận 1, TPHCM.
Thiện xạ… thằn lằn

Vào thời chống Mỹ, tôi đã tìm cách vượt thoát lao tù Hội An - cuối năm 1956, trốn vào Sài Gòn hoạt động. Tôi chọn dạy học làm kế sinh nhai và một trong những ngôi trường còn lưu nơi tôi khá nhiều kỷ niệm là Huỳnh Khương Ninh ở phường Đa Kao, quận 1, TPHCM.

Tại đây, tôi được gặp nhiều trí thức Nam bộ sau ngày đình chiến 1954 đã trở vô thành, trong đó hai bạn đã lưu nơi tôi ấn tượng sâu đậm là Lâm Quang Huấn và Tạ Thanh Sơn - tác giả bản nhạc Nam bộ kháng chiến rất được truyền tụng. Anh Lâm Quang Huấn cũng là nhạc sĩ, thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh nên còn dạy các môn này ở các trường lớn bấy giờ như là Taberd, La Providence… Sau đó, anh đã sang Pháp vì là Hội viên kịch tác gia Pháp.

Ảnh minh họa: Mai Hạnh

Ảnh minh họa: Mai Hạnh

Hiện nay, anh đã về ở quê nhà ở tỉnh Sóc Trăng và năm qua đã ấn hành cuốn sách Những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, gồm 3 thứ tiếng: Việt, Pháp, Anh. Viết tác phẩm này anh Lâm Quang Huấn hẳn muốn giải tỏa một nỗi bức xúc là khi sống ở nước ngoài nhiều bạn ngoại quốc luôn hỏi anh về chiến tranh Việt Nam, về cái lý do một nước vốn nhỏ yếu lại đánh bại được hai đế quốc lớn vào loại sừng sỏ ở trên thế giới. Các bạn ngoại quốc không tin ở những quyển sách do tác giả ở ngoài nước viết ra và cho rằng chỉ có người Việt Nam mới nói lên được về cái sự thật rất phi thường đó.

Kịch tác gia - nhạc sĩ Lâm Quang Huấn dẫu rất mệt mỏi cũng đã cố gắng nói về điều đó tuy vẫn hiểu rằng mình không thể nào có đủ khả năng trả lời một cách thích đáng về cái sự thật Việt Nam bấy giờ chống Pháp, rồi Mỹ chỉ là “châu chấu đá xe”, một thuộc địa nhỏ chống hai cường quốc lớn, những kẻ “da trần thân trọi” chống lại bao nhiêu chất độc hóa học và cả 15 triệu tấn bom - nhiều hơn 4 lần số bom dùng trong thế chiến thứ hai.

Viết quyển sách này, ông Lâm Quang Huấn quan niệm rằng đây cũng là một hoạt động văn hóa thiết thực để mong các bạn ở trên thế giới và cả bạn trẻ hôm nay hiểu thêm chút gì về lịch sử Việt và văn hóa Việt qua những sự kiện nhỏ nhoi nhưng cũng rất thực, như qua những giọt nước nhỏ mặn mà, long lanh chết sống chúng ta có thể thấy được biển cả quê hương một thời gian khổ nhưng cũng hết sức anh hùng.

Còn nhớ khi cuộc cách mạng tháng Tám thành công, vào năm 1945, quân Pháp được Mỹ hỗ trợ đã quay lại mong tái chiếm Việt Nam thì Lâm Quang Huấn bấy giờ mới 14 tuổi, một cậu học trò nhỏ nhoi, gầy guộc đã trốn khỏi nhà để vào bộ đội tham gia chiến đấu. Tất nhiên, anh chỉ được nhận vào làm ở binh - công - xưởng. Và nói là binh - công - xưởng cho oai chứ chỉ là một ngôi nhà xập xệ với hai máy tiện cũ mèm. Đơn vị đầu tiên nơi Huấn công tác gồm 40 người, với mươi khẩu súng gồm đa số là súng hơi, súng săn. Nghĩ đơn giản rằng, nếu mình gặp được quân thù chỉ cần nhắm bắn vào mắt để cho chúng đui là mình sẽ cướp được súng, nghệ sĩ Lâm Quang Huấn với khẩu súng hơi được cấp suốt ngày tập bắn… thằn lằn. Đơn vị đóng trong một trường cấp 1 và cậu Huấn bắn hết cả thằn lằn trong trường, gồm vài trăm con, trở thành thiện xạ… thằn lằn.

Dĩ nhiên, đến khi ra trận, thiện xạ thằn lằn mới biết mình là thiện xạ hạng… ruồi. Khi từ Trà Vinh về Đồng Tháp Mười, phải đi ngang lộ Ba Làng thuộc quận Bình Minh (Vĩnh Long) cậu Huấn được nghe nói đến cô Bảy thiện xạ, mới 17 tuổi, nhưng lính ở trong các đồn bót địch đóng dọc trên đường thấy đều kinh sợ và mỗi lần bước ra ngoài lấy nước nấu ăn, tắm rửa đều báo loa xin “cô Bảy cho phép”. Nếu không, tự tiện ra ngoài sẽ bị viên đạn cô Bảy bắn ngay vào đầu.

Bây giờ, đọc những mẫu chuyện sinh động, rất thực, viết bằng lời văn giản dị, dí dỏm, chúng ta được biết thêm nhiều tình tiết thú vị và nhiều nhân vật đáng quý, xứng đáng làm gương sáng cho cuộc sống hôm nay.

Nhà văn Vũ Hạnh

Tin cùng chuyên mục