
Hơn 2 năm mày mò nghiên cứu, kỹ sư trẻ Phan Mạnh Hùng và các cộng sự (Công ty cổ phần Công nghệ Petech TPHCM) vừa công bố đã chế tạo thành công hệ thống thiết bị tự động khử trùng dụng cụ y tế. Tuy nhiên, để chuyển giao ứng dụng sản phẩm này cho các đơn vị y tế quả thật không phải dễ.
Vay tiền làm khoa học

Ngày 25-3 vừa qua, có thể nói là một ngày trọng đại đối với kỹ sư trẻ Phan Mạnh Hùng khi Hội đồng giám định của Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cùng các nhà khoa học trong lĩnh vực tự động hóa, y khoa đánh giá cao thành quả nghiên cứu và chế tạo hệ thống thiết bị khử trùng dụng cụ y tế của anh cùng các cộng sự Công ty cổ phần Công nghệ Petech.
Theo các nhà khoa học, hệ thống thiết bị này đã đáp ứng được cơ bản quy trình khử trùng dụng cụ y tế dùng trong các bệnh viện, phòng mạch và sau khi hoàn thiện có thể ứng dụng rộng rãi.
Con đường đi đến thành công của Phan Mạnh Hùng cũng lắm chông gai. Với niềm tin vào khả năng, đam mê khoa học - công nghệ, Phan Mạnh Hùng đã đề đạt nguyện vọng được hỗ trợ nghiên cứu, chế tạo từ một số công ty, doanh nghiệp cơ khí- tự động hóa nhưng hầu hết các “ông chủ” đều nhìn anh với ánh mắt ái ngại, ngoại trừ Công ty Petech ủng hộ. Song vấn đề là để tạo ra sản phẩm, không thể một sớm một chiều và cần một khoản kinh phí không nhỏ.
Được sự hướng dẫn tận tình của một số nhà khoa học có kinh nghiệm, năm 2006, Phan Mạnh Hùng đã được Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tài trợ hơn 200 triệu đồng để bắt tay thực hiện chương trình nghiên cứu chế tạo thiết bị khử trùng dụng cụ y tế. Thế nhưng, khoản tiền này vẫn không thấm vào đâu khi mà các công đoạn chế tạo phải mua sắm nguyên vật liệu, bỏ đi làm lại nhiều lần. Nhưng bằng niềm đam mê và quyết tâm, Hùng đã vay mượn bạn bè, người thân và cả ngân hàng để thuê xưởng cơ khí, ngày đêm nghiên cứu- chế tạo.
Thành tựu thiết thực
Sau 2 năm miệt mài chế tạo với sự tư vấn chuyên môn y khoa của BS Phan Thanh Hải (Giám đốc Trung tâm Y khoa MEDIC) và TS-BS Lục Thị Vân Bích (Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế TPHCM), cuối cùng hệ thống thiết bị tự động khử trùng dụng cụ y tế do kỹ sư Phan Mạnh Hùng sáng kiến cũng hoàn thành và đưa vào sử dụng thử nghiệm với thương hiệu AutoSterLab. Đó là một hệ thống hoàn toàn tự động ứng dụng công nghệ ozone theo tiêu chuẩn công nghệ Canada. Qua quy trình kiểm tra vi sinh, hóa - lý của Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế và kiểm nghiệm của Viện Pasteur TPHCM cho thấy dụng cụ y tế sau khi được trử trùng qua AutoSterLab đều đạt các tiêu chuẩn chống nhiễm khuẩn.
Bằng công nghệ cảm biến tự động được lập trình sẵn, hoạt động khử trùng của AutoSterLab được tiến hành qua 5 bước nguyên lý: Bước đầu sau khi nhấn nút khởi động, khay đựng dụng cụ y tế di chuyển qua phải và dừng lại ở bồn trung tâm để bơm dung dịch ozone vào rửa, ngâm; bước hai là sau khoảng 5 phút, van tự động xả dung dịch ozone và bắt đầu sấy khô ở nhiệt độ không quá 800C (bảo vệ các dụng cụ nhựa, cao su, thủy tinh…); bước ba là khay tự động dịch chuyển sang công đoạn xử lý khí ozone nồng độ cao, bước bốn là lấy dụng cụ y tế cho vào đóng gói chân không; và bước năm là chiếu xạ UV 2 bề mặt để tránh nhiễm khuẩn từ không khí. Theo kỹ sư Phan Mạnh Hùng, mỗi bước nguyên lý đều được tính toán chi tiết và chính xác, kể cả đo nồng độ ozone và chỉ mất 15 phút để hoàn thành khử trùng một mẻ dụng cụ 10kg.
Vẫn là chuyện “cản trở” của cơ chế!
Theo đánh giá của các nhà khoa học, hướng nghiên cứu nói trên của kỹ sư Phan Mạnh Hùng trùng khớp với xu hướng phát triển mới của thế giới về công nghệ khử trùng dụng cụ y tế tiên tiến. Hiện trên thế giới, Canada đã chế tạo hàng loạt thiết bị khử trùng y tế bằng công nghệ này phân phối cho các nước và được Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép bán vào thị trường Mỹ năm 2007.
Điều này cho thấy, AutoSterLab đã áp dụng đúng công nghệ, thể hiện được các yếu tố ưu việt như an toàn và thân thiện với môi trường, khử trùng ở nhiệt độ thấp phù hợp với y khoa hiện đại, thời gian khử trùng nhanh, tiết kiệm chi phí vận hành… Vậy nhưng, theo kỹ sư Phan Mạnh Hùng thì anh sẽ hoàn thiện hơn nữa để hệ thống khử trùng tự động dụng cụ y tế AutoSterLab phù hợp hơn với yêu cầu thực tế của các loại hình khám chữa bệnh trong nước.
Hiện nay hầu hết các đơn vị y tế nước ta vẫn sử dụng các thiết bị khử trùng ứng dụng công nghệ “hơi nước ở nhiệt độ cao” không phù hợp với nhiều dụng cụ có cấu tạo phi kim loại. Do đó, để khử trùng cho dụng cụ phi kim loại thường phải cần đến hóa chất có nhược điểm gây độc, tốn kém… Một số bệnh viện có kinh phí cũng đã “mạnh tay” mua máy khử trùng hóa chất chuyên dụng lên tới gần cả trăm ngàn USD. Tuy nhiên, nếu sử dụng AutoSterLab có giá chỉ bằng 1/3 thiết bị ngoại nhập.
Từ khi công bố thành công đến nay, kỹ sư Phan Mạnh Hùng cũng như Công ty Petech đã giới thiệu đến các đơn vị y tế đề nghị đặt hàng. Một số đơn vị có nhu cầu, qua tham khảo đã rất hài lòng nhưng vẫn không triển khai đặt hàng được vì vướng mắc các thủ tục cơ chế. Vì vậy, phải nói rằng từ thành tựu khoa học – công nghệ đến chuyển giao ứng dụng là cả một hành trình nhiêu khê mà nếu không có những cơ chế thông thoáng hơn thì liệu có khuyến khích khoa học - công nghệ nước nhà phát triển!
Công năng và đối tượng phục vụ của AutoSterLab |
Phan Mạnh Hùng, là một kỹ sư điện tử nhưng rất quan tâm đến lĩnh vực y tế. Vì vậy mà mặc dù đã đảm nhiệm vai trò kỹ sư chính trong một công ty lớn nhưng anh vẫn tiếp tục theo học các khóa học về y khoa. Trong quá trình học hỏi và thực tập tại các bệnh viện, anh nhận ra rằng hầu hết các thiết bị khử trùng dùng trong y tế đều được nhập khẩu với giá thành rất đắt. Bằng con mắt của một kỹ sư điện tử, qua khảo sát, Hùng nhận thấy nguyên lý hoạt động cũng như công nghệ của các thiết bị khử trùng chống nhiễm khuẩn không mấy phức tạp. Do đó, từ năm 2003, anh đã mày mò tiếp cận, tìm hiểu và phác thảo thiết kế chế tạo hệ thống thiết bị khử trùng dụng cụ y tế.
PHƯƠNG NGỌC