
Cuộc triển lãm gần 100 bản phác thảo, áp phích, đồ án thiết kế cảnh trí sân khấu toàn quốc năm nay của hơn 50 họa sĩ đang trưng bày lần đầu tiên ở phía Nam, tại Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM đã giúp người xem hình dung phần nào đến những vở diễn sân khấu kịch, cải lương, tuồng, chèo… nổi tiếng một thời của cả nước.

Bản thiết kế sân khấu của NSND Doãn Châu, vở “Vua Lia”. Ảnh: Y.N.
Thiết kế mỹ thuật góp mặt trong một vở diễn sân khấu là một phần linh hồn của vở diễn và là một bộ phận không kém phần quan trọng đã hỗ trợ làm nên thành công cho một vở diễn, giúp tên tuổi đạo diễn, diễn viên tỏa sáng.
Thế nhưng, bên cạnh tên tuổi những nghệ sĩ tài danh của làng nghệ thuật sân khấu, may ra, khán giả chỉ nhớ đến nhân vật, đến tên vở diễn như Súy Vân giả dại, Thị Mầu lên chùa, Bài ca Điện Biên, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Đời cô Lựu, Nổi gió, Chuyện làng dừa, Những cô thợ dệt, Con chim xanh, Giấc mộng đêm hè, Vua Lia, Hòn đảo thần vệ nữ, Người trong cõi nhớ, Nguyệt Hạ, Bến bờ xa lắc, Đôi bờ…
Mấy ai còn nhớ đến bối cảnh không gian, thời gian, những hiệu ứng nghệ thuật tuyệt diệu của bộ phận thiết kế sân khấu hay gợn chút cảm xúc muốn tìm hiểu những nghệ sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu đã từng làm khán giả bị cuốn hút theo “thế giới ảo” trên sân khấu là ai! Trong số hàng trăm tác phẩm thiết kế mỹ thuật đồng hành cùng 50 năm phát triển sân khấu Việt Nam, may mắn lắm, nhờ những bản thiết kế còn lại như một chút kỷ niệm, chút “của để dành” tình cờ đã ghi nhận được dấu ấn của các thế hệ họa sĩ thiết kế như Thang Trần Phềnh, Lê Văn Ngoạn, Trần Văn Đôn, Nguyễn Đình Hàm, Phùng Huy Bính, Lương Đống, Trần Lưu Hậu, Bùi Xuân Phái, Đường Tài, Bùi Huy Hiếu, Doãn Châu, Đoàn Thị Tình, Nguyễn Ngọc Mỹ, Dân Quốc, Hà Quang Sơn, Tường Vân, Doãn Bằng, Xuân Giang, Hoàng Hà Tùng, Phan Phan, Lê Văn Định, Kim B…

Thiết kế sân khấu của họa sĩ Kim B, vở “Đôi bờ”. Ảnh: Y.N.
Và, từ những buổi gặp gỡ, giao lưu giữa các thế hệ nghệ sĩ thiết kế mỹ thuật hai miền Nam, Bắc: NSND Phùng Huy Bính, NSND Doãn Châu, NSƯT Đoàn Thị Tình, NSND Phan Phan, họa sĩ Lê Văn Định… cùng sinh viên thiết kế mỹ thuật, công chúng trẻ trẻ đã tạo được một luồng gió mới, sinh động, cởi mở hơn trong hoạt động học tập và thực tiễn ở nhà trường.
Mong rằng, “chút của để dành” trong làng thiết kế mỹ thuật sân khấu sẽ được các nhà quản lý nghệ thuật lưu tâm có kế hoạch bảo tồn, bảo tàng những đồ án thiết kế đã trở thành những “tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, độc lập, từng khẳng định được dấu ấn tài năng của một nghệ sĩ thiết kế sân khấu”.
Đồng thời, trong hướng tới, ngoài các cuộc triển lãm mỹ thuật thiết kế ở Hà Nội, TPHCM, cũng nên giới thiệu triển lãm thiết kế mỹ thuật sân khấu đến đồng bằng sông Cửu Long hay khu vực miền Trung hay tổ chức giới thiệu trong hoạt động lễ hội văn hóa như Festival Huế một cách hiệu quả để đông đảo khán giả yêu sân khấu, yêu nghệ thuật có cơ hội thưởng lãm, hồi tưởng lại những vở diễn lừng danh, một thời vang bóng…
KIM ỬNG