Thông tư 12/2011/TT-BTC ký ngày 26-1-2011 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02 và Thông tư 84 hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân trước đó. Sau khi Thông tư 12 ra đời, người dân càng bị “rối” khi cấp dưới không thực hiện được, cấp trên chưa có hướng dẫn. Vì vậy, nhiều hoạt động giao dịch mua bán của người dân bị ngưng trệ, lợi ích người dân bị thiệt hại. Trách nhiệm thuộc về ai?
Giao dịch về đất: Ách
“Một tháng trước đây, tôi mua bán chuyển nhượng hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật - nhượng lại nền đất cho đối tác với giá 5 tỷ đồng. Cam kết giao dịch và thời hạn chuyển tiền đã rõ, thế nhưng đến khi khai thuế thu nhập cá nhân thì Chi cục Thuế quận 7 từ chối, với lý do phải… chờ hướng dẫn của cấp trên”, bà Trần Thị Loan Anh bức xúc kể.
Hợp đồng góp vốn này bà Anh đã nhận chuyển nhượng của một người khác từ 7 năm trước, lúc đó chủ dự án chỉ xác nhận cho chuyển nhượng chứ làm gì có hợp đồng công chứng, nay cơ quan thuế lại đòi hợp đồng công chứng. Và cơ quan thuế còn cho rằng giá bán của bà không đủ cơ sở tính thuế mà phải xác định theo giá thị trường. Nhưng giá thị trường là “lá diêu bông”, chẳng ai biết xác định bằng cách nào. Và ngay cả cơ quan thuế cũng không biết xác định thế nào. Bà không biết chờ đợi đến bao lâu nên sẵn sàng nộp thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng, thế nhưng cơ quan thuế vẫn không chấp nhận. Vì thế, hợp đồng của bà bị ách lại, nằm chờ. Các quyền lợi, thiệt hại phát sinh giờ không biết xử lý ra sao.
Nhiều khách hàng khác cũng rơi vào trường hợp tương tự. Hồ sơ bị ách, thiệt hại cơ quan không biết kêu ai. Bởi nhẩm tính, một hợp đồng trị giá 5 tỷ đồng, nếu chậm thanh toán 1 tháng, thiệt hại tiền lãi suất thôi đã trên 50 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể thiệt hại do các giao dịch khác bị ách theo do nguồn tiền bị vướng…
Không thực hiện được vì quy định... trên mây
Về khái niệm, từ ngữ “hợp đồng góp vốn” với “hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai” hiện có nhiều tranh cãi, bởi trước đây có cả trường hợp góp vốn để mua “nền đất”, chứ không phải “nhà ở” nên không thể nhập chung hai khái niệm làm một được. Nhưng vấn đề gây bức xúc trong đội ngũ cán bộ thuế hiện nay chính là một số quy định mới ở Thông tư 12 rất khó thực thi được trong thực tế. Cụ thể, điểm c điểm 2.55, mục D, phần 2 quy định, hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai nếu giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng và tờ khai thuế không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế ấn định giá chuyển nhượng để tính thuế sau khi tham khảo (theo biên bản làm việc) giá tại sàn giao dịch bất động sản của chủ dự án hoặc nơi sàn có bất động sản chuyển nhượng.
Nhưng cách nào để xác định giá chuyển nhượng ghi trong hợp đồng và tờ khai thuế không phù hợp với giá thị trường, cơ quan thuế không thể biết được. Và với quy định trên, có nghĩa, mỗi tờ khai thuế, cơ quan thuế lại phải lập biên bản làm việc với sàn giao dịch để biết giá? Nhưng chuyện không đơn giản vậy, bởi những dự án đã bán từ nhiều năm trước, không còn rao bán trên sàn thì sàn cũng không thể biết được, lại càng không có trách nhiệm ngồi ký biên bản phục vụ cơ quan thuế. Do vậy, cơ quan thuế đành bó tay, làm thì sợ trách nhiệm, không làm thì dân kêu.
Một vấn đề khác đang bị dân kêu ca là Thông tư 12 quy định cách tính thuế đối với chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai chỉ bằng một phương pháp là tính thuế 25% trên lợi nhuận. Tức là, lấy giá bán trừ giá mua, nhân với thuế suất 25%. Nhưng tình hình thực hiện dự án thường kéo dài, có dự án đến 7-8 năm mới xong. Thử hỏi, một hợp đồng mua bán từ năm 2004 với giá chỉ trên 1 tỷ đồng, giờ bán lại 5 tỷ, phải đóng thuế gần 1 tỷ đồng sao? Trong khi, lúc thanh toán nhận chuyển nhượng hợp đồng thì giá vàng khoảng 10 triệu đồng/lượng, mỗi năm trượt giá trên dưới 10%, vậy 7 năm sau, số tiền trượt giá là bao nhiêu? Với cách tính máy móc như trong Thông tư 12 quy định, quả thực đã gây ra một sự bức xúc đến phẫn nộ trong nhân dân.
HÀN NI