Sau thảm họa lũ lụt năm 2011 phá hoại hại nặng nề cơ sở hạ tầng, chính quyền Australia lúc đó mới nhận ra rằng trong khi Trung Quốc đầu tư 200 tỷ USD vào hệ thống sân bay, đường sắt, Anh cũng chi 20 tỷ USD cho hệ thống đường sắt thì trong suốt 20 năm qua, Australia đã bỏ lỡ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong đó có việc mở rộng đường cao tốc lớn của Sydney.
Đó là nhận định của ông Tony Shepherd, Chủ tịch Hội đồng thương mại Australia kiêm Chủ tịch Tổ chức kỹ sư Transfield Services đưa ra tại một hội nghị về giao thông vừa diễn ra ở Sydney. Thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã khiến Australia lãng phí khoảng 4 tỷ USD mỗi năm trong lĩnh vực giao thông để giải quyết nạn kẹt xe. Ông Shepherd hối thúc Chính phủ Australia cần sớm giải quyết thực trạng tắc nghẽn giao thông thường xuyên xảy ra tại các TP lớn, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông vẫn chưa hoạt động hết công suất.
Cũng sau trận lũ lụt lịch sử năm 2011, Australia đã kêu gọi Trung Quốc đầu tư xây dựng các công trình giao thông như hệ thống đường sắt, các cảng lớn của họ…Theo THX, chính quyền 2 nước đã ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác, trong đó bên cạnh tập trung khai thác năng lượng, Trung Quốc sẽ đảm nhận xây dựng một số các cơ sở hạ tầng quan trọng ở Australia. Với hàng loạt dự án đầu tư lớn của những tập đoàn đầu tư mạnh về khai thác năng lượng, những công ty xây dựng, hàng không mang tầm quốc tế, Trung Quốc đã thực sự khiến Australia phải lung lay vì họ đang cần những cơ sở hạ tầng giao thông chủ chốt để đáp ứng sự phát triển trong lĩnh vực xuất khẩu tài nguyên khoáng sản của đất nước, mà người bạn hàng lớn nhất không ai khác ngoài Trung Quốc.
Song việc Trung Quốc muốn xây dựng các cảng, các hệ thống được sắt, khôi phục lại các cơ sở hạ tầng cho Australia cũng giống như những gì họ đã làm ở châu Phi và rất nhiều các quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên khác khiến nhiều người Australia không khỏi lo ngại. Với những mong muốn đó, Trung Quốc đang tiến vào Australia, chi phối hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng nhất quốc gia này, khai thác những mỏ tài nguyên lớn nhất và trong tương lai có thể Trung Quốc sẽ “nuốt gọn” Australia về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.
Những năm qua, trong khi hầu hết các nền kinh tế lớn đều chịu cảnh lao đao, nền kinh tế Australia dường như tránh được hậu quả của suy thoái kinh tế toàn cầu nhờ ngành hầm mỏ phát triển mạnh. Tuy nhiên, Cơ quan nhân dụng Australia ước tính quốc gia này sẽ thiếu khoảng 1,3 triệu kỹ sư chuyên môn trong 5 năm tới. Riêng với lĩnh vực xây dựng đã cần khoảng 200.000 người. Chính phủ Australia phải lên tiếng kêu gọi các thợ sửa ống nước, kỹ sư xây dựng Mỹ di cư sang quốc gia này để giúp giải quyết tình trạng khan hiếm thợ chuyên môn trong khi nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ.
Gần đây, Australia cũng đã mở nhiều cuộc hội thảo ở Ấn Độ và châu Âu để tìm cách thu hút đội ngũ lao động chuyên nghiệp. Từ bài toán giải quyết cơ sở hạ tầng để tránh lãng phí tưởng chừng như chỉ gói gọn trong phạm vi quốc gia nhưng để có thể tự hoàn thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế một cách độc lập, các nhà hoạch định chiến lược Australia phải nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động tay nghề từ trong nước.
Hạnh Chi