Thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm

Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên họp của UBTVQH chiều 20-4, với việc lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) có Nghị định xử phạt vi phạm hành chính riêng, mức phạt đã tăng lên rất nhiều, tương xứng với từng hành vi và số lượng hàng hóa vi phạm. 

Các thành viên HĐND TPHCM khảo sát tại một quầy bán rau củ quả ở chợ Bến Thành vào tháng 2-2017. Ảnh tư liệu
Các thành viên HĐND TPHCM khảo sát tại một quầy bán rau củ quả ở chợ Bến Thành vào tháng 2-2017. Ảnh tư liệu
Theo đó, mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm và 200 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm, thậm chí nếu mức phạt chưa đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm còn có thể phạt tới 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm, rút giấy phép, công khai tên cơ sở vi phạm. 

Đặc biệt năm 2016, chính quyền các cấp đã vào cuộc quyết liệt, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Cùng với đó, kiến thức, thực hành về ATTP của người sản xuất, chế biến, người tiêu dùng đều được nâng lên; công tác phối hợp liên ngành đã có nhiều cố gắng: 100% các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP ở các cấp, 19 tỉnh/ thành phố có Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP. Riêng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP do 1 đồng chí Phó Thủ tướng làm Trưởng ban và 2 đồng chí Bộ trưởng: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng ban.

 Tuy nhiên, một trong những hạn chế lớn là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu. Việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với từng sản phẩm cụ thể là không khả thi, dẫn đến việc các cơ quan và doanh nghiệp đổ lỗi do không có tiêu chuẩn và qui chuẩn Việt Nam. Trong khi đó việc xử lý một số tồn tại như: chất cấm trong chăn nuôi, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất kháng sinh trong rau, quả, chè, thịt, thủy sản... còn chậm, chưa dứt điểm, chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân.

Mặc dù đã được Chính phủ quan tâm nhưng đầu tư kinh phí cho công tác quản lý ATTP ở nước ta còn rất thấp. Lực lượng cán bộ quản lý ATTP còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn. Lực lượng thanh tra hiện còn quá mỏng, đặc biệt là so với một số khu vực ở Châu Á như: Bắc Kinh, Trung Quốc có trên 5.000 thanh tra viên ATTP, Nhật Bản có trên 12.000 thanh tra viên ATTP, trong khi ở nước ta có khoảng trên 1.000 người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP (vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác)...

Chính phủ cho biết, hướng phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ giảm 5% số vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính từ 30 người mắc trở lên được ghi nhận so với trung bình giai đoạn 2011 – 2015; khống chế tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính: dưới 7 người/100.000 dân. 80% người sản xuất, chế biến, 80% người kinh doanh thực phẩm, 80% người tiêu dùng và 85% người quản lý, lãnh đạo có kiến thức đúng và thực hành đúng về an toàn thực phẩm; 100% các tỉnh/thành phố Trung ương có mô hình chợ bảo đảm ATTP.

Để đạt được những chỉ tiêu đầy thách thức này, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét và sửa đổi Luật An toàn thực phẩm; xem xét bổ sung một số điều trong bộ luật tố tụng hình sự tội phạm về ATTP; ban hành Nghị quyết thành lập hệ thống thanh tra chuyên ngành ATTP đối với tuyến quận, huyện, xã phường và Nghị quyết cho phép sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về ATTP để phục vụ hoạt động quản lý ATTP... Đáng lưu ý, vấn đề bố trí kinh phí đảm bảo đủ mức cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP được nhấn mạnh trong bản báo cáo.  

Đầu tư ngân sách cho công tác quản lý an toàn thực phẩm

a) Ngân sách Trung ương (từ nguồn kinh phí sự nghiệp, Chương trình mục tiêu quốc gia ATTP): 1.369,770 tỷ đồng

b) Ngân sách địa phương (từ nguồn kinh phí sự nghiệp, Chương trình mục tiêu quốc gia ATTP): 122,8 tỷ đồng

c) Nguồn thu được trích để lại phục vụ trực tiếp cho quản lý ATTP (phí, lệ phí, kinh phí xử phạt vi phạm hành chính…): 1.053,22 tỷ đồng
d) Các nguồn tài chính khác (hỗ trợ quốc tế, đóng góp tổ chức cá nhân…): khoảng 5.410 tỷ đồng.

Riêng đối với Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm, theo Quyết định 1228/QĐ-TTg Chương trình có tổng mức vốn là 4.139 tỷ đồng (giai đoạn 2012-2015). Tuy nhiên tính cả năm 2011 đến 2015 thì tổng nguồn vốn là 1.251,49 tỷ đồng, mới chỉ chiếm 30,2% so với tổng mức vốn được phê duyệt. Năm 2016, Dự án an toàn thực phẩm thuộc Chương trình mục tiêu y tế dân số dự kiến được cấp là 300 tỷ đồng. Tuy nhiên đến tháng 11-2016 Dự án mới được tạm ứng 64 tỷ đồng.

(Trích Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp thứ 9 của UBTVQH)

Tin cùng chuyên mục