Thiếu tự tin, yếu tiềm lực

Hàng loạt dự án đầu tư vào nguyên phụ liệu dệt may của doanh nghiệp (DN) FDI đã và đang đổ vào Việt Nam cho thấy sức hút, lợi ích của các hiệp định thương mại FTA Việt Nam - EU, TPP… sắp được triển khai. DN dệt may Việt Nam liệu có tiếp cận được nguồn nguyên phụ liệu này để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu?
Thiếu tự tin, yếu tiềm lực

Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may

Hàng loạt dự án đầu tư vào nguyên phụ liệu dệt may của doanh nghiệp (DN) FDI đã và đang đổ vào Việt Nam cho thấy sức hút, lợi ích của các hiệp định thương mại FTA Việt Nam - EU, TPP… sắp được triển khai. DN dệt may Việt Nam liệu có tiếp cận được nguồn nguyên phụ liệu này để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu?

Nhà máy sản xuất sợi hiện đại của Tổng Công ty CP Phong Phú.

FDI đón đầu

Thời gian gần đây, hàng loạt dự án FDI lĩnh vực dệt, nhuộm, may mặc được đầu tư ồ ạt vào Việt Nam. Trong đó, chiếm phần lớn các nhà đầu tư Hồng Công, Đài Loan, Trung Quốc và chủ yếu đầu tư vào các tỉnh ở phía Bắc. Sau 2 nhà máy sợi, tổng công suất 500.000 cọc sợi được đầu tư tại Đồng Nai, đưa vào hoạt động từ năm 2007, mới đây Tập đoàn Texhong (Trung Quốc) đã đưa vào vận hành giai đoạn 1 dự án 500.000 cọc sợi Khu công nghiệp Hải Yên (Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) với vốn đầu tư 300 triệu USD, trên diện tích 400.000m2. Đây được xem là dự án FDI có vốn đầu tư đăng ký lớn nhất đầu tư vào Quảng Ninh. Tập đoàn TAL của Hồng Công (Trung Quốc) cũng đầu tư nhà máy may mặc 40 triệu USD tại Thái Bình. TAL vừa tiếp xúc với tỉnh Hải Dương để đầu tư nhà máy dệt vải và may mặc trên diện tích khoảng 40ha, với vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 200 triệu USD.

DN FDI nhanh chóng đầu tư vào lĩnh vực nguyên phụ liệu, may mặc tại Việt Nam cho thấy sự nhạy bén trong kinh doanh, việc đi tắt đón đầu cơ hội mà các hiệp định thương mại sẽ mang lại cho xuất khẩu dệt may trong thời gian tới. Việc các DN FDI đầu tư thêm nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu để đáp ứng yêu cầu xuất xứ, hưởng thuế suất 0% trong FTA, TPP là điều rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà máy dệt nhuộm được dịch chuyển, đầu tư sang Việt Nam với công suất lớn không hẳn dành hết cho thị trường Việt Nam mà sẽ là nguồn cung trở lại cho thị trường Trung Quốc. Texhong cho biết, việc đặt nhà máy tại Quảng Ninh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc cung ứng nguyên phụ liệu cho thị trường gần ở các tỉnh phía Nam của Trung Quốc.

Việc dịch chuyển nhiều dự án đầu tư nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc sang Việt Nam thời gian gần đây được các chuyên gia kinh tế xem như một sự dịch chuyển “ô nhiễm” khỏi Trung Quốc. Với chính sách phát triển dệt may mạnh mẽ trong hơn 10 năm qua, Trung Quốc đã bước lên vị trí dẫn đầu về sản xuất, xuất khẩu nguyên phụ liệu, hàng may mặc và trở thành “công xưởng” của thế giới. Thế nhưng, đánh đổi lại là môi trường ô nhiễm nặng. Trung Quốc phải điều chỉnh bằng chính sách tăng lương cao và hạn chế ô nhiễm từ nước thải dệt nhuộm, các nhà đầu tư nguyên phụ liệu tại Trung Quốc phải tìm điểm đầu tư mới. Và việc có mặt của các dự án dệt nhuộm của DN Trung Quốc tại Việt Nam cũng mang tính chất hai mặt của nó.

Chủ nhà còn đắn đo

Theo Bộ Công thương, FTA Việt Nam - EU, TPP sẽ được ký kết trong năm 2015. Trong khi các DN FDI đã nhanh chân đầu tư thì ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn trong giai đoạn khởi động chậm. Điểm mấu chốt trong việc khởi động chậm này là do DN trong nước thiếu tiềm lực đầu tư vì vốn dành cho sợi, dệt lớn hơn rất nhiều so với đầu tư một nhà xưởng may. Các DN dệt may Việt Nam chia sẻ, nếu muốn có được doanh thu hàng hóa trị giá 100 triệu USD thì nhà đầu tư cũng phải bỏ ra với số vốn đầu tư ban đầu 100 triệu USD. Vì vậy, đầu tư vào đây có nhiều rủi ro, ngay cả các DN dệt may lớn trong nước cũng rất đắn đo khi quyết định đầu tư. Đó là chỉ mới tính đến vốn đầu tư, chưa tính đến công nghệ, bí quyết… và chưa chắc nhà máy của DN Việt Nam làm ra được sản phẩm chất lượng, giá bán cạnh tranh bằng DN FDI.

Tổng Công ty CP Phong Phú, DN sản xuất, cung ứng vải jean khá lớn, cho biết 100% nguồn vải jean làm ra chỉ bán cho các DN sản xuất trong nước, chưa có DN FDI nào tại Việt Nam mua trực tiếp vải của DN để sản xuất, xuất khẩu. Hiện 60% sản lượng chỉ của Công ty Liên doanh sản xuất chỉ Phong Phú - Coats (Anh) bán tại thị trường Việt Nam là nhờ các nhà nhập khẩu chỉ định phải dùng chỉ của Coats.

Các DN FDI đầu tư tại Việt Nam có cả khâu nguyên phụ liệu sợi, dệt vải và nhà xưởng may mặc thì họ đã tạo ra vòng khép kín sản xuất và chắc chắn họ được hưởng 0% thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu. Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đang đầu tư sản xuất theo chuỗi khép kín này nhưng cũng có nhiều thách thức về vốn đầu tư, công nghệ, con người và cả đầu ra. Còn DN dệt may trong nước làm gia công, hoặc làm hàng FOB theo chỉ định của nhà nhập khẩu thì chắc chắn cũng sẽ phải mua nguyên phụ liệu của các DN FDI tại Việt Nam (công ty mẹ - con) của nhà nhập khẩu.

Dệt may Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn từ các hiệp định thương mại, tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa cải thiện được sự phân công “cắt may” để có được phần lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ trồng bông xơ, kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất, cắt may… đến hệ thống phân phối bán lẻ. Trong khi các DN FDI tại Việt Nam đang gia tăng xuất khẩu, ngày càng áp đảo về thị phần thì DN dệt may trong nước vẫn còn phân vân, sẽ phải mua nguyên phụ liệu từ đâu trong nước và liệu mình có tận dụng được thời cơ này?

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục