Hưởng ứng Ngày vi chất dinh dưỡng (1 và 2-6) vừa qua, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM đã báo động về sự mất cân đối dinh dưỡng hiện nay, nhất là ở trẻ em và phụ nữ mang thai. Trong đó, đáng quan ngại là thiếu máu, sắt, i-ốt.
Béo phì nhưng thiếu máu
Nằm trong dự án can thiệp dinh dưỡng của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, Trường Tiểu học bán trú Dương Minh Châu (quận 10, TPHCM) được đánh giá có nhiều cải thiện về mặt dinh dưỡng sau khi được triển khai quy chế thực đơn và tư vấn dinh dưỡng. Với hơn 1.500 học sinh, trước khi được chọn làm dự án, trường được đánh giá có tỷ lệ học sinh dư cân - béo phì cao nhưng sau khi tham gia dự án đã hạn chế được một tỷ lệ đáng kể. Từ 12% - 15% bị dư cân - béo phì, nay Trường Tiểu học Dương Minh Châu kiềm chế còn 8% - 8,5% Tuy vậy, so với tiêu chuẩn chung thì tỷ lệ học sinh dư cân vẫn còn cao, bởi hiện vẫn chưa có khẩu phần ăn riêng cho học sinh dư cân - béo phì.
Điều đáng nói, qua khảo sát của nhà trường cách nay không lâu, tỷ lệ học sinh không uống sữa hoặc uống ít sữa, thậm chí không ăn rau hoặc ăn rất ít vẫn khá phổ biến… Không những vậy, tình trạng thiếu muối i-ốt cũng đang là vấn đề báo động cho ngay cả học sinh nói riêng và trẻ em nói chung. Qua khảo sát mới đây, TS-BS Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho biết, nếu như năm 2003 có 25,5% học sinh TPHCM thiếu i-ốt thể nhẹ thì năm 2009 tăng lên 33,3%, và nay vẫn có xu hướng tăng lên, trong đó đáng ngại là học sinh tiểu học.
Trong khi đó, tình trạng thừa cân-béo phì ở học sinh vẫn gia tăng mạnh, nhất là học sinh tiểu học. Năm 2002, khoảng 19,8% học sinh tiểu học ở TPHCM bị thừa cân-béo phì, thì nay đã xấp xỉ 40%. “Hệ lụy của tình trạng dư cân - béo phì là không tránh khỏi các nguy cơ bệnh tật như tiểu đường, tim mạch khiến một bộ phận học sinh không đủ thể chất để học tập tốt”, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM băn khoăn.
Đối với trẻ sơ sinh, không bú sữa mẹ hoặc bú ít cũng khiến tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng trầm trọng. Theo Bộ Y tế, chỉ khoảng 19,4% trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Thậm chí, theo Khoa Tư vấn dinh dưỡng Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, đã có không ít bà mẹ xin được tư vấn không cho con bú sữa mẹ mà bú sữa bột vì thấy quảng cáo sữa bột hấp dẫn chẳng khác nào sữa mẹ, hay không cho con bú để giữ dáng đẹp, hoặc cho con bỏ bú sớm…
Mặc dù khoa học đã chứng minh việc trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu mang lại những lợi ích rất lớn cho sức khỏe của bé về sau, đó là trẻ ít mắc các bệnh nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì, ít mắc các bệnh mãn tính và phát triển hoàn thiện trí não, nhưng theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, nhiều bà mẹ chưa ý thức được điều đó.
Ăn nhiều nhưng mất cân đối
Bên cạnh trẻ em, phụ nữ mang thai là đối tượng thiếu vi chất dinh dưỡng được Viện Dinh dưỡng quốc gia báo động. Theo PGS-TS Lê Bạch Mai, Viện Dinh dưỡng quốc gia, quan niệm thai phụ ăn nhiều cho con khỏe nên thích gì ăn nấy là hoàn toàn thiếu khoa học.
Thực tế khảo sát cho thấy, không ít thai phụ tẩm bổ nhiều nhưng vẫn thiếu vi chất. Điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia mới đây cho thấy, 36,8% phụ nữ mang thai tại Việt Nam thiếu máu do thiếu sắt. Còn tại TPHCM, qua theo dõi tình trạng dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM nhìn nhận thiếu máu và thiếu vi chất dinh dưỡng hiện là những vấn đề sức khỏe cộng đồng đe dọa sức khỏe mẹ và thai nhi. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ mang thai là 17,5%, trong đó thiếu máu do thiếu sắt chiếm gần 60%.
Các vi chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của thai nhi cũng thiếu nhiều ở phụ nữ mang thai. Tỷ lệ thiếu i-ốt ở phụ nữ mang thai là 72,8%, thiếu kẽm là 34,6%. Trong khi, thiếu máu ở phụ nữ mang thai có thể gây nhiều hậu quả nặng nề cho cả mẹ và con như dễ bị sẩy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, cao huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sanh, nhiễm trùng hậu sản, con bị nhẹ cân, sinh non tháng...
Trước thực trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em và phụ nữ mang thai, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo đang có sự mất cân bằng rất lớn trong khẩu phần ăn mặc dù ăn nhiều. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi và học sinh tiểu học, tâm lý chung của phụ huynh là cho con ăn uống nhồi nhét, thiếu cân bằng dinh dưỡng. “Chủ yếu vẫn cho ăn nhiều thịt, tinh bột để cho con cái “mũm mĩm” đáng yêu. Còn các vi chất khác không được bổ sung”, một chuyên gia dinh dưỡng cho biết. Mặt khác, phần lớn trường học bán trú có hợp đồng cung cấp suất ăn bên ngoài nên không giám sát được vi chất như muối i-ốt trong suất ăn…
Trong khi đó, nguyên nhân chủ yếu của thiếu máu và thiếu vi chất ở phụ nữ mang thai là do chế độ ăn không cung cấp đủ nhu cầu. Điều tra do Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM tiến hành cho thấy, lượng sắt và acid folic trong khẩu phần ăn của phụ nữ mang thai chỉ đạt khoảng 40% nhu cầu khuyến nghị. Nhu cầu sắt của phụ nữ mang thai cần nhiều hơn để cung cấp cho thai nên tình trạng thiếu máu, thiếu sắt càng phổ biến. Phụ nữ bị suy dinh dưỡng trước khi mang thai cũng gây thiếu máu nhiều hơn.
Do đó phụ nữ mang thai chủ động có chế độ ăn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng, bổ sung viên sắt và acid folic, kiểm soát tình trạng nhiễm ký sinh trùng đường ruột và sốt rét. Sử dụng muối i-ốt trong chế biến món ăn hàng ngày cũng là giải pháp đơn giản phòng chống thiếu hụt i-ốt ở các bà mẹ tương lai.
| |
QUỲNH CHI