Thiếu “vốn” cho người hiếm muộn

Thiếu “vốn” cho người hiếm muộn

Nhờ các kỹ thuật khoa học tiên tiến, hiện nay rất nhiều phụ nữ hiếm muộn đã có con. Nhưng việc này lại không hề dễ dàng, vướng mắc nhiều khi nằm ở khâu tìm kiếm “người bố” cho đứa bé.

Ngân hàng của những người bố ẩn danh

Thiếu “vốn” cho người hiếm muộn ảnh 1
Kiểm tra “vốn” ở ngân hàng

Theo thạc sĩ - bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, hiếm muộn xảy ra ở khoảng 1/6 các cặp vợ chồng trong tuổi sinh sản.

Bác sĩ Trân Hạnh, Phó Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, nói: “Bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở khoa chúng tôi trung bình từ 100 đến 200 người/ngày. Như hôm 17-3 vừa qua có tới 250 người”.

Với những cặp vợ chồng mà tinh trùng của người chồng không có hoặc quá yếu, chồng bị nhiễm HIV, trường hợp phụ nữ độc thân muốn có con…  để có thể cho ra đời những đứa trẻ khỏe mạnh đòi hỏi phải có sự “trợ giúp” của một người bố thứ hai. Bác sĩ Hạnh nói: “Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ đã thành lập một ngân hàng tinh trùng để giúp đỡ các cặp vợ chồng hiếm muộn và người độc thân”.

Bác sĩ Lê Tấn Cảnh làm ở ngân hàng đặc biệt này, nói: “Nguồn cung của chúng tôi rất đảm bảo. Người đến cung cấp tinh trùng cho ngân hàng phải có ít nhất ba loại giấy tờ là chứng minh nhân dân, bằng cấp (tối thiểu phải tốt nghiệp cấp 2), giấy khám sức khỏe của trung tâm y tế. Sau đó chúng tôi tiến hành xét nghiệm máu xem người đó có bị HIV, giang mai hay viêm gan không. Sau đó kiểm tra chất lượng tinh trùng, như mật độ, độ di động, tỷ lệ sống. Khi đã đạt các yêu cầu, người cho tinh trùng phải cung cấp ba mẫu. Sau ba tháng kể từ khi cung cấp mẫu cuối, người cho còn phải đến xét nghiệm lại máu”.

Ngân hàng tinh trùng nằm ở tầng 8 của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, được bảo vệ nghiêm ngặt. Bác sĩ Bích Thụy làm việc tại đây chỉ vào những thùng kim loại, nói: “Các “tài khoản” được lưu giữ ở đây, trong môi trường âm gần 200 độ C”.

Các “tài khoản” này đều ẩn danh. Đây là nguyên tắc của bệnh viện nhằm giữ tuyệt mật thông tin về người cha đứa bé.

Thành lập từ năm 2005, ngân hàng tinh trùng đã phát huy “vị thế” của nó trong hỗ trợ sinh sản cho người hiếm muộn. Năm 2006 đã có 36 lần các “tài khoản” được sử dụng để bơm vào tử cung, kết quả 9 người mang thai, tỷ lệ thành công là 25%.

Cũng trong năm 2006 có 69 lần các “tài khoản” được sử dụng cho thụ tinh ống nghiệm, giúp 24 người mang thai, tỷ lệ thành công gần 35%. Năm 2007, tài khoản từ ngân hàng được sử dụng thành công trong bơm tử cung đạt tỷ lệ 21%,  thành công trong thụ tinh ống nghiệm đã đạt 42%. 

Thiếu “vốn” nghiêm trọng!

Khác với hiến máu, việc hiến tinh trùng là việc còn mới mẻ ở Việt Nam. Trong năm 2007 chỉ có 8 người đến hiến tinh trùng trong khi có hàng trăm người phụ nữ có nhu cầu sử dụng các “tài khoản” vô danh.

Để có đủ “vốn” vận hành, ngân hàng này phải áp dụng một quy định nghiêm ngặt là những ai dẫn được một người đến cung cấp một “tài khoản” mới cho ngân hàng (sau khi kiểm tra và kết luận là đạt yêu cầu) người phụ nữ đó mới được nhận một “tài khoản” từ ngân hàng.

“Nguyên tắc của khoa là nữ bệnh nhân không được sử dụng “tài khoản” của người đàn ông mà chính bệnh nhân đưa đến”, một bác sĩ làm việc trong Khoa Hiếm muộn nói.

Trong năm 2007, có rất nhiều phụ nữ đã đưa “vốn” tới cho ngân hàng nhưng chỉ 81 người đàn ông vượt qua các đợt kiểm định của bệnh viện.

Ngân hàng tinh trùng của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ hoạt động mang nặng tính chất tương trợ cộng đồng. Một “tài khoản” (với ba mẫu tinh trùng của một người đàn ông) được ngân hàng bán với giá 3 triệu đồng. Số tiền này chủ yếu chi phí cho hóa chất,  bảo quản máy móc và nhân công. Vì vậy mỗi người đến hiến tự nguyện chỉ nhận được khoản bồi dưỡng là 150.000đ. Những người hiến tinh trùng mà do bệnh nhân đưa tới, bệnh viện không trả tiền cho họ mà tính vào trong chi phí chữa trị.

Theo bác sĩ Lê Tấn Cảnh, vấn đề thiếu “vốn” của ngân hàng hiện nay chủ yếu là do tập quán của người Việt Nam và do thiếu thông tin. “Ở nhiều nước, việc hiến tinh trùng được tuyên truyền thường xuyên như việc hiến máu. Nếu mọi người quan tâm, giúp đỡ những người hiếm muộn nhiều hơn, tình hình chắc chắn sẽ được cải thiện”. 
 
Nguyên tắc hàng đầu của ngân hàng là người cấp “vốn” và người nhận “vốn” hoàn toàn không biết nhau. Một vấn đề nhạy cảm khiến nhiều người lo ngại là hiện tượng gặp phải những ca thụ tinh cận huyết hoặc hôn nhân cận huyết về sau.

Bác sĩ Cảnh nói: “Nhiều nước, như Singapore chẳng hạn, diện tích nhỏ hơn và dân số ít hơn Việt Nam nhưng họ cho phép một người nam có thể cung cấp “tài khoản” cho ba người phụ nữ hiếm muộn. Trong khi ở Việt Nam, dân số vàø diện tích đều lớn hơn Singapore nhiều lần nhưng chúng ta quy định mỗi người đến hiến chỉ hiến một tài khoản và tài khoản đó chỉ dùng cho một người phụ nữ, do đó tỷ lệ lại giống ở Việt Nam nếu có cũng sẽ thấp hơn nhiều nước”.

Nguyễn Anh

Tin cùng chuyên mục