Vừa qua, Liên hoan quốc tế ngành vải sợi đặc biệt (FITE) được tổ chức tại Clermont Ferrand (Pháp). Nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh là khách mời duy nhất tại Việt Nam đã mang bộ sưu tập gồm 50 trang phục thổ cẩm trình diễn trong 2 buổi tại Viện Bảo tàng Bargoin và tại hồ Lecoq. NTK Minh Hạnh đã trao đổi về câu chuyện thổ cẩm Việt Nam sang Pháp.
* Phóng viên: Liên hoan FITE lần này có sự bảo trợ của Tổ chức UNESCO và các sản phẩm tham gia phải thật sự độc đáo, đặc biệt, bà có thể cho biết rõ hơn?
* NTK Minh Hạnh: Liên hoan FITE là một sự kiện quy tụ 15 nghệ nhân, nhà thiết kế, nghệ sĩ từ mọi châu lục đến Pháp để giới thiệu các tác phẩm độc đáo của họ hoặc của nước họ đã diễn ra trong tháng 9-2012. Song song với liên hoan này còn có một cuộc triển lãm mang tên Les Métamorphoses tại Viện Bảo tàng Bargoin. Chương trình do Bộ Văn hóa và Truyền thông Cộng hòa Pháp tổ chức, với sự bảo trợ của Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO). Thông điệp chính là các duy trì và bảo vệ những vốn quý truyền thống cho thế hệ mai sau một cách bền vững.
Việt Nam tham gia liên hoan FITE năm nay với việc trình diễn bộ sưu tập thời trang thổ cẩm do 4 người mẫu từ Việt Nam là Hoa hậu Ngọc Hân, người mẫu Huyền Trang, Phạm Trang và Phương Liên cùng với một số người mẫu Pháp ở địa phương thực hiện. Lần này tôi đã giới thiệu khoảng 50 mẫu trang phục đặc biệt được dày công nghiên cứu trong nhiều năm. Toàn bộ các mẫu trang phục được làm bằng loại vải thổ cẩm dệt tay do những người phụ nữ dân tộc thiểu số H’Mông ở Hà Giang và Bắc Hà dệt nên. Những loại vải thổ cẩm này được kết hợp với kỹ thuật thêu tay truyền thống tinh xảo của người dân tộc và được thiết kế thành những kiểu áo thời trang hiện đại. Sau đó, có 4 mẫu đã được tham gia triển lãm Les Métamorphoses.
* Để tạo ra bộ sưu tập thổ cẩm là một nỗ lực sáng tạo bền bỉ và ý nhị, toát lên những biểu tượng văn hóa và dân tộc. Quá trình thực hiện hẳn không đơn giản?
* Tôi đã nhiều năm tìm kiếm và nghiên cứu những loại vải thô và hoa văn của các cộng đồng người dân tộc trên khắp cả nước, thậm chí không nề hà đi vào các vùng sâu vùng xa. Quả thật với tôi đây là niềm đam mê. Để có bộ sưu tập sản phẩm thời trang này, tôi yêu cầu phải có những loại vải đặc biệt để tạo ra những sản phẩm mới giới thiệu tại một liên hoan quốc tế vốn đòi hỏi sản phẩm phải rất đặc biệt nên khá vất vả.
Nếu đến Sapa chẳng hạn, màu sắc thổ cẩm đặc trưng không còn nhiều mà người dân tộc đã mặc những sản phẩm thời trang giá rẻ của Trung Quốc. Do vậy, việc tìm kiếm được những nghệ nhân còn biết dệt theo lối thủ công xưa, nắm giữ những bí quyết nhuộm vải từ cây lá trong rừng rất khó khăn, phần lớn phải tìm kiếm ở những làng nằm sâu và cao, đường đi hiểm trở…
* Theo bà, ở trong nước đã “cảm” hết được nét văn hóa và tính nhân văn trong các bộ trang phục đó?
* Khi cuộc sống còn khó khăn, có lẽ chúng ta chưa chú ý nhiều đến các yếu tố bảo tồn văn hóa, trong khi thế giới đang nỗ lực lưu giữ những nét văn hóa truyền thống như thế này, coi đây là nét nhân văn trong trang phục.
Chúng ta có thể thấy các trang phục này được thực hiện từ các ngôi làng của cộng đồng thiểu số người Dao hay người H’Mông, được thực hiện đầy màu sắc và rất trau chuốt, mỗi làng có cách làm, sắc thái riêng đặc trưng của họ. Vì vậy, tôi quan tâm và nghiên cứu đến các trang phục truyền thống do cộng đồng thiểu số miền núi ở Việt Nam thực hiện, từ đó hiện thực hóa một sự kết hợp giữa các trang phục truyền thống này với tính hiện đại.
Thế giới rất quan tâm nên liên hoan năm sau được Viện Bảo tàng Bargoin dự kiến tổ chức ở Việt Nam, trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 12-2013. Chúng ta cần có cách làm để bảo tồn văn hóa Việt, nếu không làm từ bây giờ là có tội với các thế hệ sau.
VĂN THIÊN LỘC thực hiện