Thổ Nhĩ Kỳ: Doanh nhân bị trừng phạt, kinh tế ảnh hưởng

Ngày 31-7, khoảng 7.000 cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cùng các xe quân sự hạng nặng đã bao vây và phong tỏa căn cứ không quân Incirlik của NATO sau khi xuất hiện tin đồn về âm mưu đảo chính mới. Vụ việc diễn ra cho thấy tình hình Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nóng như chảo lửa, bất chấp sự trấn áp mạnh tay từ phía nhà cầm quyền.
Thổ Nhĩ Kỳ: Doanh nhân bị trừng phạt, kinh tế ảnh hưởng

Ngày 31-7, khoảng 7.000 cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cùng các xe quân sự hạng nặng đã bao vây và phong tỏa căn cứ không quân Incirlik của NATO sau khi xuất hiện tin đồn về âm mưu đảo chính mới. Vụ việc diễn ra cho thấy tình hình Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nóng như chảo lửa, bất chấp sự trấn áp mạnh tay từ phía nhà cầm quyền.

Doanh nhân là đích ngắm mới

Các nhân chứng cho biết lực lượng an ninh được trang bị súng trường và xe bọc thép TOMA do cảnh sát chống bạo động điều tới đã tiến hành bao vây và phong tỏa lối vào của căn cứ Incirlik. Căn cứ không quân Incirlik ở tỉnh Adana là căn cứ quân sự quan trọng của NATO. Quân đội Mỹ hiện duy trì khoảng 50 đến 90 vũ khí hạt nhân chiến lược tại căn cứ này. Đây cũng là nơi các máy bay chiến đấu của liên quân do Mỹ đứng đầu xuất kích để tiêu diệt các phần tử khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria. Incirlik cũng là căn cứ quân sự phục vụ cho hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS. Nhiều tướng lĩnh quân sự cấp cao tại Incirlik đã bị chính phủ bắt giữ với cáo buộc có âm mưu phản quốc vì dính líu tới vụ đảo chính đêm 15-7. Theo số liệu chính thức vừa được công bố, khoảng 18.000 người bị tạm giam, gần 10.000 người bị bắt giữ.

Hình ảnh vụ Thổ Nhĩ Kỳ điều động cảnh sát đến căn cứ không quân Incirlik

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố, các học viện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị đóng cửa và thay thế bằng một trường đại học quốc phòng. Đây là một động thái nhằm đưa quân đội nằm hoàn toàn dưới quyền kiểm soát dân sự. Một tòa án tại thành phố Istanbul đã quyết định thả tự do cho 758 binh sĩ và cảnh sát đã bị bắt giam sau vụ đảo chính vì đã phối hợp với chính quyền trong cuộc điều tra sau đảo chính.

Nằm trong chiến dịch trấn áp, gần 50.000 hộ chiếu bị hủy bỏ nhằm ngăn chặn các trường hợp chạy trốn ra nước ngoài. Hiện các cuộc thanh trừng bắt đầu nhắm vào giới doanh nhân. Đối tượng đầu tiên là gia đình Boydak đứng đầu một tổ hợp sở hữu một thương hiệu đồ dùng gia đình nổi tiếng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ tịch Tập đoàn Mustafa Boydak và hai thành viên trong gia đình đã bị bắt. Ba lãnh đạo khác của tập đoàn đang bị truy nã, với cùng một lý do: có quan hệ gần gũi với giáo sĩ Fethullah Gulen, người được coi là đầu não của vụ đảo chính bất thành. Dư luận lo ngại mục tiêu thanh trừng mới này có thể tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã bị chấn động, chao đảo do âm mưu đảo chính.

Nhằm vào kẻ chủ mưu

Các chiến dịch truy bắt của giới chức Thổ Nhĩ hiện nay chỉ nhằm mục đích chặt đứt các “chân rết” của giáo sĩ Fethullah Gulen. Theo Reuters, kể từ sau đêm 15-7, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần gửi yêu cầu chính thức với Mỹ về việc dẫn độ nhân vật lưu vong này. Tuy nhiên, Mỹ đã thể hiện thái độ do dự bằng những tuyên bố rằng, nước này cần chứng cứ xác đáng chứ không phải là những lời cáo buộc suông.

Trong một tuyên bố mới nhất, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, giáo sĩ Fethullah Gulen chỉ là con tốt được một kẻ chủ mưu chống lưng. Giới phân tích cho rằng, Ankara đang ám chỉ kẻ chủ mưu là phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng. Phía Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng cáo buộc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã huấn luyện cho các thành viên của phong trào Gulen. Tuy nhiên, cả Washington và giáo sĩ Gulen đều phủ nhận liên quan đến âm mưu đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ. Để củng cố thêm những bằng chứng cho rằng giáo sĩ Gulen có dính líu đến vụ đảo chính, Cơ quan Tình báo quốc gia (MIT) cho biết đã chặn được hàng loạt tin nhắn mã hóa mà những người ủng hộ giáo sĩ Gulen gửi đi trước vụ đảo chính, theo đó giúp Ankara thu thập được hàng ngàn cái tên trong mạng lưới của giáo sĩ này.

THANH HẰNG (tổng hợp) 

Tin cùng chuyên mục