Thơ trẻ qua gương mặt trẻ

Họ là những gương mặt mới, rất mới trên thi đàn. Mỗi người đến với thơ từ những xuất phát điểm khác nhau: nghề nghiệp, địa lý... Người đã là tiến sĩ học ở nước ngoài như Thụy Anh, người là kiến trúc sư trẻ như Nguyễn Anh Vũ, giảng viên đại học Lệ Bình Quan, nhà báo Nguyễn Quang Hưng, làm công tác văn hóa nghệ thuật tận mãi vùng cao cực Bắc như Huyền Minh… Tựu chung lại họ còn trẻ và người trẻ nhất đang là sinh viên Đại học Văn hóa, Lữ Mai (21 tuổi)... Tám gương mặt trẻ đã tụ hội đứng chung một tập thơ khá dày dặn có cái tên Thơ trẻ 360°.
Thơ trẻ qua gương mặt trẻ

Họ là những gương mặt mới, rất mới trên thi đàn. Mỗi người đến với thơ từ những xuất phát điểm khác nhau: nghề nghiệp, địa lý... Người đã là tiến sĩ học ở nước ngoài như Thụy Anh, người là kiến trúc sư trẻ như Nguyễn Anh Vũ, giảng viên đại học Lệ Bình Quan, nhà báo Nguyễn Quang Hưng, làm công tác văn hóa nghệ thuật tận mãi vùng cao cực Bắc như Huyền Minh… Tựu chung lại họ còn trẻ và người trẻ nhất đang là sinh viên Đại học Văn hóa, Lữ Mai (21 tuổi)... Tám gương mặt trẻ đã tụ hội đứng chung một tập thơ khá dày dặn có cái tên Thơ trẻ 360°.

Tám hướng hội tụ, một vòng quay 360° mở ra mọi hướng, phải chăng là một “tuyên ngôn” của những giọng điệu trẻ đây đó đã thấy lấp lánh những ý tưởng mới. 

Giữa rừng thơ nhan nhản hiện nay, sự xuất hiện của một giọng thơ trẻ mà đứng được, mà được lưu tâm trong những người yêu thơ là điều chẳng dễ gì. Ban công tác Nhà văn Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam (VN) vừa tổ chức tọa đàm về tập Thơ trẻ 360° tại trụ sở Hội Nhà văn VN. Các bạn thơ trẻ dù sao cũng đã làm được một điều gì đấy vì thơ, đó là nhận định chung.

Nhà thơ Vũ Quần Phương, Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn VN cho rằng: đây là một tập thơ có cái gì đấy khác lạ, đọc không bị mệt, các bạn đã đưa được những ý lạ nhưng vẫn có gì đó quen thuộc; đồng thời có sự tươi tắn của cảm xúc. Nhà thơ Trần Quang Quý thì cho rằng: các bạn trẻ đã làm được điều khác thơ trẻ trước, không xủng xoảng câu chữ khó hiểu... mà bám vào đời sống, đồng thời không kém sắc sảo cùng lối tư duy khúc triết, mới lạ...

Tác giả trẻ Nguyễn Anh Vũ gợi một không gian thơ từ đau đáu nỗi niềm của “Tiếng chim Quyên Qui” tới những hoài niệm đẹp về “Tuổi thơ tôi” với:

Tuổi thơ tôi để lại bờ đê, bãi Giữa
Của ngô khoai, cỏ dại, của phù sa
Cõi hoang sơ nằm ngủ mơ bên phố
Hà Nội sớm sương nâu ngói, tiếng gà.

Lữ Mai là người trẻ nhất nhưng trong thơ lại lộ phát những trăn trở, suy nghĩ già dặn cùng lối cấu trúc thơ khá hiện đại. Sự chắt chiu câu chữ mà vẫn tải được những tâm trạng, những khoảng trời rất riêng của một tâm hồn thiếu nữ vừa có cái gì đó mãnh liệt, lại cũng hoảng sợ, hoang sơ...

trốn chạy
cái nhìn vuốt lưng
bần bật chiếc khuy buồn rạn nứt
hoang mang cơn khát/ bung cái nhìn quẩn quanh. (Bung)…

Huyền Minh mang vào thơ lối cảm, lối nghĩ bộc trực của người vùng cao nguyên đá Hà Giang. Thơ Huyền Minh không có sự vòng vo, tung tẩy của câu chữ, mà chắc nịch, kiệm lời, tạo dấu ấn một không gian văn hóa vùng cao vừa quen vừa lạ qua cách nhìn khá biểu cảm với rung động chân thành:

khi ta về tóc mẹ già đã bạc
khói đất đồng mờ phủ tuổi thơ qua
Sông Lô ơi mộng mị gì sao cứ chảy
Để hồn ta trôi mãi khôn cùng (Ta về).

Nhà báo trẻ Nguyễn Quang Hưng mang hơi thở của đời sống vào thơ với những làng quê xứ Đoài, quan họ, lễ hội... Nhưng Nguyễn Quang Hưng không tả, mà chất liệu đôi khi chỉ là cái cớ để tác giả dồn nén tâm trạng thơ, cảm xúc thơ để nắm bắt được thần thái sự việc. Chính thế nên, ở Nguyễn Quang Hưng thơ giàu hình ảnh, nhạc điệu, không gian trong chất chứa của một cái gì đó như lất ngất, đắm chìm, hòa quyện...

Này kia!
Câu hát đun đẩy sóng
Bồng bềnh dựa lưng đong đẩy lưng
Chị Tư hát đến ngày mạ trổ
Chị Năm gánh lúa theo chồng...
Người hóa trăng treo bến lạ
Nửa đời tìm hội... Chị Hai có về không? (Lỡ hội). 

Nếu như Điệp Giang có những tít thơ như một ký tự, như sự đánh đố, bí hiểm...: FF3, FF(n+1), Entry for September 16, 2008... thì Thụy Anh lại mộc mạc, giản dị như lời tự sự: (Trên con đường mùa thu của cuộc đời), (Đom đóm rừng dương), (Nàng tiên cá)...:

Nhỡ con đường này cứ dài ra mãi
Nhỡ cánh rừng cứ vàng đi mà không xanh trở lại?
Nhỡ mai anh về không nghe thấy giọng em.


Ở hai giọng thơ này giống nhau sự đằm thắm, nữ tính, hồn hậu. Thụy Anh không mới về hình thức và giọng điệu nhưng cuốn người ta bởi sự dung dị, ấm áp và một vẻ trữ tình cổ điển. Còn Điệp Giang là chất men say nồng nàn của tâm hồn cùng sự dung dị, chắt chiu của con chữ:

Nắm chặt tay em, nắm lấy tay em
Hãy dắt em tới dưới tán bồ đề kia
Hãy để em nhìn vào tận sâu bí mật
Dù chỉ bằng lặng im (FF3).

 Những ký ức đong đầy, những kỷ niệm chưa xa tạo một giọng nồng ấm của thơ Lệ Bình Quan. Nguyễn Phan Quế Mai mang vào thơ ngồn ngộn chất hiện đại cuộc sống:

Ngày cuốn em đi bằng Email, điện thoại
Những con chữ chạy
Đuổi theo em theo em... Hổn hển những công việc không tên
Em không kịp ngước nhìn mùa thu đang duỗi vàng qua cửa (Vòng xoáy)…

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa: “...Thơ trẻ không còn chỉ tồn tại một dòng duy nhất mà nhiều người vẫn cho là “non nớt” mà đã thể hiện được sự phong phú, thâm trầm rất đáng quý ở những cây bút trẻ”. Những gương mặt thơ trẻ xuất hiện không ồn ào, phá cách hay tìm cách gây sự chú ý... Ở họ dường như đã tiếp cận, tiếp nối được giữa hôm qua và hôm nay. Và, trong cái hôm nay của họ đã mang tới một hay nhiều luồng gió lạ; tuy rằng chưa thể nhận diện hình hài.

Vẫn còn quá sớm để khẳng định, nhưng chúng ta trân trọng và ghi nhận sự góp mặt của một số gương mặt thơ trẻ trong nền thơ hiện nay

CAO MINH

Tin cùng chuyên mục