Theo các quan chức Macedonia, Tổng thống Ivanov đã bất ngờ rời khỏi cuộc họp với thủ tướng và ngoại trưởng nước này cũng như từ chối thảo luận các lợi ích của thỏa thuận đối với tương lai của Macedonia. Do đó, cuộc họp ngày 13-6 chỉ kéo dài chưa đầy 3 phút.
Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Ivanov tuyên bố sẽ không ủng hộ hoặc ký thỏa thuận, coi thỏa thuận là điều “đáng hổ thẹn và không thể chấp nhận được”. Theo kế hoạch, thỏa thuận về việc đổi tên Macedonia, được hai thủ tướng Hy Lạp và Macedonia thông qua hôm 12-6, sẽ được ngoại trưởng hai nước ký kết vào cuối tuần này. Để có hiệu lực, thỏa thuận phải được người dân Macedonia nhất trí trong một cuộc trưng cầu ý dân cũng như phải được quốc hội hai nước thông qua.
Ngay trong tối 13-6, có tới 1.500 người biểu tình hòa bình bên ngoài trụ sở quốc hội ở thủ đô Skopje của Macedonia nhằm phản đối thỏa thuận. Trong khi đó, thỏa thuận này cũng vấp phải sự phản đối của truyền thông, các đảng đối lập và theo chủ nghĩa dân túy tại Hy Lạp. Đảng Dân chủ mới theo đường lối trung tả - đảng đối lập chính ở Hy Lạp cho biết có thể sẽ đề nghị tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính quyền của Thủ tướng Alexis Tsipras. Theo lãnh đạo đảng Dân chủ mới Kyriakos Mitsotakis, thỏa thuận này có vấn đề lớn bởi đa số người dân Hy Lạp đều phản đối điều này và Thủ tướng Tsipras không đủ quyền để ký kết.
Báo chí theo đường lối bảo thủ và trung hữu cũng nhận định “thỏa thuận có nhiều khoảng trống và dấu hỏi”, thậm chí nhiều người dân còn cho biết họ cảm thấy vừa bị mất chủ quyền sau 9 năm chịu đựng các biện pháp khắc khổ theo 3 thỏa thuận cứu trợ tài chính của quốc tế. Các nhóm hoạt động ở Hy Lạp cũng dọa sẽ tổ chức biểu tình ở Athens trong ngày 15-6 để phản đối thỏa thuận.
Những người theo đường lối cứng rắn ở cả Hy Lạp và Macedonia đều cho rằng hai thủ tướng đã nhượng bộ quá nhiều để đi đến thỏa thuận trên. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận. Dù thừa nhận các tranh cãi chính trị trong nước có thể gây ảnh hưởng đến thỏa thuận, song 2 quan chức trên cho rằng thỏa thuận này là hình mẫu cho các nước về cách thức giải quyết hòa bình và ổn định các tranh chấp trên khắp khu vực.
Tranh cãi giữa Hy Lạp và Macedonia bùng phát vào năm 1991 khi Macedonia tuyên bố độc lập và gia nhập Liên hợp quốc (LHQ) với tên gọi Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia. Tuy nhiên, Hy Lạp - một thành viên của EU và NATO, đã ngăn cản tiến trình gia nhập của Macedonia do tên của quốc gia láng giềng trùng với tên 1 tỉnh miền Bắc nước này. Theo thỏa thuận, được Athens và Skopje thông báo ngày 12-6, quốc gia Balkan được chính thức biết đến với tên gọi Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia (FYROM) từ nay trở đi sẽ được gọi thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Thủ tướng Macedonia hy vọng rằng việc giải quyết tranh cãi trên sẽ giúp dọn đường cho nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và NATO.