Như tin đã đưa, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 14-9 đã đạt được thỏa thuận (tạm gọi là thỏa thuận Geneva) về việc giải giáp vũ khí hóa học của Syria từ nay đến giữa năm 2014. Thỏa thuận này tồn tại không ít những thách thức phía trước, chưa nói đến việc chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria.
Thách thức
Theo thỏa thuận Geneva, chỉ trong vòng 1 tuần, Syria phải kê khai đầy đủ các kho vũ khí hóa học của họ - quá ngắn so với đề xuất 1 tháng của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Kế đến, thỏa thuận Geneva đề nghị đưa thanh sát viên trở lại Syria vào tháng 11 và việc giải giáp vũ khí hóa học của Syria hoàn tất vào giữa năm 2014. Theo ghi nhận của các nhà quan sát, khung thời gian như vậy là quá ngắn trong bối cảnh mà nhiều chuyên gia ước tính số lượng vũ khí hóa học của Syria có thể lên tới 1.000 tấn. Tờ Washington Post dẫn lời ông Daryl Kimball, Giám đốc Hiệp hội kiểm soát vũ khí, một tổ chức phi lợi nhuận tại Washington, so sánh tiến trình giải giáp vũ khí hóa học tự nguyện ở Libya năm 2003 cho rằng với Syria, người ta mới phát hiện vũ khí hóa học gần đây và họ chỉ chấp nhận giải giáp sau khi bị đe dọa tấn công quân sự, thời gian quá gấp rút lại ở bối cảnh nội chiến nên công việc giải giáp sẽ là một thách thức lớn. Vì vậy, điều quan trọng sắp tới là mức độ hợp tác của Chính phủ Syria với các thanh sát viên vũ khí Liên hiệp quốc (LHQ) đến đâu và liệu phương Tây có chấp nhận số lượng vũ khí hóa học mà Syria khai báo hay không.
Ai sẽ bảo vệ các thanh sát viên LHQ khi Syria vẫn chưa có lệnh ngừng bắn? - tờ New York Times đặt vấn đề. Ngoài ra, theo tờ báo này, Nga chưa chắc đã chấp nhận số liệu của Mỹ cho rằng Syria đang sở hữu trên 1.000 tấn vũ khí hóa học cũng như 45 địa điểm cất giấu. Đây có thể sẽ khiến thỏa thuận Geneva đi vào ngõ cụt.
Cũng theo New York Times, thỏa thuận Geneva càng làm cho cuộc nội chiến tại Syria thêm căng thẳng. Nhiều nhóm đối lập tại Syria đã tỏ ra thất vọng với thỏa thuận này. Cảm giác chung của họ là “bị Mỹ phản bội”.
Khó kết thúc nội chiến
|
Cho dù thỏa thuận Geneva sẽ đi đến đâu đi nữa nhưng ít nhất vào lúc này, nó đã giúp tháo ngòi nổ chiến tranh trong tương lai gần. Ngoài ra, theo Reuters, với thỏa thuận này, Nga đã thành công trong việc đưa cuộc khủng hoảng Syria trở lại LHQ để tổ chức này định đoạt (mặc dù Mỹ vẫn bảo lưu quyền tấn công quân sự Syria mà không cần có sự phê chuẩn của HĐBA LHQ nếu Syria không tuân thủ thỏa thuận Geneva). Với Tổng thống Mỹ Barack Obama, thỏa thuận Geneva giúp ông không phải sớm rơi vào hoàn cảnh như Chính phủ Anh khi Quốc hội bác bỏ yêu sách tấn công quân sự mà không có sự phê chuẩn của LHQ. Nhiều nước khác trong HĐBA LHQ như Anh, Pháp và Trung Quốc cũng đã hoan nghênh thỏa thuận Geneva.
Vấn đề kế tiếp nữa là giải quyết cuộc nội chiến tại Syria như thế nào để nó không thể tác động tiêu cực đến tiến trình giải giáp vũ khí hóa học. Theo dự kiến vào cuối tháng 9, khi Đại hội đồng LHQ họp tại New York, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Mỹ John Kerry cùng đặc phái viên LHQ về Syria Lakhdar Brahimi sẽ gặp nhau để quyết định về một kế hoạch cho hội nghị hòa bình quốc tế chấm dứt chiến tranh ở Syria. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông hy vọng tất cả các bên trong cuộc xung đột có thể tham dự một cuộc hòa đàm trong tháng 9 mà không cần phải đưa ra điều kiện nào. Tuy nhiên, để tìm ra tiếng nói chung giữa các phe phái tại Syria sẽ không dễ khi mà có quá nhiều nỗ lực về ngoại giao đã thất bại và cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm qua chưa có dấu hiệu nào kết thúc.
THỤY VŨ (tổng hợp)
- Hội đàm cấp Ngoại trưởng Nga-Mỹ về Syria: Nhiều tín hiệu tích cực