Xung quanh việc áp dụng lãi suất thỏa thuận (LSTT) có nhiều vấn đề. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay là các doanh nghiệp (DN) sẽ gặp khó khăn, trong điều kiện lạm phát tăng và sản xuất kinh doanh gặp nhiều bất lợi.
Lãi suất cơ bản chỉ còn ý nghĩa định hướng
Nhìn lại quá khứ, việc áp dụng LSTT không phải là chuyện mới. Năm 2008, thời điểm trước khi lạm phát xảy ra ở mức độ lớn, phương thức này đã được áp dụng. Tuy nhiên, sau đó, có những ý kiến cho rằng điều này không phù hợp với Bộ Luật dân sự, lãi suất đã được kiểm soát với việc quy định lãi suất cơ bản (LSCB). Và cần phải đánh giá với thái độ không hoài nghi rằng, LSCB được áp dụng đã có tác dụng tốt đối với kinh tế - xã hội.
Còn thời điểm này, LSTT có quan hệ thế nào với LSCB? “Theo tôi, áp dụng LSTT khiến LSCB chỉ còn ý nghĩa định hướng chứ không còn tác dụng cho xác định ý nghĩa lãi suất trần và sàn. Tức đây thuần túy là chuyện giữa người cho vay và đi vay” - TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Kế toán - Tài chính - Ngân hàng Trường Đại học Mở TPHCM, cho biết.
Ông Thuận phân tích tiếp về một điều bất hợp lý khi áp dụng LSTT: “Đây là điều không ổn về khía cạnh pháp luật, vì nó không phù hợp với Luật Dân sự. Mặt khác, nó cũng không công bằng, bởi vì chỉ có LSTT ở đầu ra (cho vay) mà không có thỏa thuận ở đầu vào (huy động). Trên thị trường tài chính, sự không công bằng này đồng nghĩa với không có tự do hóa lãi suất”.
Tuy nhiên, do Luật Dân sự vẫn là nền tảng, nên mặc dù các ngân hàng thương mại (NHTM) và khách hàng vay với LSTT, nhưng trong hợp đồng vay vẫn lấy LSCB làm cơ sở, khoản chênh lệch lãi suất thực được chuyển vào các khoản phí. Nếu không, khi có tranh chấp về quan hệ dân sự, hợp đồng vay sẽ bị coi là vô hiệu.
“Ngân hàng đẩy phí lên cao, nên lãi suất thực sẽ lên đến 15%-18%/năm. Thực tế từ đầu năm 2010, lúc chưa có quy định về LSTT, các NHTM đã “phá trần” lãi suất cho vay bằng phí. Trong hơn một tháng họ áp dụng các loại phí nói trên, không thấy Ngân hàng Nhà nước có ý kiến gì” - nhận xét của TS Nguyễn Văn Thuận.
Ảnh hưởng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ
* TS Nguyễn Văn Thuận: “Cần khảo sát lại cụ thể chính sách lãi suất để tính toán hỗ trợ cho việc làm ăn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ”. * Chuyên gia Lê Đạt Chí: “Theo tôi, lãi suất cơ bản trong năm nay sẽ tăng lên 9%, và lạm phát có thể lên tới 10,5%”. |
“Theo quan sát của tôi, các DN lớn hiện không gặp khó khăn về vốn. Họ đang thừa tiền nhưng không có hướng gì khả quan để mở rộng sản xuất kinh doanh. Vì vậy lấy tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng là có lợi nhất. Mà khi không có quy định về thỏa thuận lãi suất huy động, một số người sẽ có lợi riêng, khi họ tự… thỏa thuận với nhau. Khó khăn từ lãi suất thỏa thuận tăng cao chủ yếu dồn vào các DN vừa và nhỏ” - chuyên gia tài chính, chứng khoán Lê Đạt Chí nhận xét.
Cũng theo ông Chí, trước đây lãi suất thấp, nhưng DN cần vốn không vay được. Nay lãi suất vay lên cao, đương nhiên DN không dễ dàng chấp nhận. Họ sẽ tính toán lại chi phí vốn, và nếu không có lợi thì sẽ không triển khai dự án, nghĩa là không đi vay nữa. DN cần vốn mà không đi vay, điều gì sẽ xảy ra?
“Trong ngắn hạn, DN phải đi vay để tăng nguồn vốn, nhưng DN lại ngại vì không có lợi. Lúc đó NHTM sẽ lại thừa vốn. Họ sẽ tìm đường chạy qua thị trường liên ngân hàng để tìm kiếm lãi suất cao hơn. Cạnh tranh theo hướng này sẽ làm giảm lãi suất liên ngân hàng, dẫn đến giảm lãi suất huy động” - chuyên gia Lê Đạt Chí dự báo.
TS Nguyễn Văn Thuận lo ngại rằng, bên cạnh cơn sốc giá đầu vào hiện hữu (do tăng giá xăng dầu, nguyên liệu…), nay DN vừa và nhỏ lại chịu thêm chi phí vốn đắt do chính sách LSTT. “Năm ngoái, do hỗ trợ từ chính sách kích cầu đầu tư, được hỗ trợ lãi suất, DN chỉ phải vay với mức 6%-6,5%/năm. Bây giờ lãi suất vọt lên 16%-18%, chắc chắn là DN sẽ rất khó khăn. Vốn làm ăn của họ phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng, lãi suất quá cao khiến sản xuất kinh doanh sẽ bị đình trệ” - ông Thuận nói.
Năm 2009, nhiều DN có lợi nhuận tốt, có phần đóng góp không nhỏ của chi phí vốn rẻ, từ lãi suất thấp. Năm nay, khi tình hình kinh tế chưa chắc là thuận lợi, khả năng thua lỗ của nhiều doanh nghiệp trở nên rõ ràng hơn. Khó khăn từ năm trước tích lũy, có độ trễ, năm nay mới bộc lộ. Chi phí đầu vào tăng, mà giá bán sản phẩm ở đầu ra không dễ tăng tương ứng, DN sẽ lỗ. Trong khi đó, sức chịu đựng của họ là rất có giới hạn.
Ngân hàng “sướng” được bao lâu?
Rõ ràng, người được lợi trong quan hệ LSTT chính là các ngân hàng. Năm 2009, các NHTM cũng là những DN được “thơm” nhất từ chính sách kích cầu, do dư nợ tăng nhưng mức độ rủi ro thấp. Lợi nhuận từ tín dụng của các NHTM cao cũng đến phần lớn từ gói hỗ trợ lãi suất.
Hiện tại, như đã phân tích, lãi suất huy động không tăng, còn lãi suất cho vay tăng cao. Như vậy, khoảng cách chênh lệch giữa huy động và cho vay đảm bảo cho các ngân hàng một khoản lợi nhuận tốt. Nhưng về dài hạn, chênh lệch đó cũng là một rủi ro.
Bởi khi DN chùn lại không vay, ngân hàng sẽ thừa vốn. Thông tin các NHTM đang còn 30.000 tỷ đồng vốn khả dụng cũng đáng chú ý. Mặt khác, các ngân hàng cũng phải đối mặt từ các khoản nợ xấu tăng lên trong thời gian tới, khi nhiều DN đi vay gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh.
Vũ Bách