Thỏa thuận khung vừa đạt được ngày 2-4 giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) được phương Tây xem là cơ hội “ngàn năm có một” để ngăn chặn tham vọng chế tạo bom hạt nhân của Tehran. Mặc dù theo kế hoạch, một thỏa thuận toàn diện và vĩnh viễn cuối cùng sẽ được ký kết vào ngày 30-6 tới, nhưng ngay lúc này, có một xu hướng đang gia tăng là các “đồng minh ruột” của Mỹ đang tìm kiếm các quan hệ đối tác khác để có được sự đảm bảo an ninh quốc gia.
Ngoài việc giúp phương Tây kiểm soát được chương trình hạt nhân của Tehran, thỏa thuận còn là sự thừa nhận ngầm về vị thế của quốc gia Cộng hòa Hồi giáo trong khu vực. Tất nhiên, điều này đe dọa tới vị thế cũng như an ninh và lợi ích nhiều quốc gia, đặc biệt là Israel - vốn chỉ trích thỏa thuận khung trên đe dọa an ninh quốc gia, sự tồn vong của Israel.
Theo ông Nikolas Gvosdev, giáo sư đối ngoại an ninh quốc gia tại trường ĐH Chiến tranh hải quân Mỹ, các đồng minh thân cận nhất với Mỹ ở Trung Đông như Israel, Ai Cập, Saudi Arabia thực sự đã bắt đầu đa dạng hóa các mối quan hệ của họ và thậm chí có những hành động độc lập với Mỹ.
Trong khi cuộc nội chiến ở Yemen đã làm bùng nổ sân khấu khu vực, Saudi Arabia tiếp tục dẫn đầu các cuộc không kích ở Yemen để hỗ trợ các lực lượng chính phủ và các bộ tộc Sunni thì Mỹ lại rất dè dặt và chỉ “mong muốn lắng nghe đối thoại giữa các bên”. Không chỉ ở Yemen, các đồng minh đã chú ý đến cách xử lý gần đây của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là cách xử lý cuộc khủng hoảng Syria.
Việc Mỹ phớt lờ Syria vượt qua “ranh giới đỏ” trong sử dụng vũ khí hóa học, Syria chẳng phải chịu đòn trừng phạt nào của Mỹ đã khiến Saudi Arabia nghi ngờ quyết tâm của Washington về việc thực thi thỏa thuận khung vừa đạt được với Iran trong trường hợp quốc gia Hồi giáo này vi phạm.
Theo các chuyên gia, Saudi Arabia đang hướng về Pháp, cường quốc có quan điểm cứng rắn hơn Mỹ trong các cuộc đàm phán vừa qua với Iran. Ngoài lợi ích chung cùng với Saudi Arabia đối với những vấn đề của Lebanon, người Pháp cũng đang cố quay trở lại Trung Đông sau khi bị buộc phải ra đi như một lực lượng chiếm đóng. Sau chuyến thăm Ai Cập của Tổng thống Nga V. Putin vào tháng 2 vừa qua mà giới quan sát nhận định là nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ tại “sân nhà”, hôm 31-3, Tổng thống Obama thông báo dỡ bỏ lệnh phong tỏa viện trợ vũ khí đối với Ai Cập, vốn bị đóng băng kể từ khi chính quyền quân sự lên nắm quyền tại nước này gần 2 năm trước.
Đây được xem là một nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm làm sống dậy các mối quan hệ chặt chẽ với đồng minh lâu năm nhất của Mỹ tại Trung Đông. Theo các nhà phân tích, một loạt quyết định của Chính phủ Mỹ thời gian gần đây liên quan tới các sự kiện diễn ra tại Ai Cập đã phần nào cho thấy sự “bối rối” của nước này trong việc xử lý các mối quan hệ với Ai Cập.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã bị rơi vào tình thế khó khăn khi bị chia rẽ giữa lợi ích chiến lược và lý tưởng của nước Mỹ. Những người ở Nhà Trắng đang phải tìm mọi cách trấn an các đồng minh thân cận ở Trung Đông. Họ dự định, Hội nghị thượng đỉnh Trại David sắp tới sẽ là cơ hội tốt để làm việc này.
XUÂN HẠNH