Thoát nghèo nhờ trồng rau mầm

Tận dụng diện tích 30m2 trước sân để trồng rau mầm, mỗi ngày chị Hồ Thị Loan (ảnh, 45 tuổi, ngụ số 36/19 đường 16, phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TPHCM) đưa ra thị trường khoảng 12 - 15kg rau mầm, thu lãi hơn 300.000 đồng.
Chị Loan cho biết quê ở Phú Thọ, là con út trong một gia đình dân tộc Tày, học hết lớp 8 thì xin đi làm giáo viên mầm non. Lúc bấy giờ đi dạy chỉ được trả lương bằng những thúng ngô, khoai, sắn, nên kinh tế gia đình rất khó khăn, trụ được mấy năm thì chị phải xin nghỉ việc, vào Bình Dương làm công nhân. Tại đây, chị bén duyên và xây dựng gia đình với anh công nhân cơ khí điện lạnh làm gần công ty. 
Chị Loan nhớ lại: “Hồi ở quê vừa đi dạy vừa làm nông, rồi vào Nam làm công nhân, khi sinh con nghỉ ở nhà, tôi không biết làm gì, chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chồng, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Tôi luôn nghĩ cách tìm việc làm phù hợp để góp sức cùng chồng. Một lần xem tivi, tôi thấy giới thiệu mô hình trồng rau mầm rất hay và phù hợp với điều kiện của mình”.
Thoát nghèo nhờ trồng rau mầm ảnh 1
Thế là chị Loan bàn với chồng tìm hiểu kỹ thuật sẵn có trên Internet và bắt tay làm thử. Vợ chồng chị tận dụng khoảng sân trước nhà khoảng 30m2 thiết kế khu trồng rau mầm, với chi phí ban đầu: Làm giàn khung sắt để khay rau khoảng 2 triệu đồng; mua tủ lạnh cũ để trữ rau khoảng 1,5 triệu đồng; mua 100 khay xốp với giá 500.000 đồng. 
Giai đoạn mới bắt tay vào làm, do chưa có kinh nghiệm nên chị liên tục thất bại. Dầu vậy, chị Loan không hề nản chí, thất bại đợt này chị làm lại đợt khác, quyết tâm làm cho bằng được. “Mỗi khâu, mỗi công đoạn thấy người ta làm thì rất dễ, nhưng khi làm thật thì đụng khâu nào cũng gặp thất bại.
Từ việc sử dụng giống, xử lý nước tưới, giá thể, đến cách thu hoạch… đều phải có bí quyết, mà bí quyết này tôi phải mất 3 năm thất bại mới thành công. Đến khi làm ra được rau rồi thì lo đi tìm nơi tiêu thụ. Qua năm thứ 4, công việc làm ăn mới suôn sẻ”, chị Loan cho hay.
Rau mầm được chị trồng trong các khay, không sử dụng phân hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, cũng chẳng dùng chất kích thích, trồng hoàn toàn bằng xơ dừa trộn với phân trùn quế tươi và dùng nước sạch để tưới. Sau mấy năm thất bại, chị Loan rút ra kinh nghiệm để trồng rau mầm thành công, cần chú ý những vấn đề sau:
- Về giống: Đây là khâu đầu tiên và cũng là khâu then chốt. Muốn đạt năng suất, chất lượng cao thì nên mua giống tốt nhất, giá cao hơn khoảng 40%. Không nên vì ham rẻ mà chọn giống không đảm bảo, vì như vậy rau sẽ bị èo uột, dễ nhiễm bệnh thối nhũn. Chị Loan cho biết hiện sử dụng giống của Úc, giá 100.000 đồng/kg.
- Về xử lý giá thể trồng, giống và nước: Với lượng 1,5kg hạt giống/ngày thì cần 25kg xơ dừa trộn với 2kg phân trùn quế tươi. Trộn và vò đảo đều giá thể cho thấm tơi. Nếu kỹ thì để giá thể trộn 3 - 5 ngày rồi hãy đem gieo hạt. Giống mua về trước khi ngâm cần rửa sạch với nước lạnh nhiều lần cho trôi hết chất bảo quản có trong hạt; sau đó ngâm 8 giờ (nếu vào mùa mưa thì ngâm nước ấm 2 sôi 3 lạnh, còn mùa nắng thì ngâm nước lạnh bình thường); xong vớt ra, nhẹ nhàng rửa lại nước sạch, để ráo rồi gieo.
Khi cho giá thể vào khay cần trộn tơi lại giá thể, rãi đều lên khay và nén lại cho bằng phẳng, rải đều hạt và lấp lại bằng một lớp giá thể nữa là xong. Khi tưới rau, phải sử dụng nước sạch sinh hoạt để qua đêm hãy tưới, không sử dụng nước giếng. Sau mỗi đợt rau nên rửa kỹ khay (đối với mùa mưa), mùa nắng thì chỉ cần lau sạch hết giá thể cũ đi là được.
- Về thu hoạch: Cần sử dụng dao, kéo bén để cắt rau, tránh cắt gốc bị dập vì dễ gây hư rau và bảo quản không lâu. Tốt nhất nên sử dụng dao lam để cắt rau không bị dập, cắt rất nhanh và thời gian bảo quản được 5 - 7 ngày.
Chị Loan cho biết mỗi ngày sử dụng 1,5kg giống, gieo được khoảng 10 khay, sau 6 ngày thu hoạch được khoảng 10 - 12kg rau mầm. Với giá bán 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được 300.000 đồng/ngày. Trước đây, việc kiếm chỗ tiêu thụ rau mầm khó, vì sản phẩm chưa đạt chất lượng và không ổn định. Nay thì chị sản xuất không đủ để bán, vì sản phẩm ổn định và an toàn, không sử dụng bất cứ thuốc gì trên rau. 
Nói về kinh nghiệm để thành công, chị Loan cho rằng phải cần cù và kiên trì, chứ không bỏ cuộc giữa chừng, mỗi lần thất bại phải suy nghĩ tại sao lại thất bại, thất bại từ khâu nào để rút kinh nghiệm và tìm giải pháp khắc phục. Chị Loan cũng cho hay, với số tiền thu được mỗi ngày cùng lương của chồng, cuộc sống gia đình chị giờ ổn định, con cái được học hành đàng hoàng. Chị sẵn sàng chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm với những người muốn học nghề trồng rau mầm 

Tin cùng chuyên mục