“Việt Nam có rất nhiều mặt hàng có thể cung cấp cho thị trường của cộng đồng người Hồi giáo (Halal). Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trên mỏ vàng, nếu không quan tâm khai phá sẽ bỏ lỡ cơ hội”, ông Ramlan Osman, Giám đốc kinh doanh Trung tâm Halal Việt Nam, nhận định.
Cộng đồng Hồi giáo toàn cầu là 1,8 tỷ người, trong đó châu Á có 1 tỷ người, riêng khu vực Đông Nam Á là 230 triệu người. Các nước Hồi giáo nhập khẩu nhiều nhóm sản phẩm khác nhau, gồm cả sản phẩm Halal đang có nhu cầu cao vì dân số người tiêu dùng phân khúc này tăng.
Tiêu thụ thị trường Halal toàn cầu vào năm 2016 là 2.800 tỷ USD, riêng thị trường Halal châu Á tiêu thụ 1.500 tỷ USD. Con số này mỗi năm càng tăng và dự báo mức tiêu thụ toàn cầu sẽ lên 7.700 tỷ USD vào năm 2030. Riêng về thực phẩm Halal, nhu cầu toàn cầu hiện gần 2 tỷ USD, nhưng chỉ được đáp ứng 10%.
Dự báo đến năm 2030, nhu cầu thị trường Halal tiêu thụ gạo trên 4,3 tỷ USD; cà phê, trà, ca cao trên 10 tỷ USD; rau quả trái cây trên 26 tỷ USD; đường, mật ong 26,7 tỷ USD… Đây là những sản phẩm mà Việt Nam rất giàu tiềm năng.
Những thị trường Hồi giáo rộng lớn là Indonesia, Pakistan, India, Bangladesh với hơn 700 triệu người tiêu thụ. Chú trọng thị trường Halal sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư, ngành công nghiệp Halal sẽ cung cấp cơ hội cho các nhà sản xuất và làm tăng nhận thức về tính an toàn cho các sản phẩm.
Nhiều nước đang chuyển biến nhanh để nắm bắt cơ hội từ thị trường Halal, trong 7 nước đang sản xuất nhiều nhất hướng tới thị trường Halah chỉ có 2 nước Hồi giáo là Malaysia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Malaysia đã định hình Kế hoạch tổng thể nền công nghiệp Halal 2.0 để toàn cầu hóa các đặc trưng nổi bật của Malaysia. UAE đang hướng tới trở thành trung tâm kinh tế Hồi giáo, tập trung vào tài chính Hồi giáo và Halal.
Hàn Quốc muốn trở thành một trong những điểm đến cho khách du lịch Hồi giáo. Australia là nhà cung ứng thịt bò Halal lớn nhất cho các quốc gia Trung Đông. Nhật Bản xác định thị trường Halal là nguồn thu chính cho kinh tế Nhật Bản từ năm 2020.
Thái Lan tự gắn cho mình thương hiệu là “Nhà bếp của thế giới” và thị trường các nước Hồi giáo là không thể bỏ qua. Brazil là nhà cung cấp gia cầm Halal lớn nhất cho các quốc gia Trung Đông.
Cơ hội lớn nhìn thấy đã rõ nên các nước không bỏ lỡ. Việt Nam có thật sự quan tâm vào chuỗi cung ứng toàn cầu này? Câu hỏi luôn được lãnh sự các nước Malaysia, Indonesia, cũng như Văn phòng chứng nhận Halah (HCA Việt Nam) đặt ra trong 2 - 3 năm gần đây.
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
Ông Zukarnine Shaz Zainal Abidin, đại diện Halal Internationl Selagor, cho rằng một trong những lĩnh vực mà Việt Nam và Malaysia có thể đẩy mạnh hợp tác đó là phát triển ngành công nghiệp Halal.
Các sản phẩm đạt chứng nhận Halal không chỉ là thực phẩm, đồ uống mà còn có các thành phần nguyên liệu thô, tiêu dùng, mỹ phẩm, dược phẩm, quy trình đóng gói thực phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng… theo tiêu chuẩn của người Hồi giáo, phục vụ thị trường Halal.
Để đạt được chứng nhận này, sản phẩm phải được đánh giá từ nguyên liệu, quy trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ... đảm bảo đạt chuẩn.
Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tăng giá trị xuất khẩu vào thị trường Malaysia, thông qua đó có thể tiếp cận với thị trường Hồi giáo chiếm 25% dân số thế giới, dựa vào những tiêu chuẩn, chứng chỉ được công nhận.
Dự kiến đến năm 2030, quy mô của ngành công nghiệp Halal toàn cầu có giá trị lên tới 30.600 tỷ USD, riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 1.100 tỷ USD; trong đó, Malaysia là 228,5 tỷ USD. Những sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam (trừ thịt heo) cơ bản có thể đáp ứng tiêu chuẩn thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo.
Tại Malaysia cũng có tới 9.000 chuyên gia được huấn luyện về kiến thức Halal để hướng dẫn cho doanh nghiệp các quy trình thủ tục đạt chứng nhận Halal.
Mặt khác, sản phẩm Halal không chỉ dành cho người Hồi giáo mà còn cho tất cả mọi người, bởi tiêu chuẩn Halal giúp người tiêu dùng tin tưởng an toàn khi sử dụng sản phẩm.
Hiện tại, GDP của Việt Nam tăng trung bình 6,5% - 7%/năm, điều này cho thấy Việt Nam có nền kinh tế nội địa mạnh mẽ cho sự phát triển trong tương lai. Việt Nam sở hữu dồi dào nguyên vật liệu thô rất tiềm năng cho Halal, bao gồm cà phê, gạo, thủy hải sản, gia vị, đậu hạt, rau củ quả…
Việt Nam cũng được thừa nhận là một trong những điểm du lịch quốc tế hàng đầu hiện nay, cho thấy tiềm năng tương lai kinh doanh loại hình nghỉ dưỡng, nhà hàng và dịch vụ theo tiêu chí Halal phát triển đáng kể.
“Như vậy tại sao không kết hợp 3 lợi thế này để biến Việt Nam thành quốc gia cung cấp sản phẩm cho Halah?”, ông Ramlan Osman đặt vấn đề.
Theo ông Ramlan Osman, doanh nghiệp nên nghiên cứu sản phẩm cho thị trường này. Ví dụ thị trường Indonesia có 300 triệu người, sản phẩm Halal cần nhập khẩu là 40 tỷ USD.
Tốp 20 sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có tiềm năng cho Halal là cà phê xanh, gạo xay, hạt điều, hạt tiêu, trái cây tươi, chiết xuất cà phê, thực phẩm chế biến, cà phê rang, sắn khô, các loại hạt, trái cây chế biến, bánh ngọt, trà, bánh kẹo có đường, thức ăn gia súc, mật ong tự nhiên, quế, đồ uống không cồn, bột mì và nước ép trái cây.
Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tương thích với tiêu chuẩn Halah, có những doanh nghiệp đã sản xuất 10 - 20 năm, nhưng rất tiếc sản xuất và kinh doanh của những doanh nghiệp này chỉ gói gọn ở nội địa và họ chưa biết cách làm sao để xuất khẩu.
Hiểu và đáp ứng nhu cầu thị trường, giá phải chăng, thương hiệu, chất lượng cao, dễ tiếp cận, sự đảm bảo tính ổn định chất lượng và quy trình sản xuất là những gì doanh nghiệp cần chú trọng khi sản xuất cho thị trường Halal.
Thật ra tiêu chuẩn Halal không quá xa vời. Doanh nghiệp có các tiêu chuẩn HACCP, GMP, ISO, FDA đã đạt được 90% tiêu chuẩn xuất vào thị trường Halah, còn lại 10% là giá trị cộng thêm từ chứng nhận sản phẩm đúng tiêu chuẩn Halal.
Ở Việt Nam hiện nay có một số tổ chức sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng quy trình sản xuất và hướng dẫn để được cấp chứng nhận Halal cho từng loại sản phẩm hoặc quy trình sản xuất.
Tất cả hầu như đã sẵn sàng và doanh nghiệp Việt Nam không nên bỏ lỡ thời cơ.