Thời cơ vàng xuất khẩu nông sản

Theo Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương, 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông - lâm - thủy sản của Việt Nam ước đạt gần 27,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 15,5 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng điều đáng mừng là vẫn tiếp tục xuất siêu gần 3,3 tỷ USD. 

Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 cũng như tình hình kinh tế - chính trị thế giới có nhiều biến động, nhiều chuyên gia lo ngại ngành nông nghiệp Việt Nam năm nay khó đạt mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD như đặt ra hồi đầu năm. Bằng chứng là trong 5 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm rất mạnh như: cao su giảm 30,4%; chè giảm 11,3%; hồ tiêu giảm 18,5%; trái cây giảm 21,4%; cá tra giảm 39,1%; tôm giảm 14,5%... 

Như vậy, gần nửa năm đã trôi qua nhưng kim ngạch xuất khẩu mới đạt được 37% chỉ tiêu cả năm. Tuy nhiên, nhìn lại có thể thấy, kim ngạch xuất khẩu nông sản giảm không phải do thị trường thế giới đóng băng - không có nhu cầu mà chủ yếu do gián đoạn thông quan khi các nước siết chặt xuất nhập cảnh để chống dịch. Đến nay, khi tình hình dịch bệnh đã lắng xuống hoặc từng bước được kiểm soát tại một số nước, cung - cầu được thiết lập trở lại. Đây rõ ràng là cơ hội vàng cho nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam hậu dịch Covid-19. 

Theo các chuyên gia, so với nhiều ngành khác, nông nghiệp có lợi thế là trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng là mặt hàng không thể thiếu. Xảy ra dịch bệnh, thiên tai, người dân trên khắp thế giới có thể không cần ô tô, điện thoại... nhưng không thể thiếu bánh mì, lúa gạo, tôm cá, thịt. Khi dịch Covid-19 xuất hiện, không chỉ thị trường trong nước mà cả thế giới cũng lên cơn sốt thực phẩm. Thông tin từ Tổng cục Hải quan và Bộ Công thương cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5 tăng tới 47% về lượng và 55,3% về giá trị so với tháng 4, đồng thời tăng 11,7% về lượng và 35,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo cũng tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua (bình quân đạt 527 USD/tấn, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2019). Dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo ở các nước trong thời gian tới rất lớn. Philippines sẽ tăng lượng nhập thêm 800.000 tấn trong năm 2021. Các thị trường như Nigeria, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất dự báo sẽ tăng nhập khẩu thêm 200.000 tấn gạo mỗi nước… Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sắp có hiệu lực. Việt Nam đang có cơ hội vượt qua Thái Lan về xuất gạo toàn cầu ngay trong năm nay và đây cũng là động lực lớn, thời cơ vàng để các doanh nghiệp lúa gạo khôi phục sản xuất, đàm phán hợp đồng và tăng xuất khẩu. 

Mới đây, Thủ tướng yêu cầu cần phải tập trung hơn nữa để khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2020 đạt trên 5%. Theo đó, các ngành kinh tế phải tăng tốc để bù lại “quãng thời gian ngủ đông” do dịch bệnh. Được coi là trụ đỡ nền kinh tế, vì vậy, ngành nông nghiệp cần phải nhanh chóng khởi động lại một cách mạnh mẽ, quyết liệt để có thể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 40-41 tỷ USD, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng GDP của cả nền kinh tế trong năm nay. 

Với đà phục hồi và dần kiểm soát dịch bệnh, nhu cầu nhập khẩu của thế giới sẽ gia tăng mạnh trở lại trong những tháng tới, chắc chắn không chỉ đối với lúa gạo mà đây còn là thời cơ lớn cho nhiều mặt hàng nông - lâm - thủy sản khác của Việt Nam khi nguồn cung của thế giới bị thiếu hụt, gián đoạn. Song, cái khó, theo nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cho biết, hiện nay đơn hàng, nguyên liệu, đối tác... không thiếu mà chỉ thiếu vốn, khó tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng và hỗ trợ của Chính phủ. Do đó, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ cần có chính sách nhanh nhất để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, phát triển thị trường, như hỗ trợ gói vốn vay, giãn nợ, xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, chứng nhận an toàn chất lượng...

Tin cùng chuyên mục