Thời của chuyên gia kinh tế

Sáng sớm ngày 14-11, Tổng thống Italia Giorgio Napolitano đã chỉ định Thượng nghị sĩ Mario Monti, 68 tuổi, làm Thủ tướng tạm quyền của nước này. Như nhận định của các nhà phân tích mấy ngày qua, cựu cố vấn của Goldman Sachs và là cựu Ủy viên châu Âu đã chính thức trở thành thuyền trưởng chèo lái đầu tàu kinh tế lớn thứ ba châu Âu thoát khỏi cơn bão nợ công.

Sáng sớm ngày 14-11, Tổng thống Italia Giorgio Napolitano đã chỉ định Thượng nghị sĩ Mario Monti, 68 tuổi, làm Thủ tướng tạm quyền của nước này. Như nhận định của các nhà phân tích mấy ngày qua, cựu cố vấn của Goldman Sachs và là cựu Ủy viên châu Âu đã chính thức trở thành thuyền trưởng chèo lái đầu tàu kinh tế lớn thứ ba châu Âu thoát khỏi cơn bão nợ công.

Trước đó, ở Hy Lạp, người thay thế Thủ tướng George Papandreou là cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Lucas Papademos. Nay điều tương tự lặp lại ở Italia, nhân vật kế nhiệm vị Thủ tướng không được lòng dân trong thời khủng hoảng cũng lại là một chuyên gia kinh tế.

Giống như Athens, ban đầu Rome cảm thấy không bị áp lực về mức độ nợ công. Nhưng phản ứng từ các thị trường tài chính và giới đầu tư lại cho thấy không phải như vậy. Diễn biến ở Italia xấu đi từng ngày khiến Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã phải tuyên bố nhân chuyến thăm Rome vào ngày 13-11: “Đất nước này cần cải cách, không cần bầu cử”.

Trên thực tế, cả ông Papandreou và ông Berlusconi đều không được Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đánh giá cao. Cách thức điều hành yếu kém cộng với sự èo uột của thị trường khiến 2 nền kinh tế đầu tàu châu Âu lo ngại.

Theo Time, việc ông Papademos lẫn ông Monti xuất thân từ lĩnh vực kinh tế chính là lý do khiến họ được chọn trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”. Cả hai vị này đã được EU “chỉ định nhiệm vụ” phải cố gắng khôi phục nền kinh tế bằng cắt giảm, tăng thuế hay tái cơ cấu kinh tế mạnh mẽ để không tạo ra một lỗ hổng quá sâu kéo kinh tế cả khu vực chìm theo. Thêm vào đó, 2 nhà kỹ trị được chọn để lãnh đạo vì xét vào thời điểm này, không một chính trị gia nào đủ dũng cảm đối mặt với cử tri đang giận dữ, đối diện với làn sóng biểu tình phản đối các chính sách gây tổn hại tới đời sống người dân.

EU hy vọng các chuyên gia kinh tế sẽ thiết kế các chính sách thận trọng cho phù hợp với từng quốc gia, tập trung vào các gói cắt giảm, cứu trợ và tránh tối đa các động thái có thể khiến sự bất bình trong xã hội lên đến cao trào.

Roberto D’Alimonte, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học LUISS ở Rome cho rằng chìa khóa của Hy Lạp, Italia hay bất kỳ một quốc gia nào là sự công bằng. Và điều đó chỉ có thể được thực hiện bởi một chính phủ không phải đối mặt với mối bận tâm “giữ ghế”.

Cả 2 ông Papademos và Monti đều là các nhà kinh tế được tôn trọng và chưa dính vào các cuộc tranh giành quyền lực chính trị, được cho là có độ tin cậy và hợp pháp để thông qua các chương trình khắc khổ. Về mặt lý thuyết, các ông này được EU kỳ vọng có khả năng áp dụng các chính sách rất đáng giá.

Nói như vậy không có nghĩa cả 2 nhà kinh tế (và có thể cả những nhân vật thay thế sau này) chắc chắn sẽ lèo lái mọi việc đúng hướng mà không cần tới sự đồng thuận của các đảng phái chính trị. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, trước sự khủng hoảng của thị trường và mối đe dọa sụp đổ nền kinh tế, sự lựa chọn các nhân vật thuần túy chuyên về kinh tế cho thấy hơn lúc nào hết, các nước châu Âu nói riêng và EU nói chung rất mong sớm thành lập chính phủ có khả năng điều hành đất nước, tiến hành các cải cách trấn an thị trường, tránh đưa đất nước rơi vào tình trạng bất ổn. 

THANH HẢI

- Thông tin liên quan:

>> Tổng thống Italia đề cử Thủ tướng mới

Tin cùng chuyên mục