
“Hãy chuyển ngay qua hệ tính toán 64 bit và công nghệ đa lõi” - đó là khuyến cáo mới nhất của “ông lớn” Intel đối với các nhà sản xuất bộ xử lý máy tính.
Intel biết cách biểu diễn sức mạnh “cơ bắp”. Với quyết tâm đuổi kịp và vượt qua đối thủ AMD trong lãnh vực sản xuất chip 64 bit, Intel đã tung ra 15 dự án bộ vi xử lý (CPU) đa lõi hỗ trợ bit XD, Enhanced SpeedStep hoặc Based Switching và EM64T mở rộng bộ nhớ 64-bit. Thật ra, Intel cũng chỉ thực hiện những ý tưởng của AMD đã đưa ra nhiều tháng trước ở dạng bit NX, công nghệ Cool & Quiet… và năm nay có thêm công nghệ ảo hóa và cải tiến các hệ điều hành.

Trung tâm giải trí sử dụng CPU Yonad.
Mặc dù AMD chắc chắn sẽ tăng tốc độ xung nhịp 90nm của các CPU Athlon 64 nhưng Intel vẫn có 2 lợi thế. Thứ nhất, hãng này tiếp tục thống trị thị trường bộ xử lý PC với 82% sản phẩm tiêu thụ; thứ hai, công suất sản xuất của Intel đủ để “làm tràn ngập” các CPU hai và nhiều lõi.
Người ta chỉ khó lý giải tại sao Intel bỗng dưng đưa ra cả một biển sản phẩm và công nghệ mà chỉ nghe tên mã và tính năng kỹ thuật thôi người tiêu dùng bình thường cũng đủ “choáng”? Hoặc là họ muốn đánh thức gã khổng lồ ADM hoặc giả để quên đi thực tế là công nghệ đa lõi vẫn chưa ở dạng hoàn thiện?
Và dù có ồn ào đến mấy, các CPU một lõi vẫn chưa chịu đầu hàng: AMD sẽ còn ủng hộ và Intel cũng sẽ không vội vã xóa sổ tên chúng trên thị trường. Có chăng cũng chỉ là những thay đổi trong tên gọi sản phẩm giống như AMD đã đổi tên bộ xử lý Athlon XP thành Sempron. Và chắc chắn Intel sẽ “bỏ” các bộ xử lý Celeron đang tồn tại để chuyển sang các bộ xử lý đa lõi. Về lâu dài, sử dụng chip hai lõi trở lên có tương lai sán lạn: Tốc độ xử lý gấp đôi và chi phí thấp hơn nhiều so với việc mua hai chip một lõi. Ngoài ra, chúng còn chiếm ít không gian, tiêu thụ năng lượng và tỏa nhiệt ít hơn…
Tuy nhiên, việc triển khai thực tế còn nhiều bất cập như dù có tăng số transistor trên một chíp thì tốc độ xung nhịp cũng không tăng thêm, rồi bản mạch chất bán dẫn hiện thời sử dụng công nghệ 130nm và 90 nm khó có thể chứa nhiều hơn hai lõi một chíp. Để vượt qua trở ngại, Intel đề xuất dùng công nghệ 65nm để đặt đến 4 lõi trở lên và theo lộ trình sẽ đạt công nghệ 45nm vào năm 2007, 32nm vào năm 2009 và 22nm - năm 2011.
Như thế, công nghệ nano (đó là tất cả các sản phẩm có kích cỡ ở giữa 100nm và 0,1nm) đã hiện diện ở mọi lúc, mọi nơi. Vấn đề cần giải quyết hiện giờ là phần mềm ứng dụng: để sử dụng nhiều bộ xử lý một cách hiệu quả, hệ điều hành phải chạy cùng một lúc nhiều ứng dụng. Windows XP có thể chạy tốt trên các hệ thống 4 đường (4-way) hay 8 đường, nhưng chưa thể áp dụng cho các hệ thống 16 đường hay 32 đường.
Và ngay cả với bộ xử lý hai lõi, vấn đề cấp phép sử dụng phần mềm cũng gặp nhiều trở ngại. Cuối cùng là vấn đề “đầu tiên”: thế hệ CPU mới với hai lõi làm tăng tốc độ xử lý lên gấp đôi thì giá cả phần mềm cũng có thể tăng tương ứng. Và tất cả phụ thuộc vào phản ứng của người tiêu dùng trong thời gian tới.
Bích Phượng