
Những năm gần đây, người ta chứng kiến sự thay đổi như chong chóng các trào lưu sáng tác của văn học Trung Quốc, đặc biệt là ở giới trẻ. Từ trào lưu lenglai gây xôn xao dư luận đến các dòng tiểu thuyết tiểu hiệp cách tân, kinh dị, tình cảm đô thị… và hiện nay, trào lưu văn học thu hút bạn đọc nhất tập trung vào đề tài phiêu lưu, mạo hiểm.
Người người, nhà nhà viết sách phiêu lưu
Bộ sách 8 tập Mật mã Tây Tạng của nhà văn trẻ Hà Mã (bản dịch tiếng Việt do Công ty VH Truyền thông Nhã Nam mua bản quyền, NXB VHSG xuất bản), lần đầu xuất hiện trên mạng vào năm 2008 đã thu hút hàng triệu lượt bạn đọc. Ngay lập tức, các NXB đã thi nhau tìm cách mua bản quyền và cuối cùng Tập đoàn Xuất bản Trùng Khánh đã thành công, trước sức mua được cho là rất cao dự kiến lần in đầu tới 100 ngàn bản.

Tuy nhiên ngay sau đó, chỉ riêng, đống đơn đặt hàng của các nhà phát hành đã đẩy con số in lần đầu lên hơn 200 ngàn bản và sau một tuần xuất bản, toàn bộ số sách trên được bán hết sạch. Đến nay, đã có hơn 100 NXB nước ngoài đề nghị mua bản quyền Mật mã Tây Tạng để chuyển ngữ và nhà văn trẻ Hà Mã được coi là một trong những tác giả được chú ý nhất tại Trung Quốc.
Nội dung của Mật mã Tây Tạng không có gì đặc biệt. Trác Mộc Cường Ba, một người Tây Tạng, hiện là một thương nhân thành danh, giàu có với nghề nuôi dạy và kinh doanh chó ngao Tây Tạng. Nhưng một ngày nọ, Cường Ba nhận được hai tấm ảnh chụp một con chó ngao kỳ quái mà anh nhất định tin rằng chính là Tử Kỳ Lân trong truyền thuyết nghìn năm mà đất Tây Tạng vẫn lưu truyền. Không thể chậm trễ hơn, Cường Ba tìm cách thuyết phục người thầy vốn là giáo sư uyên thâm về chó ngao đi cùng anh về quê nhà Tây Tạng, lần theo dấu vết mà tấm ảnh hé lộ để tìm cho được Tử Kỳ Lân trong truyền thuyết. Trác Mộc Cường Ba không ngờ rằng trong chuyến đi định mệnh này, anh còn phải gánh vác trách nhiệm tìm kiếm cho được bộ Tạng kinh quý hiếm ngàn năm vốn do người Qua Ba giữ gìn.
Lý giải nguyên nhân thành công của tác phẩm, nhiều nhà phê bình cho rằng vấn đề nằm ở kinh nghiệm sống của tác giả. Hà Mã đã có thời gian 10 năm sống ở Tây Tạng. Anh là người thích thám hiểm, từng một mình vượt qua những khu vực hoang vu và hiểm nguy chết người tại Tây Tạng. Kiến thức, kinh nghiệm và những ký ức thu được từ những chuyến đi đó, cùng với lòng say mê thám hiểm và khám phá văn hóa, một tài năng hư cấu xuất sắc đã giúp Hà Mã sáng tác nên bộ sách Mật mã Tây Tạng đầy chất thực tế.
Một bộ sách phiêu lưu khác mà sự thành công cũng không thua kém Mật mã Tây Tạng, nhưng tác giả lại không có kinh nghiệm sống thực tế, đó là bộ truyện Ma thổi đèn của Thiên Hạ Bá Xướng.
Thiên Hạ Bá Xướng tên thật là Trương Mục Dã, hiện nay 33 tuổi. Anh từng là sinh viên mỹ thuật, bỏ học góp vốn cùng bạn bè kinh doanh tài chính. Năm 2006, nhân một lúc rảnh rỗi, Mục Dã bắt tay viết cuốn sách về các tay trộm mộ với những chi tiết cực kỳ sống động về những kẻ trộm mộ chuyên nghiệp có lịch sử từ thời Tam quốc. Những chi tiết như văn hóa xây mộ, các hệ thống chống trộm ở các ngôi mộ cổ, các kỹ thuật xâm nhập, những yếu tố tâm linh trong việc khám phá các ngôi mộ cổ… đã làm say mê hàng chục triệu độc giả không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở các quốc gia châu Á (trong đó có Việt Nam).
Thế nhưng, tác giả đã khẳng định, tất cả các yếu tố trong Ma thổi đèn chỉ là do nhà văn tưởng tượng ra từ các tác phẩm nghiên cứu văn hóa về mộ cổ ở Trung Quốc. Thậm chí, ngay cả những khu lăng mộ nổi tiếng mà trong tác phẩm Ma thổi đèn nhắc đến, Mục Dã còn chưa bao giờ đặt chân đến. Sự thành công của tác phẩm này được so sánh cùng Mật mã De Vinci của Dan Brown ở chỗ yếu tố lịch sử dù không phải là khám phá mới nhưng vẫn gây bất ngờ thú vị với bạn đọc qua cách kể chuyện lôi cuốn.
Vai trò quan trọng của internet
Nhìn nhận tất cả những trào lưu sáng tác của các nhà văn trẻ Trung Quốc hiện nay, có thể thấy một điểm chung là nhà văn không phải mang sáng tác của mình tới từng NXB để giới thiệu, không phải thấp thỏm chờ đợi tác phẩm in ra thành công hay không. Ngược lại, chính các NXB mới là người chạy tìm các nhà văn để cầu cạnh hợp đồng xuất bản.
Để được như thế, vai trò xuất bản qua internet trở nên có ảnh hưởng quyết định. Các tác phẩm đều đạt được thành công vang dội trên internet trước khi được xuất bản chính thức. Độ hấp dẫn, hay dở được chứng minh thông qua con số bạn đọc tìm đọc và đó cũng là yếu tố để các NXB đánh giá sức thu hút của tác phẩm khi chuyển qua sách giấy. Cũng nhờ xuất bản qua internet mà việc thay đổi trào lưu sáng tác diễn ra nhanh chóng hơn rất nhiều so với trước đây. Với sách giấy, việc thay đổi trào lưu sáng tác đôi khi mất cả một thập kỷ, thì với internet quãng thời gian thay đổi có khi chỉ vài tháng
TƯỜNG VY