Hơn 10 năm trước, khi bộ môn nghệ thuật đất nặn được các nghệ nhân Thái Lan và Nhật Bản giới thiệu tại Việt Nam đã khiến nghệ nhân Mai Nguyễn Minh Lan Phương đam mê mãnh liệt. Sau bao năm tháng miệt mài học hỏi, giờ đây chị đã trở thành bậc thầy trong môn nghệ thuật này. Với bàn tay khéo léo và nhiều ý tưởng sáng tạo, chị đã biến đất sét thành nhiều sản phẩm văn hóa, ứng dụng vào văn hóa ẩm thực Việt được công chúng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Bỏ việc để đến với đam mê
Xuất thân là một nhân viên ở lĩnh vực nông nghiệp, nhưng sau khi xem được một video clip về nghệ thuật đất sét (nhân tạo) của Thái Lan thì Lan Phương bị chinh phục và cố công tìm kiếm các khóa học về môn nghệ thuật này. “Lúc đó là khoảng đầu năm 2000, ở TPHCM không có nơi nào mở các khóa học về nghệ thuật nặn đất sét. Mãi đến năm 2003, Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM mở khóa học đầu tiên và tôi là một trong những người đã đăng ký học”, chị Lan Phương cho biết.
Nghệ nhân Lan Phương đang thực hiện các món ăn giả bằng đất sét
Sau khóa học, không dừng lại ở đó, chị tiếp tục mò mẫm và nghiên cứu sáng tạo của các nghệ nhân Thái Lan và Nhật Bản từ các clip trên mạng để tìm tòi và phát triển kỹ năng. Càng học chị càng bị cuốn hút và cuối cùng vì muốn dành trọn thời gian cho niềm đam mê, chị đã quyết định nghỉ làm để chuyên tâm theo nghề.
“Ban đầu tôi chỉ làm những món quà lưu niệm nho nhỏ như bông hoa, nhánh hoa, cây bonsai hoặc những hình thú đơn giản, phải mất một năm luyện tập, đến năm 2004, các sản phẩm của tôi mới bắt đầu được nhiều người biết đến. Một công ty của Hàn Quốc đã tìm đến đặt hàng làm những xiên que (đồ nướng) xuất sang Hàn Quốc để trưng bày tại các nhà hàng, quán ăn…Thế rồi, văn hóa ẩm thực bắt đầu nhen nhóm khi tôi xem trên truyền hình thấy ở các nước Pháp, Nhật đều có những mô hình ẩm thực từ đất nặn. Tại sao mình không làm mô hình ẩm thực Việt Nam. Thế là tôi quyết định làm 10 món ăn (ba miền) nổi tiếng của Việt Nam từ đất nặn. Ngay sau đó một nhà hàng nổi tiếng tại TPHCM đã đặt tôi làm các món ăn giả theo kích thước thật (từ đất nặn) để trang trí tại nhà hàng”, chị Phương kể.
Có duyên với văn hóa ẩm thực, liên tiếp các nhà hàng Nhật, Thái, Pháp đều tìm đến chị để đặt hàng. “Trong đó khó nhất là một nhà hàng Nhật, họ yêu cầu tôi làm cá hộp. Họ mang đến cho tôi một hộp cá thật và yêu cầu làm giống như mẫu. Để có thể tạo ra những sản phẩm từ đất nặn không phân biệt được thật, giả, tôi đã phải vạch từng sớ thịt cá thật ra để nắm bắt từng chi tiết nhỏ nhất và mất hai tuần tôi mới hoàn thành xong sản phẩm”, chị nói thêm.
Một khách du lịch người Nhật tên Izumi, dắt theo hai con gái cầm dĩa bánh xèo và gỏi cuốn do chị Phương thực hiện tại Vietnam House (Ngôi nhà Việt Nam) dòm tới dòm lui, cuối cùng hỏi: “Bánh xèo thiệt không chị?”. Sau khi được giải thích về thành phẩm tạo nên các món ăn và diện kiến nghệ nhân đã làm ra sản phẩm tuyệt vời ấy, cô Izumi cười lớn và không chần chừ đăng ký cho con mình theo học một khóa làm đất sét cấp tốc của chị Phương. Chị Izumi cho biết, ở Nhật cũng có loại hình nghệ thuật này nhưng khi nhìn thấy các món ăn của Việt Nam được nặn từ đất sét nhưng lại rất thật từ con tôm trong cuốn gỏi đến độ vàng của chiếc bánh xèo thì chị không kiềm lòng được …
Chị Mai Nguyễn, một Việt kiều Mỹ cũng cho biết, chị đã thấy các tác phẩm đất nặn rất nhiều nhưng đất nặn ra các món ăn Việt Nam như các tác phẩm của nghệ nhân Lan Phương là lần đầu tiên. Chị không ngờ màu sắc và sự tinh tế của món ăn lại thật đến như vậy.
Hết lòng với nghề
Ngoài những đơn đặt hàng đột xuất từ các khách hàng nước ngoài, phần lớn các sản phẩm nghệ thuật đất sét của nghệ nhân Lan Phương đều mang hơi thở Việt Nam như cây mai vàng, hoa đào, ao sen, mái đình, làng quê Việt và bộ sưu tập các món ăn dân dã của làng quê Việt Nam.
Khó có thể tìm thấy sự hư cấu trong tác phẩm của chị ngay từ cái nhìn đầu tiên, những hạt gạo trắng trong món Cơm tấm sườn bì chả, một món ăn quen thuộc của người dân Sài Gòn đòi hỏi sự tỉ mỉ của người làm, những thớ thịt heo ba rọi cuộn trong món Gỏi cuốn hấp dẫn người nhìn và từng đường nét uyển chuyển mềm mại của những nhánh bông sen toát lên sự yên ả thanh bình của ao làng đã khiến nhiều khách nước ngoài xao lòng.
Cảnh làng quê Việt Nam được sáng tạo bằng nghệ thuật đất sét của nghệ nhân Lan Phương (Ảnh: Đông Lê)
Một vị khách người Pháp cho biết, nếu không có bản hướng dẫn “Clay art” (nghệ thuật đất sét) tôi đã không thể nhìn ra được những bức tranh làng quê Việt Nam sống động và xinh đẹp như thế được làm từ đất sét.
Phan Đình Trâm Anh, Giám đốc Vietnam House cho biết, kể từ khi ý tưởng về việc tập hợp 12 làng nghề của Việt Nam vào Ngôi nhà Việt Nam, Trâm Anh đã tìm đến nghệ nhân đất nặn Lan Phương và đề nghị chị tham gia vào hoạt động tại đây. “Từ những năm đầu tiên xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam sang các nước trên thế giới, tôi đã biết đến sản phẩm của nghệ nhân Lan Phương. Phải công nhận là hiện nay môn nghệ thuật này không còn xa lạ với người Việt nhưng để tìm được các sản phẩm đất sét tinh túy và có hồn nhất phải nói đến nghệ nhân Mai Nguyễn Minh Lan Phương”, Trâm Anh nhận xét.
Chị Phương cho biết, chị đã từng mất ăn mất ngủ trong gần một tháng trời để hoàn thành tác phẩm vườn hoa mai nhân dịp tết truyền thống, chỉ với mong muốn khách nước ngoài có cơ hội chiêm ngưỡng nét đẹp của làng hoa Việt Nam thông qua mô hình của chị.
Ngoài giờ tạo hình cho các tác phẩm của mình, nghệ nhân Lan Phương còn dành thời gian để truyền nghề cho các bạn khuyết tật (khiếm thính) tại Trường dạy nghề khuyết tật TPHCM. “Tôi muốn các em có được một cái nghề cho riêng mình vì dẫu không lành lặn như bao bạn khác nhưng chỉ cần các em có niềm đam mê và chịu khó học hỏi, các em sẽ làm được”, nghệ nhân Lan Phương chia sẻ.
Hiện mỗi tuần nghệ nhân Lan Phương đều có một khóa học 45 phút tại Vietnam House dành cho các khách hàng đến đây (người Việt Nam và cả người nước ngoài). Tỉ mỉ, tận tình hướng dẫn, dễ gần và vui tính đó là tính cách của chị.
Nhiều người Việt Nam và khách nước ngoài tìm đến chị để học nghề và bí quyết nặn đất sét. Chị thường xuyên chỉ cho học trò rất đơn giản, là “Chỉ cần có đam mê và thật sự đam mê với nghệ thuật, các bạn sẽ có nguồn cảm hứng với môn nghệ thuật từ đôi bàn tay này…”.
GIA LINH