
Tiền vệ Minh Phương (12) trong trận Việt Nam gặp Indonesia tại Tiger Cup 2004.
Ảnh: HOÀNG VY
Đêm qua, đội tuyển Olympic Việt Nam đã gặp Olympic Hàn Quốc vượt trội về đẳng cấp. Với bóng đá Việt Nam, xem như chỉ còn chờ đợi trận gặp đối thủ chính Bangladesh rồi ra về. Sứ mệnh của bóng đá Việt Nam tại sân chơi châu Á chỉ là không đứng dưới Bangladesh và điều này hoàn toàn có thể thực hiện được.
Đã đến lúc phải quên đi những thất bại và rút tỉa những bài học cho chính mình để trở lại với thực tế: Đấu trường Đông Nam Á mà sắp đến là AFF Cup vào đầu năm 2007. Trước đó, đội tuyển Việt Nam sẽ có dịp cọ xát tại King’s Cup (Thái Lan) với những đối thủ ngang tầm.
Từ khi gắn bó với bóng đá Việt Nam, ông Riedl có hai lần tham dự Asian Games và đây là lần ông không ê mặt nhiều bằng Asian Games 13 tại Thái Lan với những trận thua nặng nề ở Nakhon Sawan với lứa cầu thủ vẫn được ca ngợi là thế hệ vàng.
Lần này, ông Riedl không hài lòng với những sai sót cá nhân đôi khi làm hỏng cả nỗ lực của một tập thể nhưng ngược lại, ông vui với sự trưởng thành của các cầu thủ trẻ khi bơi ra biển lớn. Khi mà tất cả đều chấp nhận thân phận “kèo dưới” nhưng lại không có dấu hiệu tự ti khi gặp “núi lớn”. Điển hình là trận đấu với Bahrain trên chúng ta nhiều thứ bậc nhưng lại là một thế trận ăn miếng trả miếng và thua trong thế nhiều cơ hội ghi bàn hơn.
Không ai nghĩ sau khi hàng loạt trụ cột bị “treo” sau một cơn bão, những nhân vật số hai và thậm chí là số ba của bóng đá Việt Nam lại trám vào nhanh đến thế. Những thay đổi bắt buộc đã cho ra một hệ quả tốt đồng thời làm thay cả suy nghĩ “cạn nguồn” của chính ông Riedl.
Vẫn biết rằng tất cả đều là giải pháp tình thế nhưng ít nhiều còn cho thấy những mầm sống nơi một đội tuyển bị “chặt”cùng lúc 7 trụ cột. Nó khích lệ rất lớn cho những vị trí còn tiềm ẩn đang muốn vươn lên và là động lực cho các CLB lâu nay vẫn than thở chuyện thiếu nhân tài để rồi có tư tưởng hướng ngoại.
Chưa thể nói đấy là một Asian Games thành công, nhưng có thể khẳng định đấy là một giải đấu mà các cầu thủ trẻ được rèn giũa rất nhiều và xóa bỏ được sự tự ti cần thiết.
Ông Riedl vẫn than thở “Bóng đá Việt Nam không đủ sức chống chọi lại sân chơi châu Á!”. Điều ấy không khó để nhận ra bởi vấn đề cơ bản là bóng đá Việt Nam đang trong giai đoạn khôi phục nhiều hơn là phát triển. Cái vế tìm và phát triển đẳng cấp để chơi được ở sân chơi Asian Games không phải là quá trình thực hiện ngắn ngày mà phải là một quy trình với một chiến lược hẳn hoi.
Thế nên, có thể bằng lòng với hiện tượng chúng ta không tụt lại đã là may.
Bây giờ, dù là các tuyển thủ Việt Nam còn phải giải quyết cửa Bangladesh nhưng rõ ràng đã có thể quên sân chơi quá tầm này đi để tính đến một tương lai rất gần: AFF Cup. Giải đấu mà đội tuyển và các cầu thủ Việt Nam không còn học nữa mà là đấu. Cái giải mà bóng đá Việt Nam phải khẳng định mình chứ không còn trong giai đoạn khôi phục và tìm nguồn như hiện nay.
Liệu những kinh nghiệm và sức sống qua cách chơi không tự ti ở Asian Games có tiếp lửa cho bóng đá Việt Nam ở sân chơi chính trong khu vực Đông Nam Á hay không?
Cái này lại lệ thuộc rất nhiều vào hậu Asian Games khi mà ông Riedl đã điểm danh tất cả từ U-23 đến U-23 + 3 và cả những vị trí kỳ cựu.
Hy vọng lửa của các học trò sẽ lan cả sang lửa của thầy cho một AFF Cup đang được kỳ vọng bởi sự tái ngộ giữa Riedl, Peter Withe (HLV trưởng Indonesia) và Avramovich (HLV trưởng Singapore).
NGUYỄN NGUYÊN