Giá nguyên liệu bông, sợi thế giới liên tục tăng cao đã đẩy giá nguyên liệu vải dùng trong sản xuất hàng may mặc tăng theo, lên 40% - 50%, gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ hàng may mặc tại thị trường nội địa.
Nhiều tiểu thương bán vải sỉ ở khu vực chợ Tân Bình than vãn, nguyên liệu vải phục vụ cho sản xuất hàng may mặc đang tiêu thụ rất chậm. Dù đang bước vào cao điểm sản xuất hàng tiêu thụ trong mùa hè nhưng lượng vải bán ra giảm mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Toàn, Giám đốc Hãng thời trang Sanding - Công ty CP May Sài Gòn 2, cho biết sức mua và doanh số bán ra tại 11 cửa hàng trong hệ thống của Sanding giảm đến 30%. Không chỉ có nguyên liệu vải tăng giá 40% - 50% so với cùng kỳ năm 2010, hầu hết các nguyên phụ liệu như chỉ, nút, dây kéo cũng tăng với mức tương tự. Thời điểm trước tết, loại vải kate ford chỉ khoảng 30.000 đồng/m nhưng hiện nay đã tăng lên 63.000 đồng/m; vải kaki trước đây 50.000 đồng/m, nay 90.000 đồng/m. Từ nguyên liệu vải cotton làm từ bông cho đến vải làm bằng sợi tổng hợp polyester cũng tăng. Việc tăng chi phí đầu vào đã đẩy giá bán sản phẩm may mặc ra thị trường tăng lên 30% - 50%. Trước đây, một chiếc áo sơ mi giá chỉ hơn 200.000 đồng/cái, nay phải trên 300.000 đồng/cái. Với việc tăng giá như thế này, không chỉ riêng người tiêu dùng mà ngay cả nhà sản xuất cũng thấy giá bán quá đắt!
Tương tự, sức tiêu thụ các sản phẩm của Công ty May Việt Tiến cũng chậm so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, Việt Tiến chỉ dám đặt mục tiêu đạt doanh số nội địa khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là con số khá khiêm tốn so với mục tiêu tăng trưởng nội địa khoảng 20%/năm của Việt Tiến.
Để hạn chế tình trạng tồn kho, giam vốn, thua lỗ, các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc phải chọn phương án bảo toàn là giảm số lượng hàng sản xuất. Ông Toàn cho biết, trước đây khi sản xuất một mẫu áo nữ, với 3 màu, 6 size, lượng hàng làm ra khoảng 300 - 400 cái/mẫu nhưng hiện nay doanh nghiệp chỉ dám sản xuất một nửa số lượng.
Nhiều cơ sở sản xuất hàng may mặc ở quận Tân Bình, chuyên bán sỉ cho tiểu thương các chợ bán lẻ cũng ngao ngán vì giá vải mua vào cứ tăng lên mỗi ngày. Họ vừa báo giá bán cho khách thì giá nguyên liệu đã tăng lên. Lượng hàng sản xuất, bán ra ít lại, kinh doanh không hiệu quả nên chủ một số cơ sở quyết định tạm ngưng hoặc sản xuất cầm chừng một số mẫu hàng để giữ mối.
Mặt trái của động thái trên cũng tạo nên bất lợi cho các nhà sản xuất hàng may mặc nội địa trong tình hình cạnh tranh gay gắt với hàng giá rẻ từ Trung Quốc - nơi có lợi thế cạnh tranh khi có nguồn nguyên liệu trong nước, giá thành sản xuất rẻ hơn.
Mỹ Hạnh