Sau một thời gian nở rộ các cuộc thi nhan sắc, thi tìm kiếm người mẫu, hiện nay lại tiếp tục nở rộ các cuộc thi thiết kế thời trang. Rất nhiều cuộc thi diễn ra nhưng dường như thực trạng phát triển nền thời trang trong nước vẫn rất èo uột. Vì đâu nên nỗi?
Nở rộ các cuộc thi
Mới nhất, từ ngày 17-6, cuộc thi Ngôi sao thiết kế Việt Nam (phiên bản quốc tế của chương trình Fashion Star) đã khởi động. Điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của chương trình này là các mẫu thiết kế của thí sinh được đấu giá ngay trên sân khấu bởi 3 nhà đầu tư là đại diện của 3 thương hiệu thời trang uy tín. Ngay sau khi phát sóng, các bộ sưu tập được đánh giá cao sẽ được sản xuất ra thị trường. Chính tính ứng dụng và đòi hỏi chuyên môn sáng tạo cao nên chương trình được kỳ vọng sẽ giúp phát hiện ra những tài năng thiết kế cho làng thời trang Việt Nam.
Trước đó, cuộc thi Project Runway Vietnam - Nhà thiết kế thời trang Việt Nam mùa giải đầu tiên đã được tổ chức khá thành công, được dư luận đánh giá cao.
Sở dĩ nhắc đến các cuộc thi trên bởi tác động của chúng đến sự phát triển thời trang trong nước là điều có thể kỳ vọng. Nên nhớ, từ bệ phóng Vietnam Collection GrandPix (VCGP) do Viện mẫu Fadin và tạp chí Mốt & Cuộc sống tổ chức trước đây đã có những đóng góp nhất định cho ngành thời trang Việt Nam.
Trải qua 11 năm tồn tại (bắt đầu từ năm 1999), VCGP được xem là nơi tìm kiếm tài năng và tạo nguồn lực cho ngành công nghiệp thời trang nội. Trong số các nhà thiết kế được phát hiện từ VCGP, nhiều người đã trưởng thành, định hình được phong cách, có thương hiệu riêng hoặc nắm giữ những vị trí quan trọng trong các công ty dệt may lớn của Việt Nam như Lê Thanh Phương, Trương Anh Vũ, Nguyễn Công Trí, Phan Văn Tân, Hầu Nguyên Hàng, Nguyễn Quốc Bình, Nguyên Sa…
Không chỉ là các cuộc thi mà ngành thời trang cũng trở thành ngành học đầy triển vọng được nhiều trường mạnh dạn đầu tư, các sinh viên nhập học với khát khao sáng tạo cháy bỏng. Điều đó cho thấy, giấc mơ với thời trang Việt là có thật và rất lớn.
Rào cản của những giấc mơ
“Có thể với không ít người, nhất là các nhà thiết kế, cho rằng thị trường Việt Nam khởi sắc nhưng ở góc độ thị trường, tôi cho rằng thị trường thời trang Việt Nam đang giậm chân tại chỗ nếu không nói là thụt lùi. Tình hình chung có thể là do thị trường kém bởi ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế nhưng cái chính là do bản thân nội tại ngành thời trang chúng ta tồn tại quá nhiều rào cản. Thứ nhất, tầm nhìn vĩ mô của ngành dệt may Việt Nam còn nhiều thiển cận. Không có chính sách bảo hộ thương hiệu thời trang Việt khiến hàng lậu Trung Quốc không thuế tràn lan, các nhãn hiệu nước ngoài vào ồ ạt, đa dạng về mẫu mã lẫn sức mạnh tài chính đặt các doanh nghiệp thời trang Việt Nam vào thế trứng chọi đá ngay trên sân nhà. Một vấn đề cũ rích là câu chuyện giáo dục. Hàng năm, các trường cung cấp hàng trăm nhà thiết kế nhưng thử hỏi lực lượng ấy đóng góp gì cho ngành thời trang? Một sự khủng hoảng thừa nhưng là thừa mứa những thợ vẽ thời trang. Các bạn vẽ đẹp, vẽ cho ấn tượng, vẽ vì mình thích chứ không thiết kế vì xu hướng, vì khách của mình và luôn luôn bỏ qua tính ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh. Các nhà thiết kế ở ta dường như quên rằng, một thiết kế tuyệt vời là một thiết kế bán chạy”, bà Nguyễn Thị Thu Sương, người sáng lập thương hiệu thời trang Chuồn Chuồn Ớt, thẳng thắn chia sẻ.
Chưa kể, giáo dục ở Việt Nam còn khiến không ít nhà thiết kế lầm tưởng ngây thơ rằng chỉ cần hoàn chỉnh bản vẽ sao cho đẹp còn chuyện cắt may là của thợ may. Chính vì vậy mà có nhà thiết kế không hề biết giải thích bản vẽ của mình cho bộ phận sản xuất. “Vì thế, tôi rất phục các nhà thiết kế ở Projects Runway khi họ có thể cắt may rất đẹp. Các bạn đừng quên rằng, Valentino cũng khởi nghiệp đế chế thời trang của mình từ một thợ may”, bà Thu Sương nói thêm.
Trên thực tế, do thiếu sự quan tâm đúng mức nên có không ít các nhà thiết kế trẻ tâm huyết với nghề từng bị thị trường “đập” cho tơi tả. Ngay cả quán quân Projects Runway 2013 Hoàng Mạnh Hà cũng từng thất bại khi mở nhãn hiệu riêng. Nhà thiết kế Trương Thanh Long từng mở rồi đóng cửa thương hiệu thời trang riêng không dưới 3 lần... Những câu chuyện như thế không hề hiếm trong làng thời trang Việt Nam. “Hiệp hội Thời trang Việt Nam ở đâu? Viện mẫu Fadin lập ra để làm gì? Ngân hàng ở đâu? Đương nhiên, những gương mặt mới khó có thể lò dò đến ngân hàng để vay nhưng với sự bảo trợ của Hiệp hội Thời trang Việt Nam hoặc của Viện mẫu thì câu chuyện có thể sẽ xoay sang một hướng khác và đó không chỉ là cơ hội cho nhà thiết kế trẻ mà nhìn về lâu dài đó là cơ hội cho cả ngành thời trang nói chung”, một nhà sản xuất các chương trình thời trang có uy tín cho biết.
Thực tế trên khiến không ít nhà thiết kế trẻ ra trường với tấm bằng đỏ (trong nước lẫn du học) đều phải tự mình lò dò tiếp cận trong sự ngơ ngác về thị trường thời trang Việt Nam, nhất là khi các bạn có ý định thành lập thương hiệu riêng. Ít được hỗ trợ về thông tin nguồn nguyên liệu, gia công, chính sách ưu đãi, thuế, mặt bằng, chiến lược kinh doanh, PR, quảng cáo... đủ làm nhiều nhà thiết kế ngắc ngư, có người chậc lưỡi chọn hướng đi làm thuê, làm không đúng chuyên ngành... Chính quán quân Project Runway Hoàng Mạnh Hà cũng thừa nhận, sự thiếu thông tin về thị trường là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của anh khi mở thương hiệu riêng trước đây.
Một vấn đề khác, đó là bản quyền thiết kế. Rất nhiều nhà thiết kế từng kêu trời với tình trạng ngày hôm nay bộ sưu tập tung ra thì ngay ngày hôm sau, người tiêu dùng ở khắp mọi nơi mang ra tiệm may gần nhà đặt may y chang. Chính vì vậy, một chuyên gia trong ngành từng cảnh báo, nếu không có biện pháp bảo vệ bản quyền thiết kế cũng như ngăn chặn hàng nhập lậu tràn lan thì ngành thời trang Việt Nam sẽ ngày càng rơi vào bế tắc, bởi khi đó các doanh nghiệp sẽ chọn giải pháp đóng máy, cho thợ tạm nghỉ, đưa hàng sang gia công bên Trung Quốc về bán kiếm lời dễ dàng hơn.
Dẫu sao, nói như nhà thiết kế Võ Việt Chung thì thị trường thời trang Việt Nam vẫn đang chuyển động theo chiều hướng tích cực: “Đặc biệt là những cuộc thi về thời trang đang diễn ra đều là những cuộc thi có uy tín, đủ sức dẫn dắt các tài năng trẻ đi đúng hướng để có khả năng trở thành một nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp. Tôi nghĩ rằng đây cũng là yếu tố quan trọng giúp thị trường thời trang Việt Nam tiếp tục phát triển”.
KHẮC THI