Thông điệp từ cơn sốt giá vàng

Các tập đoàn tài chính thắng lớn
Thông điệp từ cơn sốt giá vàng

Mấy ngày qua, thị trường vàng vẫn nóng bỏng, gây bao thảng thốt và những buồn, vui khác nhau. Người cười, kẻ khóc, song những thông điệp mà cơn sốt giá vàng đưa lại là đáng suy ngẫm…

“Làm giá” trên thị trường vàng
 
Hiếm có sự cào bằng giá cả vàng giữa các thị trường, kể cả khi kinh doanh vàng trên mạng, do những chi phí trực tiếp gắn với các thao tác kỹ thuật, phí quản lý và các khoản chi phí vận chuyển, phân phối, bảo quản vàng vật chất…

Sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thường trở thành động lực kích hoạt hoặc dập tắt các động lực đầu tư, cũng như làm bùng lên các hoạt động đầu cơ, nhân bội những hành vi bột phát và tâm lý đám đông. Quy mô và tầm ảnh hưởng của chúng có thể vượt tầm kiểm soát và gây hệ lụy to lớn không chỉ cho nhà đầu tư mà còn cho sự ổn định chung của nền kinh tế và hiệu quả của chính sách quản lý của Nhà nước.

Người dân cần bình tĩnh trước các “chiêu” làm giá vàng của giới đầu cơ. Ảnh: LÃ TUẤN ANH

Người dân cần bình tĩnh trước các “chiêu” làm giá vàng của giới đầu cơ.  Ảnh: LÃ TUẤN ANH

Theo quan sát thị trường, sự chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước hiện tại khoảng 15 USD/lượng vàng (khoảng 200.000 - 300.000 đồng) là mức hợp lý cho những chi phí nêu trên và do đó không tạo ra những cơn sốt vàng hay các hoạt động buôn lậu, đầu cơ trong giả định có sự liên thông trực tiếp thị trường trong và ngoài nước, tức không có sự cấm đoán xuất hay nhập khẩu vàng nào từ phía cơ quan chức năng nhà nước.
 
Nếu giá vàng biến thiên chóng mặt nhiều lần hơn và với mức vượt xa động thái chung của vàng thế giới; nếu sự chênh lệch giá vàng trong nước với nước ngoài này vượt xa khoảng cách 15 USD nêu trên; và nếu có sự giãn cách lớn giữa giá niêm yết mua và bán của doanh nghiệp kinh doanh vàng là 3 dấu hiệu điển hình đồng nghĩa với hiện tượng thị trường vàng trong nước đang bị làm giá, bị lũng đoạn và đầu cơ có tổ chức, với những hệ quả luôn là người dân và nhà nước bị thiệt lớn nhất và cuối cùng.

“Đọc vị” và ngăn chặn hiện tượng “làm giá” và lũng đoạn thị trường vàng trong nước không quá khó; cái khó là việc vượt qua lợi ích nhóm và lợi ích đặc quyền, cũng như giảm thiểu sự lạm dụng quyền lực cho những mục tiêu ích kỷ của ai đó có liên quan…

Cân đối cung - cầu vàng
 
Chỉ một tuyên bố cấp hạn ngạch cho nhập khẩu vàng thôi cũng đủ sức hạ sốt giá vàng hàng trăm USD/lượng, vượt xa nhiều lần mức lợi nhuận thông thường của kinh doanh vàng trong bối cảnh bình thường như nêu trên. Rõ ràng đó là điều không bình thường trong quản lý vàng ở Việt Nam.

Và đó cũng là minh chứng cho yêu cầu sớm tạo đột phá thực sự để hoàn thiện thể chế, trước hết là thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Chậm trễ trong cấp hạn ngạch hoặc kéo dài kiểm soát nhập khẩu vàng không chỉ là biểu hiện phản ứng chính sách thiếu nhạy bén của cơ quan chức năng trước những biến động nhanh chóng thị trường, mà nó có thể đơn thuần là do định kiến chạy theo thành tích giảm nhập siêu bất chấp hiệu quả tổng thể.

Người ta có thể khuyến khích xuất vàng (dù lợi nhuận thấp) và hạn chế nhập vàng (dù thiệt hại chung, nhất là từ biến động giá cả do tâm lý và các cơn sốt bất thường là rất lớn, khó đo lường được) để giảm nhập siêu thuần túy như là mục đích tự thân hay bị chi phối trực tiếp bởi lợi ích cục bộ, ngắn hạn “ăn theo”, gắn với sự lựa chọn chính sách này.
 
Nghịch lý là ở chỗ, trong khi nhập khẩu vàng bị hạn chế bởi cơ chế hạn ngạch khắt khe hình thức thì cửa xuất khẩu vàng lại gần như bỏ ngỏ. Vàng nguyên liệu bị cấm xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp vẫn có thể xuất nữ trang trá hình và hưởng thuế suất 0% - 10%. Và rõ ràng, cửa nhập vàng bị khống chế đã bị vô hiệu hóa, như cảnh “Đười ươi giữ ống” và thậm chí “vô tình hay cố ý” tiếp tay cho buôn lậu và đầu cơ…

Cần phân biệt vàng với các hàng hóa thông thường khác. Vàng là hàng hóa đặc biệt, bởi vàng vừa là hàng hóa - thành phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng trang sức và nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất – kỹ thuật, vàng vừa có chức năng của tiền tệ - dù chưa đầy đủ do, ngoài chức năng thước đo giá trị và cất trữ kể trên, nó bị hạn chế các chức năng lưu thông và thanh toán trên phạm vi quốc gia cũng như quốc tế.

Vì vậy, sự đủ đầy của vàng và sự cân đối cung - cầu về vàng trên thị trường trong nước có tác dụng đặc biệt quan trọng bảo đảm sự ổn định và vận hành trơn tru các quan hệ hàng - tiền trong đời sống kinh tế - xã hội. Điều này cũng có nghĩa là bất kỳ hành vi cấm đoán nào có tính chủ quan đều có thể làm ách tắc sự vận hành này, do đó gây ra những hệ quả nhiều mặt nguy hại cho quốc gia và mỗi doanh nghiệp, người dân.

Mặt khác, cũng vì vàng là tiền, nên cần hạn chế gắt gao các hoạt động đầu cơ vàng, kể cả tín dụng bằng vàng và các đòn bẩy tài chính liên quan đến vàng với mục tiêu đầu cơ - điều không chỉ mang lại rủi ro cao cho ngân hàng, người vay mà còn cho cả chính sách tiền tệ của Chính phủ.

TS NGUYỄN MINH PHONG (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội)
 

Các tập đoàn tài chính thắng lớn

Sau vài ngày làm mưa làm gió với những cú vượt đỉnh và trượt dốc ngoạn mục, thị trường vàng ngày 11-8 đã tương đối tĩnh lặng, nhưng đằng sau nó những dấu vết ngổn ngang… Giá vàng thế giới tuần qua liên tục lập kỷ lục mới: từ 1.633,8 USD/ounce vào đầu tuần tăng lên 1.797 USD/ounce vào đầu phiên ngày 11-8. Giá vàng trong nước chiều cùng ngày dừng ở mức 45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 45,5 triệu đồng/lượng (bán ra).

Có thể nhận định, trong “cuộc chiến giá vàng” lần này, chiến thắng hoàn toàn thuộc về giới kinh doanh và những tập đoàn tài chính trường vốn. Với cách mua bán liền tay, đón đầu thị trường, mở rộng và thu hẹp biên độ áp giá mua vào – bán ra một cách linh hoạt, giới kinh doanh vàng thủ lợi khá lớn.

Dĩ nhiên, không ít nhà đầu tư “cò con” chỉ vì chạy theo tâm lý đám đông đã lướt sóng thất bại, lỗ nặng.

L.M.THI

Tin cùng chuyên mục