Ngày 4-3 tại TPHCM, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đã có buổi gặp gỡ báo chí, trao đổi xung quanh việc triển khai thực hiện 6 giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Nhiều vấn đề thời sự bạn đọc quan tâm đã được giải đáp tại cuộc gặp mặt.
- Tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng
° PV: Kế hoạch đến quý 2-2011 NHNN trình Chính phủ ban hành nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Thưa Thống đốc, việc này sẽ không thực hiện được khi vàng là tài sản hợp pháp của người dân từ nhiều đời nay…
° Ông NGUYỄN VĂN GIÀU: Nghị định 174/CP trước đây xem vàng là một loại hàng hóa thông thường, thị trường vàng đã từng phát triển sinh động, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội lúc đó. Tuy nhiên, 3 năm gần đây hoạt động kinh doanh sàn vàng, sản xuất vàng miếng, cho phép ngân hàng huy động và cho vay vàng… đã xuất hiện một số mặt tiêu cực. Chẳng hạn, ngày càng gia tăng nhiều phương tiện thanh toán (trước đây chỉ có một phương tiện là VND) nên xuất hiện tình trạng đầu cơ, thao túng thị trường, làm biến động giá, ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối, gây rối loạn thị trường.
Tôi cũng cho rằng vàng dân giữ là hợp pháp. Nhưng mong muốn của chúng ta là giải phóng nguồn lực dự trữ vàng để tập trung nguồn vốn vào đầu tư sản xuất. Nghị quyết 11 ghi rõ “tiến tới xóa bỏ” việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do chứ không cấm. Do vậy, việc thực hiện phải làm theo lộ trình thích hợp, không gây xáo trộn thị trường. Cách thức thực hiện “tiến tới xóa bỏ” là từng bước thay đổi phương thức thanh toán bằng vàng, không cho chuyển hóa vàng sang VND, không cấp phép kinh doanh vàng miếng và dần dần không bán vàng miếng mà chỉ cho mua vàng miếng. Nếu người nào muốn bán vàng với số lượng lớn thì ngân hàng sẽ mua theo giá thế giới.
- Không gây “sốc” thị trường chứng khoán, bất động sản
° Thưa Thống đốc, bất động sản và chứng khoán là hai thị trường quan trọng, nhưng Nghị quyết 11 lại hạn chế cho vay đối với bất động sản và chứng khoán. Việc này sẽ làm trì trệ và xáo trộn thị trường. Ông nghĩ sao về điều này?
° Trong Nghị quyết có ghi “giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán”. Năm 2010, dư nợ cho vay trong lĩnh vực phi sản xuất là 18,7%, tương đương 431.000 tỷ đồng (chỉ 24 ngân hàng có tỷ lệ cao trên 26%). Vì vậy tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ký ngày 1-3, NHNN cho thời gian 4 tháng để các ngân hàng vượt 26% điều chỉnh, tức đến 30-6 tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa còn 22% và đến cuối năm tỷ trọng này xuống còn 16%. Việc này hoàn toàn có thể điều chỉnh được, do lĩnh vực vay tiêu dùng chủ yếu là vay ngắn hạn. Như vậy, việc điều chỉnh tỷ trọng dư nợ cho vay trong lĩnh vực phi sản xuất từ 18,7% (năm 2010) xuống 16% (năm 2011), trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 giảm dưới 20% thì sẽ không gây “sốc” thị trường chứng khoán, bất động sản - vì năm 2011 dư nợ trong lĩnh vực phi sản xuất vẫn tương đương năm 2010, khoảng 430.000 tỷ đồng.
° NHNN chỉ thị các tổ chức tín dụng xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20% nhưng thực tế các ngân hàng đã xây dựng kế hoạch từ trước và hầu hết đều cao hơn 20%. Vậy phải xử lý như thế nào, thưa Thống đốc?
° Thì buộc các đơn vị phải xác định lại kế hoạch theo đúng tinh thần của Nghị quyết 11.
- Lãi suất sẽ giảm
° Tỷ giá ngoại tệ trên thị trường tự do mấy ngày gần đây có xu hướng tăng, Thống đốc có thể cho biết giải pháp xử lý của NHNN?
° Nhà nước sẽ xử lý bằng cả 2 giải pháp hành chính và kinh tế. Về kinh tế, chúng ta đã tập trung thúc đẩy sản xuất, khuyến khích xuất khẩu nên kết quả xuất khẩu 2 tháng đầu năm tăng 40%, trong khi nhập siêu lại chưa giảm. Về giải pháp hành chính, NHNN tăng cường thanh tra giám sát hoạt động ngoại hối, thực hiện giảm nhập siêu từ việc cho vay ở các ngân hàng. Chúng tôi tin rằng khi thu hẹp đối tượng cho vay ngoại tệ sẽ kéo giảm được lãi suất tiết kiệm bằng đồng ngoại tệ.
|
° Dư luận vẫn cho rằng một số ngân hàng găm giữ ngoại tệ. Thưa Thống đốc, có hay không việc đó?
° Chưa có hiện tượng ngân hàng găm giữ ngoại tệ. Nhưng nếu chúng tôi phát hiện có sẽ thanh tra, xử lý.
° Ông có thể dự báo quý 3-2011 tình hình lãi suất sẽ ra sao?
° Trong quá trình kiểm soát lạm phát, chúng ta mong muốn sớùm kiềm chế được lạm phát. Nhưng trước tình hình giá cả thế giới tăng, nếu kinh tế phục hồi nhanh thì những nền kinh tế mới nổi sẽ lạm phát cao. Năm nay, chúng ta có kinh nghiệm kiểm soát lạm phát của năm 2008 nên dễ dàng đánh giá và kiểm soát được thị trường. Nếu chúng ta xử lý đồng bộ các giải pháp thì có thể cuối quý 2 hoặc đến quý 3 tình hình lãi suất sẽ giảm nhiệt.
° Xin cảm ơn Thống đốc!
HÀN NI
- Xử lý 2 ngân hàng vượt rào lãi suất huy động
Ngày 4-3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có công văn xử lý vi phạm lãi suất huy động vốn của Ngân hàng TMCP Kiên Long và Ngân hàng TMCP Phương Tây. Trước đó, Thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh tỉnh Đắc Lắc tiến hành kiểm tra đột xuất việc thực hiện quy định về mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng VND đối với Ngân hàng TMCP Kiên Long chi nhánh Đắc Lắc. Kết quả kiểm tra cho thấy, Ngân hàng TMCP Kiên Long chi nhánh Đắc Lắc đã huy động tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn 1 tháng với mức lãi suất 15,7%/năm, vi phạm mức quy định lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại Công văn số 9779/NHNN-CSTT ngày 14-12-2010 của Thống đốc NHNN. tương tự kết quả kiểm tra tại Ngân hàng TMCP Phương Tây chi nhánh Hà Nội cho thấy, ngân hàng này đã huy động tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn loại sản phẩm “Tiền gửi tiết kiệm phát lộc” với mức lãi suất 17,8%/năm.
Tại công văn xử lý vi phạm, Thống đốc NHNN Việt Nam cảnh cáo và yêu cầu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kiên Long và Ngân hàng TMCP Phương Tây kiểm điểm nghiêm túc trong việc chỉ đạo, điều hành trong toàn hệ thống về việc chưa chấp hành nghiêm túc quy định về mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng VND theo quy định.
- Dòng tiền vào ngân hàng tăng mạnh
Theo báo cáo về tình hình hoạt động ngân hàng trong tháng 2-2011 vừa được NHNN công bố, dòng tiền đang có xu hướng chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng. Cụ thể, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến ngày 22-2 ước tăng 5,79% so với cuối tháng 1-2011. Đây là một mức tăng khá cao, bởi theo thống kê trong tháng 1-2011 (tính đến ngày 21-1) tổng số dư tiền gửi đã giảm 2,46% so với tháng liền trước. Diễn biến trên cũng giúp cải thiện trạng thái âm huy động trước đó, đưa mức tăng chung của tổng lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng trong 2 tháng đầu năm tăng 1,9% so với cuối năm 2010.
Cũng theo NHNN, lượng tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng tính đến 22-2 ước giảm tới 16,11% so với tháng 1-2011. Tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 22-2 ước tăng 1,83% so với cuối tháng 1-2011 và tăng 2,75% so với cuối năm 2010.
B.MINH