(SGGP). - Ngày 23-1, tại hội nghị triển khai công tác năm 2015 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức ở Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã nêu một số định hướng về điều hành lãi suất và tín dụng trong năm nay.
Thống đốc khẳng định: “Năm 2015, việc giảm tiếp lãi suất cho vay trung và dài hạn khoảng 1,5% - 2% là hoàn toàn khả thi”. Theo Thống đốc, năm 2014 ngành ngân hàng đã nỗ lực kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay chung được 1,5% - 2%, sang năm 2015 sẽ tập trung kéo giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Thống đốc Nguyễn Văn Bình yêu cầu VietinBank căn cứ vào định hướng của Ngân hàng Nhà nước để nghiên cứu, tổ chức thực hiện cho tốt. “Đây không chỉ là yêu cầu chính trị, mà ở góc độ nào đó chính là để bảo đảm quyền lợi cho chính các ngân hàng. Cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng hiện rất mạnh, nếu ngân hàng nào không kéo giảm lãi suất cho vay về mức thích hợp thì ngân hàng đó sẽ mất khách hàng. VietinBank là ngân hàng dẫn đầu trong hệ thống thì càng cần chủ động hơn trong vấn đề này” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.
Liên quan đến định hướng tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, năm 2015 mục tiêu đề ra là tín dụng tăng khoảng 15%. Tuy nhiên, mục tiêu này có khác biệt với mục tiêu tăng trưởng của năm 2014 (12% - 14%). Năm 2014 mục tiêu đặt ra là để hệ thống ngân hàng phấn đấu đạt được, bởi cầu tín dụng năm ngoái rất yếu. Nhưng năm 2015, mục tiêu đặt ra là hạn chế tín dụng tăng ở mức 15%, bởi năm nay cầu tín dụng đã được cải thiện đáng kể.
Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng hé lộ khả năng đến hết 6 tháng đầu năm 2015 có thể “nới” chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 17%. Lý do là bởi hiện nay giá dầu đang giảm rất mạnh, tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế. Theo tính toán sơ bộ, nếu giá dầu trung bình năm 2015 ở mức dưới 60 USD/thùng, thì sản lượng dầu thô khai thác của Việt Nam sẽ phải giảm khoảng 1,5 triệu tấn. Điều này sẽ khiến GDP năm 2015 sẽ giảm khoảng 0,2%. Vì thế, cần phát triển mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh khác để bù vào, và sẽ cần vốn, cần tín dụng ngân hàng.
BẢO MINH