* IMF: Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng lên mức 13,5 tỷ USD
Kiên quyết xử lý vi phạm
Theo Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 30-6-2011 tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất của các tổ chức tín dụng so với tổng dư nợ tối đa phải giảm xuống 22% và đến 31-12-2011 giảm xuống còn tối đa 16%.
Hôm qua 9-6, trả lời phỏng vấn báo chí, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho biết, đến thời điểm này vẫn còn 20 ngân hàng thương mại (NHTM) có tỷ trọng dư nợ tín dụng phi sản xuất (tín dụng bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng) trên 22%; cá biệt có 2 trường hợp lên tới 50% và 52%.
Hiện có nhiều ý kiến từ phía các ngân hàng thương mại kiến nghị giãn lộ trình giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất xuống 22% thêm một thời gian nữa, nhưng Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng, ngay từ đầu năm, NHNN đã đưa ra thông điệp để các NHTM có sự chuẩn bị và liên tục cảnh báo về rủi ro tín dụng phi sản xuất.
“Để thực hiện yêu cầu đề ra, sẽ có NHTM gặp khó khăn nhưng đã là chính sách chung thì phải công bằng, không thể phân biệt một ngân hàng nào. Nếu NHTM nào vi phạm quy định trên thì NHNN sẽ có chế tài xử phạt” - Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định.
Kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô
Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm 2011 đạt 6,92%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (7,46%). Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng, nếu so với chỉ tiêu cả năm tăng dưới 20%, tăng trưởng tín dụng đang đi đúng với mục tiêu đề ra. Đặc biệt, trong điều kiện phải thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát thì tín dụng đã được tập trung ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất. Riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu tăng trưởng tín dụng đã đạt 25% (trong khi tăng chung chỉ là 6,92%). Sau khi Chính phủ điều chỉnh mục tiêu kiềm chế lạm phát ở 15% và tăng trưởng GDP đạt 6% trong năm nay, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết về cơ bản, kịch bản của chính sách tiền tệ không có gì thay đổi nhưng phải rất linh hoạt; Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện bằng được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng tổng phương tiện thanh toán đã được đề ra (tương ứng dưới 20% và từ 15% - 16%).
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 5 vừa qua, NHNN quán triệt các NHTM tạo sự đồng thuận, tiết kiệm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất, tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh; xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để nâng cao chất lượng, hiệu quả và an toàn hệ thống…
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, về nguyên tắc chung, khi CPI giảm dần NHNN sẽ sử dụng các công cụ điều hành để tác động giảm dần lãi suất theo hướng đạt được sự ổn định tương đối vững chắc chứ không thể thay đổi ngay về chính sách, về lãi suất.
Điểm sáng thị trường ngoại hối
Hôm qua, 9-6, đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho biết, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã được bổ sung thêm 0,9 tỷ USD, lên mức 13,5 tỷ USD trong tháng 5-2011. Trong bản báo cáo của mình, IMF đánh giá Chính phủ Việt Nam đã có những tiến bộ rất đáng hoan nghênh trong việc ổn định thị trường ngoại hối. Sự kết hợp của việc thắt chặt chính sách tiền tệ đáng kể nhằm ứng phó với giá hàng hóa sơ chế tăng, và một bước phá giá mạnh tiền đồng đã hỗ trợ nhiều hơn cho tiền đồng, cho dù có sự hỗ trợ của các biện pháp hành chính để hạn chế việc mua bán vàng và ngoại hối bên ngoài hệ thống ngân hàng.
Sự ổn định trong thị trường ngoại hối đã giúp giảm lợi tức rủi ro ngoài nước với chênh lệch lãi suất quốc gia của Việt Nam và chỉ số hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDS) thu hẹp bớt đi khoảng 100 điểm cơ bản từ đỉnh cao hơn 400 điểm cơ bản trong tháng 2-2011.
Bảo Minh