Trong những ngày qua, nhiều thông tin cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sắp có những chủ trương mới về điều hành chính sách tiền tệ như lập trần lãi suất cho vay, tăng dự trữ bắt buộc… Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn phóng viên Báo SGGP chiều qua (26-5), Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu khẳng định, chưa có chủ trương gì về vấn đề này. Hiện nay, các mục tiêu của chính sách tiền tệ được đặt ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ vẫn đang được triển khai tốt và bước đầu phát huy hiệu quả.
- PHÓNG VIÊN: Thưa Thống đốc, sau 3 tháng thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN có những chuyển biến ra sao?
Thống đốc NGUYỄN VĂN GIÀU: Tính đến ngày 23-5, tổng huy động vốn của hệ thống ngân hàng tăng 1,48% so với cuối năm 2010. Trong đó, huy động vốn bằng VND giảm 2,75% so với cuối năm 2010; huy động vốn ngoại tệ tăng 18,84%. Vốn huy động VND giảm là có địa chỉ, đó là tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 156.700 tỷ đồng. Cũng giống như năm 2008, khi lãi suất cao, các tổ chức kinh tế bao giờ cũng rút tiền ra làm ăn. Nghĩa là việc giảm tiền gửi của các tổ chức kinh tế là lành mạnh, để tăng thanh khoản cho nền kinh tế. Ngược lại, tiền gửi của dân cư tăng 107.300 tỷ đồng (tăng 11,84%, trong đó tiền gửi VND tăng 11,39%, tiền gửi ngoại tệ tăng 8,63%). Đây là hiệu quả của chính sách lãi suất tăng đã hút tiền về để tác động giảm tổng cầu, kiềm chế lạm phát, đúng như ý đồ của Chính phủ.
Một số liệu tích cực khác, thời điểm này so với cuối tháng 4-2011, tiền gửi ngoại tệ của dân cư giảm 2,89% - nghĩa là một bộ phận người dân đã bán ngoại tệ để chuyển sang VND.
- Về mục tiêu tăng trưởng tín dụng dưới 20% trong năm nay để kiềm chế lạm phát, đến nay đã đạt kết quả như thế nào, thưa Thống đốc?
Tính đến 23-5, tín dụng cho nền kinh tế tăng 6,2% so với cuối năm 2010. Trong đó, tín dụng VND tăng 2,59%, tín dụng ngoại tệ tăng 18,9%. Tổng khối lượng tín dụng tăng ròng ra nền kinh tế 135.800 tỷ đồng, đạt khoảng 33% kế hoạch tăng tín dụng dự kiến cho cả năm 2011. Đặc biệt, cơ cấu tín dụng đã được điều chỉnh một cách tích cực theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Cụ thể, tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn và xuất khẩu tăng tới 22,2%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng tín dụng chung cho nền kinh tế. Tỷ trọng tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất giảm 1,92% trong tổng cơ cấu tín dụng, từ mức 18,87% cuối năm 2010 đến nay còn 16,95%.
Tính đến ngày 24-5, có vài tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt 20%. Trong đó, có Ngân hàng TMCP Phương Tây tăng 24%, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín tăng 26%, Ngân hàng TMCP Nam Á tăng 20%. Một số ngân hàng nước ngoài quy mô nhỏ có tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt 20%. Tuần rồi tôi đã ký văn bản không chấp nhận bất cứ tổ chức tín dụng nào tăng trưởng tín dụng quá 20%. Trong điều kiện yêu cầu có những chính sách của nhà nước để thực hiện các mục tiêu chung, các tổ chức tín dụng không thể cứ thực hiện theo mục tiêu riêng của mình. Có thể các tổ chức tín dụng không đạt được kỳ vọng tăng lợi nhuận cao, nhưng trong bối cảnh cả nền kinh tế đang khó khăn, chấp nhận lợi nhuận thấp để ổn định kinh tế vĩ mô thì ngân hàng cũng không thể nằm ngoài.
- Thời gian vừa qua, có thông tin NHNN đang có chủ trương lập trần lãi suất cho vay, xin Thống đốc cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?
Có ý kiến đề nghị lập trần lãi suất cho vay, nhưng không phải là chủ trương của NHNN. Theo tôi giải pháp này không khả thi. Nếu lập trần lãi suất cho vay sẽ có thể có nhiều biến dạng, biến tướng trên thị trường tiền tệ. Biến tướng đó sẽ dẫn tới tiêu cực cán bộ, có thể doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất cao, nhưng phần chênh lệch lãi suất sẽ vào túi cá nhân. Bên cạnh đó, những biến tướng này có thể dẫn tới nới lỏng điều kiện tín dụng, gây nguy hiểm cho từng ngân hàng và toàn hệ thống. Các nước hiện nay không có nước nào quy định trần lãi suất cho vay. Tôi chưa bao giờ cho phép ai ở Ngân hàng Nhà nước nói ra một chủ trương nào đó về lãi suất để gây hoang mang thị trường. Ai nói điều đó phải chịu trách nhiệm cá nhân, không phải là chủ trương của NHNN.
- Diễn biến lãi suất vừa qua trên thị trường liên ngân hàng khiến nhiều người lo ngại về tính thanh khoản và an toàn của hệ thống ngân hàng?
Mỗi lần lãi suất cao đều có tư tưởng lo ngại về tính an toàn hệ thống. Vừa qua lãnh đạo NHNN đã làm việc với 8 ngân hàng thương mại, kết quả cho thấy thanh khoản vẫn khá tốt. Trong các ngày 5-5, ngày 6-5, ngày 9-5, ngày 10-5 vừa qua, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đột nhiên tăng cao. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy thanh khoản không có vấn đề gì, sự cố cũng không có. Đáng chú ý là các thời điểm đó NHNN đang cung ứng ra một lượng tiền rất lớn, là thời điểm đang mua ngoại tệ nhiều nhất (ngày mua cao nhất trên 200 triệu USD). Như vậy, rõ ràng có ai đó cố tình tung hứng tâm lý, chứ thực tế không hề có biến động gì lớn, thanh khoản của hệ thống vẫn bảo đảm.
- Sau khi thị trường ngoại hối ổn định, NHNN đã bắt đầu mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng NHNN khá chậm trễ trong việc này?
Do nhiều áp lực, đáng lẽ NHNN có thể mua ngoại tệ sớm hơn, nhưng thời điểm đó tôi thấy chưa chín. Không phải thấy lượng ngoại tệ dồi dào là mua liền, mà phải chờ đến khi tâm lý thị trường tương đối ổn định mới mua vào để tăng dự trữ ở mức thích hợp. Vừa qua chúng ta ổn định được thị trường ngoại hối nhờ thực hiện thành công bài toán giảm tổng cầu. Về chính sách tiền tệ, với những số liệu về huy động vốn, tín dụng đã rất rõ ràng. Ngân sách giảm 10% tiết kiệm chi thường xuyên, giảm 10% tín dụng đầu tư nhà nước từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng thực hiện được.
Ngoài ra, bội chi ngân sách Quốc hội giao ở mức 5,2% GDP, nhưng Chính phủ vẫn đang phấn đấu giảm xuống dưới 5%. Còn lại cắt giảm đầu tư công, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 4-2011, Bộ KH-ĐT đã công bố cắt giảm được 97.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến muốn làm rõ danh mục và địa chỉ cắt giảm cụ thể. Các giải pháp phối hợp kiểm tra, giám sát của các lực lượng như công an, quản lý thị trường… cũng đóng vai trò quan trọng trong bình ổn thị trường ngoại hối.
Một điểm khác là khi các chính sách được triển khai đồng bộ, đã tạo được sự ổn định tâm lý. Thông thường khi số liệu nhập siêu tăng cao, sẽ có tác động không tốt đến tỷ giá. Thế nhưng, ngày 26-5, khi thông tin nhập siêu tháng 5 lên tới 1,7 tỷ USD được công bố, giá USD trên thị trường liên ngân hàng buổi sáng chào mua ở mức 20.580 VND/USD, bán ra 20.595 VND/USD, giảm 20 VND so với ngày hôm trước. Tôi hy vọng từ khoảng tháng 6 trở đi, nhập siêu sẽ giảm để thị trường ngoại hối ổn định bền vững.
Minh Giang thực hiện