Những đợt nghỉ lễ dài ngày, khi những cư dân nháo nhào chọn lựa những chuyến đi xa để rời khỏi không khí ngột ngạt phố xá đông đúc, không gì thú vị bằng đếm từng bước chậm thong dong trên vỉa hè thành phố.
TPHCM càng ngày càng phình to hòng gánh vác dòng người cứ tăng dần đều theo từng năm. Những khu đô thị mới sang trọng mọc lên, và xuất hiện những cái tên mang đầy sự kiêu hãnh của đẳng cấp thượng lưu. Thế nhưng, muốn tìm hồn vía đích thực của TP phải chạm chân lên vỉa hè quận 1. Không phải ngẫu nhiên người TP đúc kết “ăn quận Năm, nằm quận Ba, la cà quận Nhứt”. Vỉa hè trung tâm quận 1 là một TP thu nhỏ. Nơi ấy, tính cách TP, phong vị TP, nghĩa cử TP, màu sắc TP đều hiển lộ đầy đủ và thuyết phục.
Bây giờ TP đã có phố đi bộ Nguyễn Huệ và phố đi bộ Bùi Viện. Đá hoa cương được lát thẳng tắp và hào nhoáng, phô diễn sự văn minh thời hội nhập. Thế nhưng, 2 con phố đi bộ ấy chỉ dành cho người lần đầu đến TP tham quan, còn để thấu hiểu TP nhất định phải đi bộ dọc những vỉa hè đơn sơ và mộc mạc. Tôi đã sống ở TP hơn 20 năm, nhưng chưa bao giờ nguôi thích thú khi đi bộ trên vỉa hè Nguyễn Du và vỉa hè Huyền Trân Công Chúa bao bọc Dinh Thống Nhất. Vỉa hè Nguyễn Du có những hàng me xanh mát, còn vỉa hè Huyền Trân Công Chúa có những hàng dầu cao vút. Tôi không phải mẫu người quá lãng mạn, nhưng vẫn cảm giác thư thái lạ lùng mỗi khi qua đây. Khu vực này không sầm uất bán mua, mà ngưng tụ cả sự phóng khoáng của TP hoa lệ.
Giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở TP là hành động đáng ủng hộ. Bởi lẽ, trung tâm TP có những con đường ngắn vài trăm mét, nhưng vỉa hè rất đẹp như Ký Con, Đặng Thị Nhu hoặc Phùng Khắc Khoan. Thật lãng phí khi đưa ra kế hoạch làm lại vỉa hè TP tiêu tốn ngàn tỷ đồng, vì có những đoạn vỉa hè đã tồn tại hơn thế kỷ, mà mỗi viên gạch đều là một kỷ vật vô giá. Nếu biết cách gìn giữ và tôn tạo, nét cổ xưa của vỉa hè sẽ trở thành minh chứng cho lịch sử đô thị TP.
Có một con đường ít người để ý, nhưng chỉ cần ai ghé qua một lần sẽ nhớ mãi. Đó là con đường Chu Mạnh Trinh nằm phía sau Green Power và khách sạn Sofitel. Vỉa hè Chu Mạnh Trinh có nhiều gốc cổ thụ và nhiều bức tường rêu xanh. Thế nhưng, đó không phải một phim trường tĩnh lặng của miền hoài niệm, mà có nhiều hoạt động mua bán và dịch vụ vừa nhộn nhịp vừa yên ả.
Một bên vỉa hè là những quầy thực phẩm Hà Nội dành cho người gốc Bắc, còn một bên vỉa hè là những tiệm hớt tóc di động đặc thù của người gốc Nam. Một bên bày ra nia bánh cốm và ô mai, bên kia bày ra… bộ đồ nghề hớt tóc. Nếu nhìn thấy cái ghế chỏng chơ và cái gương treo lủng lẳng, cứ tưởng món đồ cũ của nhà nào vứt đi. Thế nhưng, chỉ cần khách dừng lại ngó dọc ngó ngang, anh thợ hớt tóc đang uống chè chén ở vỉa hè bên kia sẽ chạy về phục vụ.
Cách đây chừng 5 năm, Giáo sư Annette Kim, một chuyên gia về đô thị và quy hoạch của Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ, cùng vài cộng sự đã đến TP để thực hiện công trình nghiên cứu rất công phu về vỉa hè TP, với tiêu chí: “Phương pháp của chúng tôi không phải từ trên xuống mà lặn vào trong cuộc sống. Du khách các nước cho tôi biết cái họ thích nhất ở TP là vỉa hè, đặc thù rất khác với Singapore, Hồng Công.
Tôi mong TPHCM sẽ tổ chức, quản lý vỉa hè cho tốt hơn, phù hợp văn minh đô thị chứ đừng “quét sạch” các quán cóc và các gánh hàng rong. Mỗi quán cóc và mỗi gánh hàng rong chiếm một chỗ khiêm tốn trên vỉa hè là một cuộc đời, thậm chí là nhiều cuộc đời”. Sau đó, Giáo sư Annette Kim đã cho xuất bản cuốn sách “Thành phố vỉa hè: Lập bản đồ không gian công cộng TPHCM”.
Giáo sư Annette Kim chia sẻ: “Vỉa hè đa chức năng, cũng giống như khái niệm sử dụng đất hỗn hợp, là một phần tạo nên một thành phố sôi động, bền vững và đóng góp vào sinh hoạt cộng đồng. Vỉa hè ở TPHCM còn dạy cho các nhà quy hoạch về chiều thời gian trong quy hoạch không gian công cộng, vốn cho phép sự linh hoạt và chia sẻ không gian, đặc biệt ở những thành phố chật chội. Cuộc sống vỉa hè là một trong những ấn tượng đậm nhất TPHCM để lại trong lòng du khách.
Tôi đã khảo sát du khách quốc tế từ 4 nhóm ngôn ngữ khác nhau xem họ chia sẻ những gì về chuyến đi tới thành phố và 40% những trao đổi là về vỉa hè. Họ yêu thích các món ăn, uống cà phê, trò chuyện với người dân địa phương, ngồi trên những chiếc ghế nhựa và nhìn cuộc sống diễn ra trên vỉa hè. Đô thị TP khiến nhiều du khách hồi tưởng về quá khứ và tiếc rằng cuộc sống vỉa hè đã biến mất khỏi quê hương họ. Nhiều nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng kinh tế vỉa hè là một phần quan trọng của an sinh xã hội. Một số ước tính rằng nền kinh tế vỉa hè cung ứng tới 30% việc làm và lượng thực phẩm cho thành phố”.
Không rõ tích tụ từ tập quán bao đời, vỉa hè TP trở thành nơi cộng sinh của những mảnh đời khác nhau. Tôi cho rằng, đó là đặc trưng hiếm có của TP. Chủ tiệm sang trọng vẫn chấp nhận 2 phía cửa hàng có… 2 đơn vị ăn theo là 1 bà hàng rong đặt ké quang gánh và 1 chiếc xe đẩy bán bắp luộc, khoai nướng. Chưa kể xung quanh còn có người bán vé số và đánh giày lai vãng. Vì sao? Vì chủ tiệm sang trọng vẫn tin rằng mình không hề bị cạnh tranh mà còn giúp đỡ được kẻ thua thiệt hơn có cơ hội mưu sinh. Còn người bán ở vỉa hè thì không tị hiềm, không khích bác, không đố kỵ. Thậm chí, họ còn tiếp thị cho nhau. Có lần, tôi ngồi ở vỉa hè đường Nguyễn Bỉnh Khiêm vào sáng sớm, chị bán cà phê vừa đặt cái ly xuống liền gợi ý: “Anh ăn điểm tâm chưa? Bún riêu của chị kia ngon lắm!”. Họ có quan hệ gì với nhau đâu, nhưng vẫn hỗ trợ nhau để cùng tồn tại theo phương pháp chân thành của những người lương thiện.
Vỉa hè TP gồng gánh bao nhiêu số phận? Tôi đã từng tự hỏi như vậy, mà không cách nào trả lời rành mạch được. Vỉa hè TP, những gánh hàng rong di chuyển liên tục, còn một địa điểm cố định cũng được phân chia một cách khoa học. Đừng ngạc nhiên, khi chứng kiến cái góc vỉa hè quen thuộc, buổi sáng thấy một chị bán bò kho, buổi trưa thấy một bác bán cơm bụi, buổi chiều thấy một cô bán chè bưởi, còn buổi tối thấy một anh bán thịt nướng. Người bán xong thì thu xếp gọn gàng cho người bán tiếp. Không một lời nặng nhẹ, không một câu hờn trách. Tất cả cứ tuần tự, đầy trách nhiệm. Nếu kinh tế vỉa hè bị triệt tiêu e rằng vẻ đẹp của TP sẽ bị hao hụt.