
Ngày 17-7-2008, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ, đã chủ trì phiên thảo luận mở về chủ đề “Trẻ em và xung đột vũ trang”. Theo sáng kiến của VN, LHQ cần có giải pháp toàn diện để phòng ngừa xung đột vũ trang và tác động của xung đột vũ trang đối với trẻ em; cần giải quyết nguyên nhân của xung đột vũ trang…. Dưới sự chủ trì và trên cơ sở dự thảo của Việt Nam, HĐBA đã thương lượng và nhất trí thông qua Tuyên bố lên án mọi vi phạm đối với quyền trẻ em. Thế nhưng trẻ em ở Dải Gaza vẫn tiếp tục bị giết hại bởi sự tranh giành quyền lực.
Không chỉ chết chóc
Cuộc xung đột tại Dải Gaza năm 2008 - 2009 được coi là hành động leo thang bạo lực giữa Hamas và Israel. 11 giờ 30 giờ địa phương ngày 27-12-2008, Israel đã ra đòn quân sự có tên “Chiến dịch đúc chì”, tập kích vào các thành viên và cơ sở hạ tầng của lực lượng kháng chiến Hồi giáo Hamas. Chiến dịch đã trở thành một cuộc thảm sát tại Dải Gaza.

Ba anh em nhà Balosha chết trong trận không kích của Israelvào Beit Lahiya.
Cuộc tấn công dữ dội của Israel đầu tiên vào Dải Gaza hôm 27-12 được ngụy biện là nhằm mục đích chấm dứt các vụ nã rocket của Hamas vào các thành phố phía Nam Israel trước đó. Cuộc chiến phớt lờ mọi sự phản đối kịch liệt của dư luận quốc tế và tiếp tục diễn ra mãi cho đến tối muộn ngày 17-1-2009 thì Thủ tướng Israel Ehud Olmert mới tuyên bố chính thức ngừng chiến.
Sáng hôm sau, Hamas cũng tuyên bố ngừng bắn và yêu cầu Israel rút quân khỏi Gaza trong vòng một tuần, đồng thời mở các cửa khẩu vào Gaza. 3 ngày sau đó, quân đội Israel thông báo hoàn tất việc rút quân khỏi Dải Gaza, nhưng họ vẫn đóng quân tại khu vực biên giới và sẵn sàng hành động nếu Hamas vi phạm tuyên bố ngừng bắn.
Tình hình chiến sự chỉ tạm lắng dịu trong 2 tuần thì căng thẳng trở lại sau khi hàng loạt quả rocket được phóng từ Gaza sang lãnh thổ Israel hôm 1-2 làm bị thương 1 dân thường và 2 quân nhân Israel. Đáp trả lại, Israel không kích ngay vào một số đường hầm gần biên giới Gaza - Ai Cập và trúng một chiếc xe hơi tại thị trấn Rafah làm một tay súng Palestine thiệt mạng, 3 người khác bị thương. 2 ngày sau, trong cuộc đàm phán tại Cairo (do Ai Cập làm trung gian hòa giải), lực lượng vũ trang Hamas lại tuyên bố ngừng bắn trong vòng 1 năm với Israel nhưng họ đòi đổi lại Tel Aviv phải mở cửa toàn bộ biên giới tại Dải Gaza.
Có đến 8 tổ chức nhân quyền ở Israel đã tập hợp cùng đệ đơn lên Trưởng công tố nước này yêu cầu điều tra chiến dịch quân sự đẫm máu 22 ngày vừa qua của quân đội Israel ở Gaza. 1.300 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 410 trẻ em và 100 phụ nữ, cùng hơn 4.300 người khác bị thương trong cuộc chiến vừa qua thực sự là những con số “khủng khiếp”. Theo họ, các luật lệ của chiến tranh đã bị xem thường và cần phải tiến hành một cuộc điều tra độc lập ngay lập tức.
...Di chứng suốt đời

Bé Mona, 13 tuổi vẽ những chiếc xe tăng đang nã đạn vào dân thường ở Gaza.
Tháng 12 năm ngoái trước khi cuộc chiến nổ ra đã có một tổ chức cứu trợ quốc tế tên gọi là World Vision công bố một nghiên cứu cho thấy trẻ em vùng đất Gaza bị ảnh hưởng bởi bạo lực chiến tranh.
Hơn 16% trẻ em từ 5 - 15 tuổi ở miền Bắc Gaza bị di chứng ác mộng. Khoảng 13% trẻ em trong độ tuổi này mắc chứng tè dầm mà hơn 70% là do khiếp sợ. Đa số các trẻ có hội chứng cắn móng tay, hội chứng thu mình, đau bất cứ chỗ nào trên người mà không rõ nguyên nhân.
Vấn đề tâm lý, sức khỏe và tổn hại đang hằn sâu và tiếp tục để lại di chứng nặng nề cho lớp trẻ ở dải đất đau thương này. Mohammad El Halaby, cán bộ quản lý chương trình của World Vision cho biết: “Chỉ sau 6 ngày bị bỏ bom, số trẻ có biểu hiện tổn thương tăng nhanh đáng kể”. Cô bé Sahr thường nài nỉ mẹ ôm lấy mình khi bé lại chợt nghe thấy nghe tiếng gào thét, van xin của cha bé trước lúc bị giết chết.
Bé Sahr nói: “Con rất sợ khi đến giờ ngủ vì những cảnh đó lại xuất hiện nữa”. Trên gương mặt của cô điều tra phỏng vấn đầm đìa nước mắt nhưng đôi mắt của bé Sahr ráo hoảnh, trống vắng như đang cố quay chậm về cái ngày lính Israel nhào vào nhà mình, bắt các anh em mình và đánh đập họ trước mặt gia đình. Mẹ của Sahr nói không chỉ gặp ác mộng mà Sahr còn bị chứng tè dầm và cả hai đứa em cũng bị tình trạng tương tự vậy.
Cuộc cấm vận 18 tháng đã khiến 1,5 triệu người Palestine bị khốn khổ vì kinh tế đình trệ, các dịch vụ bị đóng cửa và cuộc sống lây lất phụ thuộc vào sự viện trợ nhân đạo. Trẻ em chiếm đến hơn 1/2 dân số của Gaza, và những cuộc tấn công tiếp tục chỉ càng làm tình hình của chúng thêm tệ hại hơn mà thôi
Đến nay, số lượng nạn nhân trẻ em ở Gaza hay miền Nam Israel trong cuộc chiến này là chưa thể tính được là bao nhiêu và sẽ tăng thêm bao nhiêu nữa, nếu chiến tranh ở đây vẫn không chấm dứt. Hiện có 15% số trẻ bị suy dinh dưỡng nặng và những di chứng chiến tranh đã và đang làm ảnh hưởng nặng đến việc phát triển trí não của trẻ.
Những tổn hại ở các trẻ em nơi này là chứng tè dầm hàng ngày, ngủ gặp ác mộng và tình trạng lờ đờ vô vọng, và còn vô số các biến chứng rối loạn phức tạp khác sẽ đến với trẻ trong vài năm sau nữa. Cảnh tượng bạo lực chiến tranh hằn sâu ghê gớm vào đầu óc con trẻ. Nỗi ám ảnh bởi chiến tranh khiến những bức tranh vẽ tự do của các em lứa tuổi tiểu học chỉ toàn là hình ảnh súng cối, tên lửa, xe tăng, cảnh nhà cửa, cây cối bị tàn phá hủy hoại và người chết.
***
Sau khi ngừng bắn, cả hai bên Israel và Hamas đều hùng hồn tuyên bố mình mới là người chiến thắng trong cuộc chiến này. Ai thắng ai thua trong cuộc chiến này dù chưa phân định rõ, nhưng hậu quả tồi tệ của cuộc chiến với những cảnh tượng chết chóc, những tiếng gầm thét của súng đạn và những ngày đói khát đã và đang là nỗi ám ảnh khôn nguôi trong cuộc sống trẻ thơ ở Dải Gaza này hôm nay và nhiều năm sau nữa…
THANH TRÚC (Tổng hợp)