Thông tin giả, tác hại thật

Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24-2, thông tin về căng thẳng giữa Nga và Ukraine xuất hiện ồ ạt trên mạng Internet, đặc biệt là mạng xã hội. Tuy nhiên, độ chính xác của các thông tin này không phải lúc nào cũng cao. 
Ảnh vệ tinh chụp đoàn xe quân sự lớn của Nga gần Ivankiv, Ukraine. Ảnh: EPA/TTXVN
Ảnh vệ tinh chụp đoàn xe quân sự lớn của Nga gần Ivankiv, Ukraine. Ảnh: EPA/TTXVN

Tài khoản Twitter mang tên Full Fact có hơn 200.000 người theo dõi, đã chỉ ra nhiều thông tin sai lệch. Trong đó, một video clip được đăng trên Facebook miêu tả “chung cư ở Ukraine bị trúng tên lửa của Nga”. Sự thật, theo Full Fact, hình ảnh này được lấy từ video game từ năm 2015. Thậm chí, hãng tin uy tín như BBC cũng bị Full Fact “điểm danh”. Trên tweet ngày 26-2, Full Fact cho thấy BBC đã đăng một clip dàn máy bay bay theo đội hình đàn sếu được cho là “của Nga tại Ukraine gần đây”. Nhưng theo Full Fact, đây là clip một buổi diễn tập của các máy bay quân sự Nga từ tháng 5-2020. Hay như các bức hình các vụ nổ thực chất là ở Trung Quốc và Dải Gaza…

Tương tự, Gizmodo, một website về khoa học - công nghệ đã phát hiện ít nhất 10 hình ảnh và video đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội hoàn toàn là giả mạo. Cộng đồng mạng trên thế giới đã rất đau lòng và chia sẻ bức hình một em bé mặt dính đầy máu, gọi đây là “nạn nhân của Nga tại Ukraine”. Tuy nhiên, theo tài khoản Fact Check của hãng tin AFP, sự thật là em bé này ở Syria và hình ảnh được chụp từ năm 2018. AFP đã lập địa chỉ: https://factcheck.afp.com/how-do-reverse-image-search để hỗ trợ người dùng mạng xã hội kiểm tra kỹ trước khi chia sẻ thông tin, hình ảnh. 

Theo các nhà phân tích, thông tin, hình ảnh giả có thể gây ra những tác hại thật như: làm mất lòng tin vào chính phủ và giới truyền thông, phá hoại tiến trình dân chủ, tạo cơ sở cho các thuyết âm mưu có hại và các phát ngôn thù địch, lan truyền các thông tin khoa học giả tạo (kiểu như phong trào anti vaccine). Theo ước tính của Công ty An ninh mạng CHEQ (Israel), mỗi năm, tin giả gây thiệt hại cho kinh tế thế giới khoảng 152 tỷ USD, đáng kể nhất là thiệt hại về chứng khoán, tài chính, y tế … Cũng vì thiệt hại lớn như vậy, nhiều nước đang ngày càng kiểm soát chặt tin giả thông qua việc bổ sung hoặc đề ra luật mới. Nghị viện châu Âu (EP) từ năm 2020 đã thành lập một ủy ban đặc biệt để phòng chống các cuộc tấn công mạng và tin giả, với sự hợp tác của các công ty công nghệ lớn như Meta, Twitter và Google.

Ngay trong tháng 2 này, Chính phủ Đức tuyên bố sẽ tài trợ 15 triệu EUR (17,1 triệu USD) trong 3 năm tới để triển khai 10 dự án nghiên cứu mới chống tình trạng tin giả tràn lan trên mạng. Nội các Thái Lan cũng vừa thông qua dự thảo quy định thắt chặt hơn nữa việc giám sát các phương tiện truyền thông xã hội nhằm chống nạn tin giả. Brazil vừa công bố một nền tảng nhận diện tin giả với độ chính xác lên tới 96%... Trước đó, rất nhiều quốc gia trên thế giới tuyên bố thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với hành vi phát tán tin giả. 

Nói như Ngoại trưởng Australia Marise Payne từng khẳng định tại sự kiện đối thoại tổ chức trực tuyến cùng với Giám đốc phụ trách toàn cầu của Facebook Inc Nick Clegg, đã đến lúc thống nhất quy định về những nội dung được phép phát tán trực tuyến, tương tự những quy định trong việc phát tán các thông tin theo phương thức truyền thống.

Tin cùng chuyên mục