Thu Bồn - Nhân cách và tài năng

Cách đây mấy ngày (17-6-2013), non một trăm trí thức văn nghệ sĩ đã họp mặt để tưởng niệm nhà thơ Thu Bồn. Hơn hai mươi anh chị đã nhắc lại những ấn tượng, kỷ niệm tốt đẹp về Thu Bồn, hầu hết đều khẳng định hai phẩm chất cơ bản: anh đã sống chân thành và hết mình với đất nước - nhân dân cũng như với văn chương và với bạn bè.
Thu Bồn - Nhân cách và tài năng

Cách đây mấy ngày (17-6-2013), non một trăm trí thức văn nghệ sĩ đã họp mặt để tưởng niệm nhà thơ Thu Bồn. Hơn hai mươi anh chị đã nhắc lại những ấn tượng, kỷ niệm tốt đẹp về Thu Bồn, hầu hết đều khẳng định hai phẩm chất cơ bản: anh đã sống chân thành và hết mình với đất nước - nhân dân cũng như với văn chương và với bạn bè.

Lúc mới 12 tuổi, cậu bé Hà Đức Trọng (tên thật của nhà thơ) đã ngưng việc học, tạm biệt gia đình và quê hương (xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) xung phong vào thiếu sinh quân. Gắn bó với cuộc đời quân ngũ, đến tuổi 16 anh không chịu làm liên lạc nữa, nằng nặc xin được trực tiếp cầm súng chiến đấu. Cứ thế, trong non nửa thế kỉ, Thu Bồn liên tục có mặt trong bốn cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, giúp nhân dân nước bạn Campuchia khắc phục thế lực diệt chủng, cuối cùng là cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Với bất cứ cuộc chiến tranh vệ quốc nào, dù được phân công việc gì - trực tiếp đánh giặc hay là phóng viên chiến trường, Thu Bồn đều luôn có trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, không nề hà gian khổ, hiểm nguy.

Trên cánh đồng văn chương, Thu Bồn cũng là một lực điền có hạng. Năm 1962, anh trở nên rất thân thiết với bạn đọc cả nước từ trường ca Bài ca chim Chơrao. Liên tục 40 năm sau đó, anh cho ra đời 26 tác phẩm - một số lượng đáng nể - thuộc nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, trường ca, thơ. Anh sáng tác trong những ngày Tây Nguyên mưa lũ, đói bạc mắt. Anh làm thơ ngay trong chiến hào biên giới Hà Giang - Lào Cai. Có thể tin, trong những trang văn của Thu Bồn không có chỗ cho sự giả dối, điệu đàng, tất cả đều chân chất như chính tạng người của anh.

Bạn bè dù thân hay sơ, hễ đã tiếp xúc với Thu Bồn đều quý anh, bởi lẽ bao giờ anh cũng dành cho bạn sự quan tâm ưu ái. Ít ai hết lòng chiều bạn như Thu Bồn. Nhớ lại, 10 năm cuối đời anh sống bên suối Lồ Ồ (Bình Dương). Ngôi nhà mang phong cách Tây Nguyên, tràn ngập màu xanh của anh thường cũng đầy ắp tiếng cười của bạn bè tứ xứ Hà Nội, Huế, miền Đông và miền Tây Nam bộ. Một nhóm chí cốt đã đi lại “mòn đường đứt cỏ”, anh em gọi đùa là “nhóm Lồ Ồ”: Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Thiệu Khang, Phan Đắc Lập (đã mất), Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Ngô Thảo, Nguyễn Tiến Toàn, Xuân Đài, Hồ Quốc Hùng, Trần Hữu Tá…

Con người luôn sống chân thành và hết mình với dân tộc, với văn chương cũng như với bạn bè như thế, không yêu sao được?

Trên kia có nhắc đến 26 tác phẩm - thành quả của cả một đời cầm bút của Thu Bồn. Nhiều cuốn tiểu thuyết của anh được người đọc đón nhận niềm nở. Vốn sống chiến trường ngồn ngộn, nên các tác phẩm của anh đều tìm cảm hứng và chất liệu từ cuộc kháng chiến chống Mỹ ở nhiều vùng khác nhau của miền Nam, đặc biệt là xứ Quảng quê anh. Ngay những tác phẩm viết trong lúc chiến tranh đang diễn ra ác liệt (Chớp trắng - 1969, Hòn đảo chân ren - 1972…) đã thể hiện niềm tin vững chắc của Thu Bồn vào thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất.

Thế nhưng, để lại ấn tượng sâu đậm trong đông đảo người đọc là một Thu Bồn - thi sĩ. Trong mùa bội thu về trường ca của văn học nước ta (1965 - 1985), Thu Bồn thuộc loại đóng góp hàng đầu. Anh sáng tác nhiều và nhanh hơn cả. Anh tìm cảm hứng từ Tây Nguyên chiến đấu (Bài ca chim Chơrao - 1962, Vách đá Hồ Chí Minh - 1970). Khi non sông đã liền một dải, anh sớm nói lên khát vọng đổi đời của vùng đất giàu truyền thống này (Badan khát - 1976). Anh xúc động mãnh liệt khi được trở lại quê hương, còn kịp gặp lại mẹ già sau non 30 năm xa cách (Quê hương mặt trời vàng - 1975). Anh chia sẻ nỗi đau và niềm hy vọng của quân dân Campuchia đang đứng lên từ nạn diệt chủng (Campuchia hy vọng - 1978)…

Bài ca chim Chơrao là tác phẩm đầu tay nhưng lại là thành công nổi trội hơn cả của Thu Bồn trong thể loại thơ hoành tráng này. Câu chuyện về tinh thần bất khuất trước kẻ thù của hai chiến sĩ - một Kinh, một Thượng - thực sự là bài ca xúc động về tình đồng đội cũng như sự đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam.
Từ 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Văn học nghệ thuật cũng như mọi phương diện khác đã có sự chuyển biến tích cực, phù hợp với sự chuyển đổi của chính trị - xã hội. Khuynh hướng sử thi vốn thích hợp với hoàn cảnh chiến tranh, giờ được thay thế bằng khuynh hướng thế sự. Sự sáng tạo trước đây chủ yếu là hướng ngoại, giờ đây với những nhà thơ có bản lĩnh, họ vẫn vừa gắn bó với nỗi vui buồn của nhân dân, vừa thường xuyên đối diện với trái tim mình. Thu Bồn cũng thế. Tập thơ 100 bài thơ tình nhờ em đặt tên (1992) cho ta thấy một Thu Bồn vừa quen thuộc vừa mới mẻ.

Giọng điệu thơ của anh cũng đa dạng khác trước. Khi cần, chẳng hạn trong Hành phương Nam, Thu Bồn vẫn hấp dẫn người đọc bằng sắc thái ngang tàng phóng túng quen thuộc thời chiến tranh, nhưng giờ đây chủ yếu anh gửi đến chúng ta những câu thơ mềm mại, dịu dàng, đôn hậu đồng thời thâm trầm, lắng đọng, nặng trĩu suy tư. Có thể coi bài Tạm biệt Huế là tiêu biểu. Một hiện tượng thú vị: bài thơ được đông đảo bà con cố đô - những người có khả năng cảm thụ nghệ thuật tinh tế - đón nhận niềm nở. Mỗi lần đến Huế, đi thuyền trên sông Hương trong đêm, có thể đoan quyết thế nào các nghệ nhân cũng làm cho du khách rưng rưng xúc động với Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử cũng như về ý, tình của thi phẩm xuất sắc Tạm biệt Huế. Phải yêu và hiểu Huế lắm, phải lịch lãm trải nghiệm nhiều lắm mới có thể cảm nhận Con sông dùng dằng, con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.

Mười năm qua đi, không ít con người và những giá trị tưởng cao đã bị rơi vào quên lãng. Chỉ những ai thực sự có nhân cách đẹp và tài năng lớn mới chịu đựng được sự thải loại của thời gian. Có thể cả tin, nhân cách của Thu Bồn và một số đứa con tinh thần của anh sẽ còn được giới yêu văn chương tiếp tục trân trọng, quý mến.

TRẦN HỮU TÁ

Tin cùng chuyên mục