
LTS: Nhân đại lễ Phật đản năm 2005, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt có Thư chúc mừng gửi chư tôn đức giáo phẩm cùng toàn thể tăng ni, tín đồ phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Ông Phạm Thế Duyệt.
Báo Sài Gòn Giải Phóng xin trân trọng đăng toàn văn Thư chúc mừng đại lễ Phật đản năm 2005 – PL.2549 của Chủ tịch trong dịp đại lễ Phật đản, ngày 22 tháng 5 năm 2005 (tức ngày 15 tháng 4 Âm lịch).
Thân gửi chư tôn đức giáo phẩm cùng toàn thể tăng ni, tín đồ phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam!
Nhân dịp đại lễ Phật đản năm 2005, thay mặt Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi xin trân trọng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới chư tôn đức hòa thượng, thượng tọa, ni trưởng, ni sư cùng toàn thể tăng ni, phật tử Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước. Chúc các vị giáo phẩm và đồng bào phật tử đón mừng một mùa Phật đản đại hoan hỷ và thường tinh tiến, an lạc.
Kính mừng Phật đản, ôn lại trang sử hai nghìn năm của Phật giáo Việt Nam chúng ta đều thấy rằng: đoàn kết hòa hợp, đồng hành cùng dân tộc luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động phật tự và thế sự của tăng ni, phật tử; là nền móng vững chắc để xây dựng ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam đáp ứng với yêu cầu sự nghiệp chung của đất nước.
Các bậc cao tăng thạc đức và những người con Phật chân chính luôn lấy việc tinh tiến tu hành, phục vụ chúng sinh, phụng sự Tổ quốc, bảo vệ hòa bình làm mục tiêu hướng tới. Qua đó làm cho đạo đời hòa hợp, nhân duyên thuận lý, góp phần xây dựng cuộc sống an lạc, hạnh phúc trong nhân gian.
Trong không khí tưng bừng mừng ngày Đức Phật đản sinh, tôi mong rằng chư tôn đức giáo phẩm cùng toàn thể tăng ni, tín đồ phật tử Phật giáo Việt Nam luôn đoàn kết gắn bó trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng những ngày lễ lớn trong năm 2005; thực hiện tốt Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Chương trình hành động do Đại hội VI Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề ra, qua đó đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Được như vậy cũng chính là góp phần làm sáng rõ giáo lý của Đức Phật “Phật pháp không tách rời các pháp thế gian” và truyền thống “nhập thế” của Phật giáo Việt Nam, góp phần xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.
Chào thân ái!
PHẠM THẾ DUYỆT