Thủ đô kháng chiến ở miền Nam - Bài 3: Bí mật bạch chỉ

Bạch chỉ là một loại thư - tài liệu được viết bằng hóa chất trên giấy dầu, viết tới đâu chữ lặn tới đó. Viết xong rồi, tờ giấy vẫn trống trơn chẳng có gì cả. Người nhận được muốn đọc cũng phải nhúng tài liệu vào hóa chất, chữ mới hiện ra. Hầu như tất cả các tài liệu là chỉ thị của Quân ủy miền đều được viết dạng bạch chỉ gửi đến các khu, tỉnh, chiến trường. Lực lượng giao bưu Trung ương Cục miền Nam (A53) là đơn vị chịu trách nhiệm viết, giao bạch chỉ trong giai đoạn bấy giờ.
Thủ đô kháng chiến ở miền Nam - Bài 3: Bí mật bạch chỉ

Bạch chỉ là một loại thư - tài liệu được viết bằng hóa chất trên giấy dầu, viết tới đâu chữ lặn tới đó. Viết xong rồi, tờ giấy vẫn trống trơn chẳng có gì cả. Người nhận được muốn đọc cũng phải nhúng tài liệu vào hóa chất, chữ mới hiện ra. Hầu như tất cả các tài liệu là chỉ thị của Quân ủy miền đều được viết dạng bạch chỉ gửi đến các khu, tỉnh, chiến trường. Lực lượng giao bưu Trung ương Cục miền Nam (A53) là đơn vị chịu trách nhiệm viết, giao bạch chỉ trong giai đoạn bấy giờ.

Tài liệu “tàng hình”

Ông Phan Phát Phước là một trong những người sử dụng phương pháp viết thư bạch chỉ từ thời kháng chiến chống Pháp, vào khoảng năm 1950, khi ông làm việc cho Văn phòng Xứ ủy Nam bộ tại Sài Gòn. Đến năm 1961, ông vào căn cứ Văn phòng Trung ương Cục miền Nam, tiếp tục nhận nhiệm vụ viết thư bạch chỉ bên cạnh việc đánh máy và giữ tài liệu.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh nói chuyện với cán bộ hoạt động nội thành tại căn cứ Trung ương Cục.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh nói chuyện với cán bộ hoạt động nội thành tại căn cứ Trung ương Cục.

Ông Phước kể: “Trước đó, chúng ta viết tài liệu bằng nước cơm lên giấy. Nhưng cách này dễ bị phát hiện, chỉ cần kẻ địch nghi ngờ, nhúng vào nước là sẽ hiện chữ lên ngay. Mực để viết thư bạch chỉ là từ một loại trái mua ở các hiệu thuốc của người Hoa, mang về ngâm nước. Viết thư bạch chỉ tốn công lao động không nhiều nhưng quan trọng là phải cẩn thận, không để bị lộ. Lúc còn ở nhà số 29 Huỳnh Khương Ninh (quận 1, Văn phòng của Xứ ủy Nam bộ), tôi phải đợi lúc xung quanh yên ắng mới dám lấy tài liệu, dụng cụ ra để viết. Nghe có động là lập tức gom tất cả giấu xuống căn hầm bí mật dưới đồ để than để ngụy trang. Sau này, khi đã vào căn cứ, lúc viết thư bạch chỉ cũng phải cẩn thận, chủ yếu là viết ban đêm vì ban ngày hay có khách đến nhà. Do bảo đảm tính bí mật, khi viết thư chỉ chong một ngọn đèn dầu làm nguồn sáng”.

Một tài liệu được viết dưới dạng bạch chỉ.

Một tài liệu được viết dưới dạng bạch chỉ.

Trước đó, mệnh lệnh, chỉ thị của Trung ương Cục, Quân ủy miền qua cơ yếu, bộ phận điện đài của địch hầu như giải mã được hết, chỉ có bạch chỉ là an toàn và chưa bao giờ bị lộ. Các tài liệu sau khi được viết xong, trước khi phân phối, sẽ được đánh ký hiệu: Tài liệu hỏa tốc có ba gạch ở góc tờ giấy; nhanh: 2 gạch, thường: 1 gạch… Tùy độ mật và khẩn của tài liệu mà bố trí người chuyển.

Những năm kháng chiến ác liệt, địch càng truy sát, giao liên càng phải biết dùng mọi cách để có thể thoát khỏi tầm mắt của địch. Và bạch chỉ đã biến những tài liệu mật thành tàng hình, nhờ đó các giao liên đã để trong các gói đồ hoặc làm cả giấy gói đồ mà không có ai nghi ngờ gì.

Ngụy trang kiểu... bạch chỉ

Hồi ấy, lãnh đạo Trung ương Cục thích uống trà Lý Thông Ích, một loại trà thơm, ngon nổi tiếng của người Hoa. Giao liên mua trà rồi dùng thư bạch chỉ gói lại như những cái bánh ú để ngụy trang. Đến nơi, lãnh đạo Trung ương Cục vừa có trà ngon để uống vừa nhận tài liệu mật. Đó cũng là một lợi thế của bạch chỉ. Anh em ở Trung ương Cục nói vui là nhiều khi hiệu trà này sản xuất cho Việt Cộng sử dụng là chính.

Một trong những giao liên chuyển bạch chỉ rất thông thạo là chị Út Luông. Trong một lần chuyển bạch chỉ về trung tâm Sài Gòn, chị ngụy trang trong miếng trầu bởi nếu địch bắt được, chị chỉ thủng thẳng nhai luôn miếng trầu là nhai luôn tài liệu giấu trong đó. Một hôm, để chuyển tài liệu cho một cán bộ đang bị bắt quân dịch, chị dắt theo một đứa con ngụy trang. Đến Trung tâm huấn luyện Quang Trung, chị phải liên lạc để đưa tài liệu cho anh Nguyễn Tài Chắt nhưng lính xét không cho vào. Chị năn nỉ đám lính, xin cho vô thăm chồng, cho con gặp cha. Nghe chị nói riết, cuối cùng lính cho chị vô thăm. Sau khi nhận bạch chỉ, anh vào nhà vệ sinh để mở bằng hóa chất đã mang theo sẵn trong người. Lát sau anh ra chỉ đạo chị Út Luông tiếp tục đi tìm cán bộ rồi hướng dẫn đưa đi và ráp mối với đường dây.

Ông Lê Huy Diệu (Ba Diệu) còn nhớ rất rõ những chuyến đi đầy gian nan và nguy hiểm để chuyển bạch chỉ. Đó là đợt chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Có rất nhiều tài liệu của Quân ủy miền gửi về Bộ Tư lệnh tiền phương. Các giao liên phải chạy liên tục ngày đêm không ngủ không nghỉ nên gần như kiệt sức.

Đêm 29 rạng sáng 30 Tết, do tính chất quan trọng của tài liệu nên lúc đó Trung ương Cục cử ông Năm Mộc (Nguyễn Hữu Tân, Trưởng C17 - Khối Quản trị - Hậu cần) chịu trách nhiệm chuyển tài liệu đi cùng với ông Tư Già. Khi xe đến ngã ba Prek Kdam (Campuchia) thì bị lật xuống ruộng. Ông Tư Già gãy mấy bẹ sườn, ông Năm Mộc bị lủng bao tử. Cả hai được đưa vào Trung tâm Calmette ở Nam Vang. Trên chuyến đi còn có hai cháu Tâm và Meo (con và em của một đồng đội) đi theo để nghi trang. Do Tâm thường xuyên đi với các anh nên biết cơ sở tại Nam Vang của mình là ông Phan Văn Việt (Hai Việt), chủ tiệm may France Mode nên chạy đến báo tin ngay. Lập tức ông Hai Việt và Ba Diệu được cử đến bệnh viện lấy tài liệu. Cả hai đến bệnh viện xưng là người nhà của bệnh nhân xin nhận lại hành lý (vốn là tài liệu mật) của người bị nạn nhưng bệnh viện không cho. Họ nói cần để bệnh nhân tỉnh lại xác nhận. Lúc này hai ông Năm Mộc và Tư Già vẫn còn bất tỉnh. Sau nửa ngày, cả hai mới tỉnh dậy, nhận ra đồng đội, lúc đó ông Năm Mộc mới yên tâm giao lại tài liệu cho ông Hai Việt.

Viết thư bạch chỉ phải thật cẩn thận, do viết đến đâu chữ lặn đến đó nên phải vừa viết vừa căng mắt nhìn, không được để dòng chữ chồng lên nhau hay bị nhảy hàng. Ông Phan Phát Phước nhớ lại một câu chuyện vui: Có một lần, cô nhân viên Tuyết hớt hải chạy lên gặp tôi nói: “Chú Tám ơi, con giết chồng rồi”. Tôi vội hỏi lại: “Trời ơi, sao chồng bây mà bây giết vậy?”. Thì ra là cô Tuyết viết thư bạch chỉ bị chồng các dòng chữ lên nhau, nhưng cô là người Nam bộ, phát âm từ “viết” thành từ “giết” nên mới có sự hiểu nhầm như vậy.

Ngay sau khi ông Năm Đông (ông Dương Quang Đông, Phó ban Giao bưu Trung ương Cục) nhận lại tài liệu, lần này ông đích thân đưa cho bà Tư Quảng (còn gọi là má Tư) - một nữ giao liên đầy kinh nghiệm và sắc sảo -  nhận nhiệm vụ chuyển tài liệu. Sáng mùng 1 Tết, khi má Tư đang nằm ngủ ở cơ sở của A53, ông Năm Đông đến, hỏi: “Chị Tư sao giờ còn ngủ, có tài liệu mật, chị đi đưa giùm. Nhưng chị là nữ, chuyến đi này đường xa, qua nhiều đồn địch, chị có dám đi không?”. “Tui đi nhưng phải cho người đi theo” - má Tư nói tỉnh queo. Ông Năm Đông liền cử Tám Cánh theo bà để có động tĩnh về báo cáo tổ chức. Lúc đó, có cán bộ thắc mắc ông Năm Đông sao lại giao việc quan trọng như vậy cho má Tư mà không giao cho cán bộ nam nào đó vì lộ trình từ Nam Vang xuống căn cứ Bộ Tư lệnh tiền phương phải qua vùng Mỏ Vẹt, Ba Thu - biên giới Campuchia - Việt Nam. Đó là “vùng trời đỏ” do những trận chiến đấu ác liệt đang diễn ra không ngớt. Vậy nhưng ông Năm Đông vẫn không thay đổi quyết định. Má Tư đến biên giới Tây Ninh – Svay Riêng thì xe hư, bà buộc phải đổi xe khác đi tiếp cho tới điểm cuối cùng ở biên giới. Giao liên của bộ tư lệnh ra đón và đưa bà đi tiếp sâu vào căn cứ. Bà đã hoàn thành công tác của mình an toàn.

Mối tình bạch chỉ

Có một câu chuyện mà không phải ai cũng biết, từ bạch chỉ, đã có một mối tình đơm hoa kết trái ngay tại Trung ương Cục. Ông Nguyễn Văn Tám, thư ký của ông Chín Già (đồng chí Phạm Văn Hai) vốn là một trong những người viết bạch chỉ điêu luyện, chữ đẹp, rõ ràng và cũng là một giao liên đưa thư.

Ông Tám nhớ lại: “Một lần, sau khi nghe tôi báo cáo tình hình, ông Chín quay qua nói: Tao nghe đâu nhỏ thư ký của ông Năm Đông đẹp gái lắm, mày lên thử coi”. Chuyến giao tài liệu lần sau, hồi hộp đến điểm hẹn giao thư, ông Tám biết lần này có thể gặp cô thư ký xinh đẹp đó. Đến nơi, ông nhận ra cô ngay và thay vì giao hàng X (tiền) rồi đi liền, ông nói mọi người chầm chậm ít phút ngắm cho kỹ. Ai ngờ mấy hôm sau ông Chín gọi ông lên: “Mày làm gì mà con nhỏ viết thư đề nghị kiểm điểm nè, nó viết đề nghị chi bộ phê bình đồng chí Nguyễn Văn Tám đã giao tài liệu chậm trễ, rất dễ bị lộ nếu địch phát hiện”. Nhưng ông không giận, ông biết trái tim mình đã hướng về cô…

Về phần mình, cô thư ký xinh đẹp bí danh Tạ Thị Mai (tên thật Tạ Thị Trâm) vẫn thường trầm trồ khen ai viết bạch chỉ chuyển về đơn vị mà nét chữ bay bướm quá trời. Sau ngày giao hàng cho đơn vị của ông Nguyễn Văn Tám, bà Mai nhận được một bức mật chỉ. Phía trên vẫn là thông tin tình hình chuyển hàng, nhưng phía dưới cách đó một đoạn là những lời hỏi thăm đến cô thư ký Tạ Thị Mai, ký tên Nguyễn Văn Tám. Bà Mai bán tín bán nghi…   

Ngày nọ, ông Chín Già đi công tác đến bộ phận của ông Năm Đông, gặp Mai, ông nói luôn: “Trời, nó muốn nhìn mặt mày mà mày viết thư đòi kiểm điểm nó”. Bà Mai thấy tim mình đập mạnh khi biết rằng người muốn coi mặt mình chính là người đã viết những lá thư bạch chỉ bằng nét chữ thẳng tắp, đều đặn và mềm mại. Từ duyên kỳ ngộ ấy mà cả hai đã thành vợ chồng.


L.NGỌC - M.HƯƠNG - A.CHÂN

Thủ đô kháng chiến ở miền Nam

Bài 1: Ngày đầu

Bài 2: Chuyện lạ ở R

Tin cùng chuyên mục