Thủ Đức hướng tới vận tải công cộng và mảng xanh

Những nét phác thảo đầu tiên về đô thị của thành phố Thủ Đức đang được Sở QH-KT TPHCM thực hiện theo chỉ đạo của UBND TPHCM. 
Mảng xanh và không gian sông nước trong khu dân cư tại quận 2. Ảnh: CAO THĂNG
Mảng xanh và không gian sông nước trong khu dân cư tại quận 2. Ảnh: CAO THĂNG

Theo bà Lương Thu Anh, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch khu trung tâm thuộc Sở QH-KT TPHCM (bộ phận được giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu đề án hình thành và phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao Thủ Đức), đây sẽ là thành phố thân thiện môi trường với giao thông công cộng là chủ đạo, phát triển mảng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Metro là xương sống cho vận tải hành khách 

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang dần hình thành, kết nối khu vực phía Đông TPHCM (khu vực sau này theo kế hoạch là TP Thủ Đức) sẽ là tuyến vận tải hành khách huyết mạch nối TP Thủ Đức với nội thành TPHCM. Cùng với đó sẽ có hàng trăm tuyến xe buýt xương cá đưa đón khách từ nhà ga của metro tới các khu dân cư, khu công nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu trong TP Thủ Đức. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở QH-KT, Sở TN-MT, Ban Quản lý đường sắt TPHCM cùng các quận, cơ quan liên quan đang nghiên cứu, hình thành tại các nhà ga dọc tuyến metro những khu dân cư tập trung, trung tâm thương mại, giải trí…

Động thái nhằm tái cấu trúc đô thị theo hướng tập trung dân để sử dụng đất hiệu quả hơn và qua đó hình thành một mô hình phù hợp phát triển vận tải hành khách công cộng. Về lâu dài, đây sẽ là loại hình tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường hơn hẳn xe cá nhân. Trong khu đô thị này, người dân có thể đi bộ một cách thuận tiện và an toàn trên vỉa hè, hoặc các lối đi bộ riêng. Theo bà Lương Thu Anh, đường dành cho người đi bộ sẽ được thiết kế phù hợp với điều kiện khí hậu nóng và nhiều mưa của Nam bộ.

Theo nhóm nghiên cứu, để hình thành TP Thủ Đức, cần chiến lược thực hiện trong hơn 20 năm với bộ máy chịu trách nhiệm và nhân sự chủ chốt không bị gián đoạn bởi nhiệm kỳ, để có thể kiên trì với mục tiêu tốt đẹp của dự án. Cán bộ phải theo sát dự án, nghiên cứu một cách khoa học, nghiêm túc và công khai kết quả nghiên cứu đối với chính sách thu hồi, tạo quỹ đất, chính sách đầu tư phát triển, chính sách đấu thầu dự án hoặc đấu giá đất, chính sách ưu đãi đối với nhóm các cá nhân, tổ chức cần thu hút cho hoạt động kinh doanh. Xác định các lĩnh vực chính để thu hút đầu tư vào đây, đồng thời cũng phải đánh giá tiềm năng, nhu cầu của từng lĩnh vực cụ thể để có chính sách thu hút đầu tư cụ thể. 


Với mô hình vận tải hành khách kết hợp đồng bộ giữa metro và xe buýt, giữa giao thông và tổ chức đô thị như vậy, TPHCM đặt mục tiêu trong 20 năm nữa, vận tải hành khách công cộng sẽ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu đi lại của người dân Thủ Đức. Song song với việc tổ chức lại vận tải hành khách công cộng, Sở QH-KT, Sở GTVT… sẽ nghiên cứu phân luồng đi riêng cho xe chở hàng hóa và container để phục vụ hoạt động của cụm cảng biển Cát Lái.

Tỉnh Bình Dương đã đề xuất TPHCM kéo dài tuyến metro số 1 tới Bình Dương. Đồng thời tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch xây dựng cầu Cát Lái nối TPHCM với Đồng Nai… Việc này, theo bà Lương Thu Anh, nếu được đẩy nhanh tiến độ sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để TP Thủ Đức tăng cường tương tác với các đô thị khác trong vùng ngoài TPHCM. Như vậy, trung tâm kinh tế tri thức này sẽ không chỉ là động lực cho TPHCM phát triển mà còn cho cả các đô thị trong vùng TPHCM; góp phần làm cho TP Thủ Đức đạt được mục tiêu cốt lõi mà Đảng bộ và chính quyền TPHCM kỳ vọng. Đó là, trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TPHCM và khu vực, dựa trên nền tảng phát triển mũi nhọn là nền kinh tế tri thức, hợp tác phát triển. 

Có cây xanh và rừng ngập nước

Nằm ở khu vực khá thấp trũng của TPHCM, TP Thủ Đức được dự báo có khả năng bị ngập lụt cao. Thực tế hiện nay, nhiều khu vực thuộc quận 2, 9, Thủ Đức vẫn bị ngập cục bộ mỗi khi có mưa lớn. Chính vì vậy, giảm ngập và thích ứng với biến đổi khí hậu (gây mưa lớn và triều cường dâng cao) là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển đô thị bền vững ở TP Thủ Đức. Trên tinh thần này, nhóm thực hiện đề án hình thành và phát triển đô thị Thủ Đức đề xuất dành 10% đất cho công viên và không gian mở. TP Thủ Đức có diện tích khoảng 21.000ha, nên đất dành cho công viên và không gian mở sẽ vào khoảng 2.100ha. Trong đó, dự kiến 1/3 dành cho các vùng ngập nước làm hồ điều tiết; khoảng 1/4 bề mặt diện tích công viên được giữ mặt phủ tự nhiên, để nước mưa có thể thẩm thấu xuống đất. Việc giữ đất cho công viên và không gian mở phải làm ngay, hoặc chí ít làm rõ trong quy hoạch, có kế hoạch giữ gìn thật nghiêm. Đồng thời khi làm thiết kế đô thị phải hướng tới việc giảm bê tông hóa vỉa hè, sân bãi…, kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp để giảm ngập hiệu quả hơn.

Chiến lược phát triển ở các khu vực trọng điểm

Thủ Thiêm sẽ được phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế. Nơi đây đã được quy hoạch để đảm bảo đủ các điều kiện cho các hoạt động đổi mới, sáng tạo. Vừa gần, kết nối trực tiếp với trung tâm hiện hữu của TPHCM, vừa có cảnh quan sông nước, môi trường làm việc tuyệt vời. 

Trung tâm Công nghệ cao Sài Gòn - Trung tâm Sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học - SHTP (giai đoạn 2) hiện đã có các nhà đầu tư giáo dục quốc tế, công ty sản xuất sử dụng công nghệ cao làm nền tảng cho phát triển kinh tế địa phương và tăng trưởng tiếp theo của các ngành hữu quan. Trung tâm này sẽ được tiếp tục phát triển thành nơi sản xuất và thiết kế đổi mới sáng tạo. Đại học Quốc gia TPHCM sẽ là trung tâm công nghệ thông tin và công nghệ giáo dục. Các dự án phát triển gần Đại học Quốc gia có thể hỗ trợ cho mục tiêu đào tạo của trường, trong khi khai thác nguồn lực nghiên cứu cho việc phát triển kinh tế. Các khu vực nghiên cứu, học tập và trao đổi tri thức có thể được thiết kế nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu, sản xuất; đồng thời hỗ trợ đào tạo kỹ thuật và phương pháp mới. Khu vực kết nối giữa Đại học Quốc gia, Khu Công nghệ cao TPHCM sẽ có chức năng hỗ trợ cho cả Khu Công nghệ cao và Đại học Quốc gia. 

Khu vực Tam Đa và lân cận Long Phước - Trung tâm Công nghệ sinh thái sẽ được tận dụng các điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch sinh thái, đặt ga đường sắt cấp vùng và hình thành trung tâm phân phối, chế biến an toàn, giới thiệu thực phẩm, nông sản Việt. Qua đó, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ẩm thực cũng như nông nghiệp công nghệ cao trong khu vực.  

Trung tâm Thể thao và Sức khỏe Rạch Chiếc, như tên gọi, sẽ là nơi phát triển thể dục - thể thao, phát triển sức khỏe thể chất và tinh thần cho người dân. 

Khu cảng Trường Thọ sẽ là khu đô thị mới (sau khi cảng này dời đi) và được hình thành theo mô hình tích hợp công nghệ tiên tiến vào mọi hoạt động của đời sống hàng ngày. Khu đô thị này sẽ đóng vai trò là thành phố mới lý tưởng, một phòng thí nghiệm sống về đô thị với hệ thống hạ tầng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu có các hình thức giao thông, thông tin liên lạc mới, công nghệ xây dựng và vật liệu xây dựng sinh thái cho phép thấm nước mưa, kết hợp với hệ thống dữ liệu 4.0, ứng dụng sáng tạo vào các ngành nghệ thuật và giải trí.

Quy mô dân số TP Thủ Đức được xác định trên 3 yếu tố: Thứ nhất, đảm bảo tiêu chuẩn đất công viên đạt 7,1m2/người theo Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt. Thứ hai, mật độ dân số đủ cao để hệ thống vận tải hành khách công cộng hoạt động hiệu quả. Thứ ba, quy mô dân số lớn hơn quy mô dân số đã được duyệt trong các dự án trước đây, để tạo cơ hội cho các dự án đô thị mới phát triển. Với những nguyên tắc này, quy mô dân số của TP Thủ Đức sẽ vào khoảng 2.420.000 - 3.000.000 người. Trong đó, quận 2 sẽ có mật độ cao nhất, vì nằm gần trung tâm TPHCM hiện hữu và có đô thị mới Thủ Thiêm. Quận 9 sẽ có mật độ thấp nhất, do nằm xa trung tâm và có nhiều khu vực có cao độ thấp. 

Tin cùng chuyên mục