Thu gom rác dân lập: Khó kiểm soát

Hiện nay trên địa bàn TPHCM đang tồn tại song song 2 hệ thống tổ chức thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn: hệ thống thu gom công lập và hệ thống thu gom dân lập. Trong đó, lực lượng thu gom rác dân lập thu gom khoảng 60% rác sinh hoạt, 40% còn lại do hệ thống thu gom công lập thực hiện. Điều này đã và đang gây nên những tác động lớn đến chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn TP. Tổ rác dân lập tự phát tăng mạnh
Thu gom rác dân lập: Khó kiểm soát

Hiện nay trên địa bàn TPHCM đang tồn tại song song 2 hệ thống tổ chức thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn: hệ thống thu gom công lập và hệ thống thu gom dân lập. Trong đó, lực lượng thu gom rác dân lập thu gom khoảng 60% rác sinh hoạt, 40% còn lại do hệ thống thu gom công lập thực hiện. Điều này đã và đang gây nên những tác động lớn đến chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn TP.

Tổ rác dân lập tự phát tăng mạnh

Kết quả khảo sát của Tổ chức Hành động vì môi trường và phát triển cho thấy, hoạt động của lực lượng thu gom dân lập còn rất manh mún và đơn lẻ. Có 2.141 tổ thu gom rác dân lập trên địa bàn 24 quận, huyện. Đại diện UBND phường Tân Thành, quận Tân Phú khẳng định, có những tuyến đường trọng điểm của quận muốn nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường nhưng khó thực hiện do vướng lực lượng thu gom rác dân lập. Tương tự, tại nhiều phường khác của quận Tân Phú như phường Tây Thạnh, Tân Thới Nhì, Phú Thạnh hay tại các quận Bình Tân, Tân Bình, Bình Chánh… tình trạng “da beo” trong hoạt động thu gom rác tại hộ gia đình đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng vệ sinh tại quận.

Các cơ sở thu gom rác dân lập xuất hiện dày đặc ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Các cơ sở thu gom rác dân lập xuất hiện dày đặc ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Đại diện UBND huyện Bình Chánh cho biết thêm, việc tồn tại lực lượng thu gom rác dân lập được xem là do lịch sử để lại. Việc phát triển của lực lượng này tại thời điểm hiện tại cũng rất nhanh. Hầu như những khu dân cư mới hoặc khu dân cư tự phát, ngay khi xuất hiện một hai nóc nhà là ngay lập tức có lực lượng thu gom rác dân lập đến thu gom rác. Lâu dần, khi khu dân cư đông lên thì đồng thời xuất hiện cố định lực lượng thu gom rác dân lập tại khu dân cư đó.

Trao đổi về việc tại sao chính quyền địa phương không kiểm soát cũng như tổ chức quản lý, thu gom rác tại khu dân cư mới phát sinh, đại diện nhiều địa phương lắc đầu ngao ngán. Đại diện các quận, huyện đều cho rằng rất khó quản lý lực lượng này bởi phần lớn họ đều ẩn danh, chỉ có thể gặp được những người lao động thuê. Mặt khác, lực lượng này có mặt rất nhanh. Khi có 1 hoặc 2 ngôi nhà trên một khu dân cư nào đó là họ đã xuất hiện.

Thực tế, thời gian qua, nhiều quận, huyện đã mời lực lượng thu gom rác dân lập lên làm việc cũng như nắm lại tình hình hoạt động của lực lượng này. Tuy nhiên, rất khó để có thể thuyết phục họ hợp tác. Nhiều chủ đường dây rác chỉ cho người thay mặt đến để tham dự. Tình trạng này đã dẫn đến thực tế nhức nhối là không thể kiểm soát chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn một số quận, huyện.

Đẩy mạnh hỗ trợ, chuyển đổi quản lý

Trao đổi về giải pháp nào có thể cải thiện thực trạng trên, bà Vũ Thùy Linh, Phó Chánh Văn phòng Thích ứng biến đổi khí hậu, Sở TN-MT TPHCM cho biết, phải thừa nhận rằng người thu nhặt và tái chế rác dân lập đang cung cấp một “dịch vụ công không chính thức” về quản lý chất thải và không có điều kiện tiếp cận với hệ thống an sinh xã hội chính quy. Đa số họ không có hộ khẩu tại nơi làm việc ở TPHCM, điều kiện làm việc không an toàn, thu nhập từ phí thu gom rác ít. Còn các quận, huyện thì đang trong điều kiện thiếu nhân sự nên việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn, bất cập và không đạt hiệu quả.

Để có thể cải thiện được thực trạng này, theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Tổ chức Hành động vì môi trường và phát triển, mục tiêu trước mắt với công tác quản lý lực lượng thu gom rác dân lập trên địa bàn TP là phải phát triển được hoạt động của các hợp tác xã. Kế đến là hướng các lực lượng thu gom cá thể, nhỏ lẻ chuyển sang loại hình hợp tác xã hoặc doanh nghiệp. Muốn làm được vậy, phải hỗ trợ nguồn tài chính, tạo điều kiện cho hợp tác xã đầu tư cho các xã viên chuyển đổi phương tiện thu gom theo đúng quy định; xây dựng chính sách chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho người thu gom. Có thể nói, khi phát triển được hợp tác xã cho những tổ thu gom rác dân lập sẽ giúp định hình quy mô về phương tiện, nhân sự và chất lượng dịch vụ cho lực lượng này. Từ đó, tạo cơ sở để họ có thể cạnh tranh công bằng với lực lượng thu gom rác của các doanh nghiệp có vốn sở hữu của nhà nước như các công ty dịch vụ công ích.

Mặt khác, TP cần thực hiện các định hướng quản lý chất thải theo mục tiêu giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải thông qua việc đẩy mạnh đồng bộ các chương trình quản lý chất thải rắn như phân loại chất thải rắn tại nguồn; thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường; đấu thầu cung ứng dịch vụ thu gom vận chuyển chất thải rắn…

Hiện nay, Sở TN-MT TPHCM đang trong giai đoạn hoàn thiện quy định tổ chức và hoạt động của lực lượng thu gom chất thải rắn thông thường tại nguồn trên địa bàn TP song song với việc tìm kiếm nguồn tài trợ để thực hiện thí điểm mô hình phát triển hợp tác xã này nhưng cho đến nay tiến trình thực hiện còn khá chậm. Việc đẩy nhanh quy trình này sẽ tạo được sự thống nhất và đồng bộ trong chất lượng thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt giữa các lực lượng thu gom rác chính quy và dân lập. Về lâu dài sẽ giúp giảm gánh nặng chi ngân sách cho hoạt động xử lý rác thải.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục