Thu hẹp khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế

Trong báo cáo năm 2023 gửi đến Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, Chính phủ nhận định: Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA, chính thức có hiệu lực vào ngày 1-8-2020) chưa đem lại nhiều “trái ngọt” mới như kỳ vọng.

Báo cáo cho biết, thặng dư thương mại của Việt Nam với các nước EU trong năm 2022 đạt 31,4 tỷ USD, tăng 35,1% so với năm 2021. Tuy có mức thặng dư thương mại lớn thứ 2 (chỉ sau Mỹ), nhưng tỷ trọng thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam còn chưa cao (tương ứng là 12,6% và 4,3%).

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - EU đạt 28,55 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ chiếm tỷ trọng 9% trong tổng kim ngạch của cả nước. Việt Nam xuất siêu sang thị trường EU 14,26 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù đánh giá cao sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam (khảo sát mới nhất về niềm tin kinh doanh do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) công bố cho thấy 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào tốp 10 điểm đến đầu tư nước ngoài hàng đầu), song 9 tháng đầu năm, duy nhất chỉ có Hà Lan đứng thứ 7 trong “tốp 10” nền kinh tế đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Nhưng Hà Lan chưa phải là một cường quốc về đầu tư ở EU (tổng đầu tư ra nước ngoài của nền kinh tế này vào khoảng 14 tỷ USD/năm).

Có một thực tế là các doanh nghiệp trong nước “chậm chân” trong việc tận dụng các ưu đãi từ việc tham gia EVFTA. Tỷ lệ doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng được ưu đãi nhờ EVFTA mới khoảng gần 26%, thì các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng áp đảo. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn thực hiện gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm. Vì sao thực tế vẫn còn cách xa kỳ vọng như vậy sau 3 năm thực hiện EVFTA?

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham, khẳng định có gần 1/3 thành viên EuroCham trong khảo sát mới nhất xếp hạng Việt Nam là 1 trong 3 địa điểm đầu tư hàng đầu. Đây là thông điệp mạnh mẽ về niềm tin của doanh nghiệp vào mối quan hệ hợp tác.

Tuy nhiên, ông Gabor Fluit nhấn mạnh, vẫn còn nhiều vướng mắc trong môi trường kinh doanh, đặc biệt đối với xuất khẩu và bất động sản. Đó là sự khác biệt trong định giá hải quan đối với hàng nhập khẩu; thủ tục thông quan không rõ ràng và kéo dài, những trở ngại kỹ thuật đối với thương mại và sự “mù mờ” trong nhiều quy định pháp luật…

Chính vì thế, cải thiện khuôn khổ pháp luật, gỡ bỏ rào cản về cấp phép (bao gồm cả các thủ tục về thị thực và giấy phép lao động cho người nước ngoài), chuyển hướng mạnh mẽ sang phát triển bền vững để theo đuổi “cả lợi nhuận và sự tiến bộ” là khuyến nghị từ ông Gabor Fluit đối với Chính phủ.

Dĩ nhiên, về phần mình, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần năng động, tích cực hơn. Số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường EU hiện còn khiêm tốn. Nhiều doanh nghiệp mới chỉ tham gia được một số công đoạn của chuỗi cung ứng; khả năng đáp ứng, tuân thủ các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các yêu cầu kỹ thuật của hàng hóa xuất khẩu còn hạn chế.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dưới dạng thô hoặc theo đơn đặt hàng gia công của các nhà nhập khẩu nước ngoài. Việc xây dựng và định vị thương hiệu cho các mặt hàng “Made in Vietnam” tại thị trường khó tính như EU chưa được doanh nghiệp thực sự quan tâm.

Tin cùng chuyên mục