Thu hẹp khoảng cách giữa máy móc và con người

Sáng hôm nay, 22-8 (giờ Việt Nam), ngày thứ ba của diễn đàn các nhà phát triển của Intel đang diễn ra tại San Francisco, Mỹ, Tổng Giám đốc Công nghệ (CTO) của tập đoàn Intel đã phát biểu đưa ra một cái nhìn thú vị về những đột phá công nghệ sẽ mang con người và máy móc đến gần nhau hơn vào năm 2050.
Thu hẹp khoảng cách giữa máy móc và con người

Sáng hôm nay, 22-8 (giờ Việt Nam), ngày thứ ba của diễn đàn các nhà phát triển của Intel đang diễn ra tại San Francisco, Mỹ, Tổng Giám đốc Công nghệ (CTO) của tập đoàn Intel đã phát biểu đưa ra một cái nhìn thú vị về những đột phá công nghệ sẽ mang con người và máy móc đến gần nhau hơn vào năm 2050.

 “Đến nay, có thể khẳng định rằng ngành công nghệ đã đạt được nhiều tiến bộ hơn bất cứ điều gì mà con người có thể tưởng tượng từ 40 năm về trước. Có những suy đoán rằng chúng ta có thể đang tiếp cận tới một điểm uốn, nơi mà tốc độ tiến bộ của công nghệ đang tăng lên theo cấp số mũ, và máy móc thậm chí có thể vượt qua con người về khả năng suy luận trong một tương lai không xa” – ông Justin Rattner nhận định.

Sạc điện không dây

Hãy tưởng tượng việc bạn có thể bước vào sân bay hoặc một căn phòng cùng với chiếc laptop của mình, và khi pin của laptop bị hao đi khi được sử dụng thì nó lại được sạc điện. Dựa trên những nguyên lý mà các nhà vật lý học của trường Đại học MIT đưa ra, các nhà nghiên cứu của Intel đang nghiên cứu về khả năng kết nối năng lượng cộng hưởng không dây (Wireless Resonant Energy Link -WREL). Nói đến đây, ông Rattner đã trình diễn quá trình thắp sáng cho một bóng đèn điện 60wat mà không cần phải sử dụng ổ cắm hay bất kỳ loại dây dẫn nào (ảnh).

 

Sự kỳ diệu của WREL nằm ở khả năng cung cấp điện không dây một cách an toàn và hiệu quả. Công nghệ dựa trên những thiết bị cộng hưởng được gắn với nhau, một nguyên lý tương tự như việc một ca sĩ được đào tạo chuyên nghiệp có thể làm vỡ một chiếc cốc thủy tinh bằng giọng hát của mình.

Khi nhận tần số tự nhiên của thiết bị cộng hưởng, năng lượng sẽ được hấp thụ một cách hiệu quả, giống như một chiếc cốc thủy tinh hấp thụ năng lượng âm thanh ở tần số tự nhiên của nó. Với việc công nghệ này được hỗ trợ trong một chiếc laptop, pin của chiếc laptop đó có thể được sạc khi laptop được đặt trong phạm vi một vài feet (khoảng trên dưới 1m) so với thiết bị cộng hưởng phát ra tần số.

Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức về mặt kỹ thuật, nhưng các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tìm ra một phương thức mới để cắt đứt sợi dây kết nối cuối cùng này trong các thiết bị di động, đồng thời hy vọng một ngày nào đó có thể tích hợp khả năng xạc điện không dây.

                                                   Máy tính tự thay đổi hình dạng 

Các nhà nghiên cứu của Intel cũng đang nghiên cứu phương thức hàng triệu robot cực nhỏ, được gọi là “Catom”, có thể xây dựng các vật liệu có khả năng thay đổi hình dạng. Nếu được sử dụng để thay thế khung máy tính, màn hình hiển thị và bàn phím của một thiết bị điện toán, công nghệ này có thể cho phép tạo ra một thiết bị có thể thay đổi hình dạng vật lý của mình để phù hợp với những phương thức cụ thể mà bạn đang muốn sử dụng nó.

Ví dụ, một máy tính di động có thể trở nên nhỏ bé khi ở trong một chiếc túi, thay đổi thành hình dạng của một chiếc tai nghe khi được sử dụng như một chiếc điện thoại di động, hoặc có thể trở nên lớn hơn và phẳng hơn khi trở thành một bàn phím để lướt Internet hoặc xem phim.

Ong Rattner mô tả đây là một chương trình nghiên cứu đầy khó khăn, nhưng những tiến bộ nhất định đang được hình thành. Ông đã trình diễn lần đầu tiên những kết quả của một kỹ thuật mới để sản xuất những bán cầu silicon nhỏ bé sử dụng kỹ thuật in ảnh litô, một quá trình hiện được sử dụng để sản xuất những chip silicon.

Khả năng này là một trong những nền tảng kiến trúc cơ bản cần thiết để nhận ra những Catom có khả năng hoạt động, và giúp dễ dàng hơn trong việc đưa những thành phần cơ học và điện toán cần thiết cùng vào trong một đóng gói nhỏ hơn 1mm. Kỹ thuật này tương thích với khả năng sản xuất khối lượng lớn hiện nay, mang lại khả năng sản xuất những catom như vậy với số lượng lớn  trong tương lai.

Intel cũng đang nghiên cứu phương thức vượt qua các bóng bán dẫn hai chiều để chuyển sang bóng bán dẫn ba chiều và đang tìm giải pháp sử dụng các chất bán dẫn kép để thay thế silicon trong các kênh của bóng bán dẫn.

Ngoài ra, Intel còn đang nghiên cứu một loạt các công nghệ không cần sạc điện để có thể thay thế cả CMOS của máy tính.

Rôbốt từ sàn nhà máy đến bếp

Lâu nay, rôbốt được sử dụng chủ yếu trong môi trường nhà máy, được thiết kế để thực hiện một công việc đơn nhất được lặp đi lặp lại và được chốt chặt.

Theo Rattner, để biến rôbốt trở nên “người” hơn, các rôbốt cần phải di chuyển và điều khiển các vật thể trong các môi trường đa dạng và năng động của con người. Chúng cần phải hiểu môi trường xung quanh bằng cách cảm nhận và nhận ra những di chuyển trong một thế giới vật lý năng động, đồng thời phải học được cách thích ứng với hoàn cảnh mới.

Ông Ratter đã trình diễn hai mẫu hoạt động của rôbốt cá nhân được phát triển tại các phòng nghiên cứu của Intel. Một trong những trình diễn đã cho thấy khả năng cảm ứng trước điện trường vốn được gắn trong cánh tay của rôbốt. Kỹ thuật này là một phương thức cảm biến mới được sử dụng bởi loài cá chứ không phải con người, do vậy chúng có thể “cảm nhận” được các vật thể trước khi chạm vào các vật thể đó.

Một trình diễn khác là một rôbốt vận động di động hoàn toàn tự động có thể nhận ra các khuôn mặt, hiểu và thực hiện các lệnh chung chung kiểu như “hãy dọn dẹp đống lộn xộn này” sử dụng chuyển động tiên tiến, khả năng vận động, khả năng nhận biết cùng trí tuệ nhân tạo.

Ngoài những rôbốt đang ngày càng trở nên giống con người hơn, ông Rattner tin tưởng rằng còn có thêm nhiều đột phá để giúp cho sự tương tác giữa con người và máy móc trở nên mạnh mẽ hơn.

Cũng tại diễn đàn các nhà phát triển Intel 2008, ông Randy Breen, Tổng Giám đốc phụ trách sản phẩm của hãng Emotiv Systems, đã lên sân khấu cùng với ông Rattner trình diễn sản phẩm cầm tay EPOC của hãng Emotiv. Đây là sản phẩm chuyên nhận diện các mẫu sóng não, xử lý chúng với hiệu quả thời gian thực và chỉ cho trò chơi biết những suy nghĩ ý thức và vô thức của người sử dụng, như những biểu lộ trên khuôn mặt, những hành động chú tâm hoặc những cảm xúc.

Một người sử dụng EPOC có thể nghĩ đến việc cười hay nhấc một vật thể lên, và một hình tượng nhân vật trong trò chơi sẽ thực hiện điều đó.

Hiện tại, sản phẩm EPOC có thể nhận diện được hơn 30 “điểm nhận diện” khác nhau thông qua 16 bộ phận cảm biến trên sản phẩm này.

Cuối cùng, ông Justin Rattner khẳng định sẽ có những thay đổi lớn trong tương lai đối với khả năng tương tác xã hội, công nghệ chế tạo rôbốt và những tiến bộ trong khả năng cảm nhận thế giới thực của máy tính. Ông cho biết, các phòng nghiên cứu của Intel đang xem xét những giao diện sử dụng giữa con người và máy móc, đồng thời nghiên cứu những mối quan hệ của điện toán trong tương lai với một số những thay đổi đầy hứa hẹn và sự kỳ diệu sẽ đến sớm hơn mong đợi.

Khắc Văn ( theo www.intel.com/pressroom/idf).

Tin cùng chuyên mục