Thu hồi chủ trương đầu tư gần 6.000ha đất vì chậm tiến độ

 
Thu hồi chủ trương đầu tư gần 6.000ha đất vì chậm tiến độ
Thu hồi chủ trương đầu tư gần 6.000ha đất vì chậm tiến độ ảnh 1

Giám đốc Sở TNMT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng 

Mặc dù TPHCM rất quyết liệt xử lý các dự án treo, nhưng tình trạng này vẫn còn gây bức xúc cho người dân. Trong khi đó, theo quy định mới của Luật Đất đai 2013, doanh nghiệp (DN) muốn thực hiện đầu tư phải có sẵn quỹ đất sạch.

Làm thế nào giải quyết tốt tình trạng dự án treo và tạo ra quỹ đất sạch đáp ứng nhu cầu đầu tư cho DN? Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM Nguyễn Toàn Thắng đã trao đổi về nội dung trên.

571 dự án được… xóa treo

PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá việc các tổ chức (nhà nước và DN) sử dụng quỹ đất được giao trên địa bàn TP trong thời gian qua như thế nào?

Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG: Về cơ bản, trong thời gian qua, các tổ chức được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử sụng đất (gọi chung là giao đất) sử dụng đất khá hiệu quả, góp phần vào sự phát triển chung của TP. Tuy nhiên, cũng có một số đơn vị được giao đất nhưng quản lý, sử dụng không hiệu quả, lãng phí quỹ đất. Để xử lý vấn đề này, thời gian qua Ban chỉ đạo 09 (thường trực là Sở Tài chính) đã rà soát, xem xét và thực hiện sắp xếp lại, xử lý các mặt bằng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước để đảm bảo khai thác, sử dụng đất hiệu quả. Ngoài ra, hàng năm Sở TNMT cũng rà soát tiến độ dự án và xem xét, trình báo cáo UBND TP quyết định thu hồi các khu đất không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích.

Thời gian qua, UBND TP đã rà soát và thu hồi chủ trương đầu tư, pháp lý của hàng trăm dự án theo tinh thần Nghị quyết 16 của HĐND TP. Tuy nhiên, tình trạng nhiều dự án chậm triển khai, hoang hóa lãng phí tài nguyên vẫn đang gây bức xúc cho xã hội?

Tinh thần của Nghị quyết số 16/2012 của HĐND TP là đẩy nhanh công tác lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết phân khu trên toàn địa bàn TPHCM nhằm quản lý, sử dụng đất theo dúng quy hoạch; kiểm tra, rà soát và xử lý các dự án đã được giao đất hoặc chấp thuận địa điểm, đảm bảo việc sử dụng đất hiệu quả, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong khu vực có dự án chậm triển khai. Sở TNMT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện rà soát tiến độ của các dự án đã được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, các dự án đã được chấp thuận địa điểm đầu tư và trình báo cáo, đề xuất xử lý theo quy định.

Qua rà soát, đến nay UBND TP đã hủy bỏ, chấm dứt hiệu lực, thu hồi quyết định của 571 dự án với diện tích 5.905,2ha. Cụ thể:  Hủy bỏ, chấm dứt 469 dự án có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư với diện tích 4.362,7ha. Thu hồi, hủy bỏ quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất cho 102 dự án. Ngoài ra, TP còn điều chỉnh (cắt giảm) quy mô diện tích của 9 dự án với diện tích giảm 137,2ha. Đến nay, đã xử lý cơ bản dự án chậm triển khai. Qua xử lý các dự án chậm triển khai, các chủ đầu tư dự án phải lo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nên tình trạng dự án chậm tiến độ được kéo giảm. Đối với các dự án bị thu hồi, hủy bỏ văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư, quyết định giao đất, cho thuê đất, phần diện tích đất của dự án mà chủ đầu tư chưa nhận chuyển nhượng thì người dân được thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật đất đai, điều này làm giảm đáng kể tình trạng khiếu nại của người dân liên quan đến dự án, quy hoạch “treo” và tăng hiệu quả sử dụng đất.

Nâng chất hoạt động của Trung tâm Phát triển quỹ đất

Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc sở còn có nhiệm vụ tạo quỹ đất sạch để các DN tham gia đấu thầu thực hiện dự án. Vậy sở đã có kế hoạch về nhân lực, cơ chế làm việc như thế nào để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới?

Từ năm 2005 đến nay, trung tâm đã được giao làm chủ đầu tư của 4 dự án bồi thường, tạo quỹ đất sạch khoảng 472ha, quỹ đất này đều được giao cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội cho TP. Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn một số khó khăn như sự đồng thuận của người bị thu hồi đất chưa cao khi giá bồi thường chưa phù hợp thực tế. Vì vậy, tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư kéo dài, có nhiều trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất của người dân. Căn cứ theo Luật Đất đai năm 2013, sở đã xây dựng đề án Kiện toàn tổ chức hoạt động Trung tâm Phát triển quỹ đất theo cơ chế một cấp trực thuộc sở để trình UBND TP thực hiện từ tháng 12-2015.

Theo Luật Đất đai 2013, doanh nghiệp phải có “đất sạch” mới triển khai đầu tư dự án

Trước khó khăn của những dự án đền bù dở dang, nhiều ý kiến đề xuất Nhà nước cần thu hồi phần diện tích đất còn lại nếu dự án đã bồi thường đạt 80% và điều chỉnh ranh nếu dự án đã bồi thường dưới 80% diện tích, để doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ dự án?

Những dự án thuộc trường hợp đang thực hiện dở dang là những dự án trước ngày 1-7-2014 (ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực). Theo Luật Đất  đai 2013 thì không xảy ra các trường hợp nêu trên vì nhà đầu tư phải có quyền sử dụng đất thì mới tiến hành lập thủ tục chấp thuận đầu tư, hoặc trường hợp được chọn là nhà đầu tư thông qua đất thầu (nhà nước thu hồi đất), đấu giá quyền sử dụng đất, đất sạch. Để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, tránh khiếu nại tố cáo và giảm sự can thiệp hành chính, Nhà nước chỉ thu hồi đất trong một số trường hợp cụ thể. Do vậy, việc đề nghị Nhà nước thu hồi đất đối với phần diện tích 20% còn lại của tất cả các trường hợp là không phù hợp, cần phải rà soát các dự án này có thuộc trường hợp thu hồi đất theo Luật Đất đai 2013 hay không. Nếu các dự án này nay căn cứ Luật Đất đai 2013 mà vẫn thuộc trường hợp thu hồi đất, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chủ đầu tư đảm bảo được các điều kiện thực hiện dự án thì Nhà nước xem xét cho tiếp tục thực hiện dự án và thu hồi phần diện tích đất còn lại.

 Xin cảm ơn ông!

ĐỖ TRÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục