Những năm gần đây, khi cơn bão nợ công hoành hành châu Âu và kinh tế Mỹ chìm vào khủng hoảng, khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, trở thành một thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư. Theo dự báo, Đông Nam Á sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài nhưng vẫn thiếu hấp dẫn do cơ sở hạ tầng yếu kém.
Tăng tốc cải tạo hạ tầng
Bài phân tích trên Reuters mở đầu bằng câu chuyện tại Indonesia, nền kinh tế tăng trưởng mạnh tại Đông Nam Á. Nước này đang tìm kiếm 9 tỷ USD từ các nhà đầu tư châu Âu để cải thiện môi trường nước, đường sá, đường hàng không và cảng biển, một biện pháp để cải thiện cơ sở hạ tầng đang xuống cấp. Số tiền trên là con số nhỏ so với khoản tiền cần có để hoàn thiện cơ sở hạ tầng mới tại Indonesia. Thực chất, Jakarta cần đến 150 tỷ USD. Nhưng Indonesia tuyên bố chỉ chi khoảng 15% trong số này và số còn lại sẽ kêu gọi hình thức hợp tác công-tư (PPP).
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gần như là sự ưu tiên xem xét của hầu hết các nước ASEAN. Trong tháng 3, nội các Thái Lan phê chuẩn một kế hoạch vay 68 tỷ USD xây dựng đường sắt, đường giao thông vào năm 2020. Tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Thái Lan cũng sẽ được khởi công vào cuối năm 2014. Philippines đã thông qua luật cải thiện hợp tác với khu vực tư nhân để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Trước đây, Indonesia chỉ dành khoảng từ 3% - 3,5% GDP đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhưng nước này đặt mục tiêu tăng ngân sách cơ sở hạ tầng khoảng 11% trong năm nay. Việt Nam đặt mục tiêu tăng gấp đôi chi tiêu cơ sở hạ tầng. Singapore và Malaysia tuyên bố, hai nước sẽ xây dựng tuyến đường sắt cao tốc kết nối Singapore với thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, dự kiến sẽ hoàn thành vào trước năm 2020.
Chính phủ phải đóng vai trò lớn
Lý giải cho sự tăng tốc cải thiện cơ sở hạ tầng tại Đông Nam Á, các chuyên gia kinh tế cho rằng khu vực này đã nhận ra hạ tầng hoàn chỉnh sẽ thu hút càng nhiều vốn đầu tư hơn. Bên cạnh đó, trở ngại của Đông Nam Á còn đến từ năng lực quản lý thuộc các cấp địa phương với thủ tục còn rườm rà. Tại Indonesia, từ năm 2006 đến nay mới chỉ xây dựng được hai dự án hợp tác theo hình thức PPP là nhà máy điện có công suất 2.000 megawatt tại Java và đường cao tốc ở Bali do nhiều lần bị trì hoãn vì những tranh cãi về đất đai giữa người dân và chính phủ. Ở Philippines cũng xảy ra tình trạng tương tự khiến nhiều dự án không thể phát triển. Nước này đang gấp rút chuẩn bị cho 16 dự án PPP trị giá 4 tỷ USD.
Ông Frederic Neumann, người đứng đầu nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC, nhận định Đông Nam Á phải suy nghĩ lại chiến lược của mình vào cơ sở hạ tầng. Khi chạy đua để thu hút các nhà đầu tư tư nhân, chính phủ các nước phải đóng một vai trò lớn hơn và hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý để mời gọi đầu tư. Một loạt các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Campuchia và Indonesia, đều thiếu cơ sở hạ tầng đáp ứng đòi hỏi của sản xuất công nghiệp quy mô lớn, mặc dù có mặt bằng lương thấp hơn hẳn so với Trung Quốc.
Dù vẫn gặp trở ngại về cơ sở hạ tầng và các hành lang pháp lý chưa hoàn thiện nhưng kinh tế các nước Đông Nam Á vẫn sẽ phát triển nhanh. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, đến năm 2014, tổng GDP của 5 nước ASEAN gồm Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam sẽ lần đầu tiên vượt tổng GDP của “4 con hổ châu Á” gồm vùng lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và Hồng Công. Trong khi 10 năm trước, tổng GDP của 5 nước ASEAN nói trên chỉ bằng phân nửa của 4 quốc gia, lãnh thổ này.
Thanh Hằng (tổng hợp)