Thu hút và sử dụng trí thức KH-CN: Khó bộn bề!

Thu hút và sử dụng trí thức KH-CN: Khó bộn bề!

Câu hỏi “đâu là lý do cản trở việc thu hút trí thức KH-CN trong và ngoài nước tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của thành phố?” do Sở KH-CN TPHCM gửi đi, đã nhận được gần 300 câu trả lời từ các trí thức TPHCM, trong đó có 71,6% ý kiến cho rằng do đãi ngộ vật chất chưa xứng; 55,7% cho rằng trang bị kỹ thuật hay điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn; 49,5% “chê” hiệu quả sử dụng chất xám…

Xem ra, chỉ mới một câu hỏi thôi, đã thấy có quá nhiều bức xúc, để xây dựng tốt đề án đổi mới cơ chế chính sách thu hút và sử dụng trí thức KH-CN trong và ngoài nước, Sở KH-CN TPHCM đang đứng trước một vấn đề nan giải.

Đội ngũ KH-CN: Trong yếu, ngoài thưa - trách sao hạn chế!

Theo đánh giá của dự thảo đề án “Đổi mới cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng trí thức khoa học - công nghệ trong và ngoài nước” do Sở KH-CN TPHCM thực hiện, hiện nay đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH-CN) TPHCM còn khá nhiều hạn chế. Đội ngũ này chưa cập nhật được với trình độ phát triển KH-CN thế giới.

Thiếu cán bộ đầu ngành có trình độ như “tổng công trình sư” để tập hợp lực lượng KH-CN giải quyết các các vấn đề lớn và bức xúc cho sự phát triển thành phố. Thiếu đội ngũ cán bộ KH-CN ở các lĩnh vực công nghệ cao.

Thu hút và sử dụng trí thức KH-CN: Khó bộn bề! ảnh 1

Các chuyên gia Việt kiều trao đổi tại buổi gặp đầu năm 2008 do TPHCM tổ chức.   Ảnh: MAI HẢI

Tinh thần hợp tác trong nghiên cứu khoa học nhìn chung là còn yếu. Thu nhập của giới trí thức, đặc biệt là trí thức trẻ ở các trường viện, không cao và không ổn định, nảy sinh việc lạm dụng thời gian của nhà nước, bỏ bê công việc…

Trong bối cảnh đó, việc sử dụng đội ngũ trí thức trong nước cho hiệu quả, kết hợp với thu hút trí thức nước ngoài được đánh giá là rất cần thiết. Tuy nhiên, Sở KH-CN TPHCM đánh giá rằng việc huy động chất xám của trí thức Việt kiều hiện nay còn tự phát và manh mún. Chưa động viên được nhiều nhà khoa học kiều bào tầm cỡ tham gia các lĩnh vực ưu tiên của thành phố.

 “Nhà nước chưa có giải pháp cụ thể, thiếu những cơ sở pháp lý cho việc mời gọi, sử dụng trí thức Việt kiều, không có căn cứ pháp lý cho phép việc chi trả theo tính chất công việc”, PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM nhận định.

Theo ông Phan Minh Tân, một số vấn đề tồn tại trong việc thu hút và phát huy năng lực trí thức Việt kiều là hệ thống thông tin trong nước thiếu và chưa cụ thể. Nhiều trí thức Việt kiều cần những “đơn đặt hàng” cụ thể, như TPHCM cần định hướng phát triển gì, còn thiếu gì và họ có thể giúp gì. Hiện TPHCM cũng thiếu cơ sở dữ liệu của các nhà khoa học Việt kiều về năng lực chuyên môn, khả năng có thể đóng góp… nên việc tiếp cận mời gọi còn chung chung.

Nhiều quy định về thủ tục hành chính còn bị vướng, nhiêu khê như xin phép thẩm quyền nhận trí thức Việt kiều về làm việc mất hết 1 năm… “Thành phố rất cần những giải pháp mang tính đột phá để thu hút và phát huy những trí thức tài giỏi đóng góp cho sự phát triển của đất nước”, ông Tân nhấn mạnh.

Gút “thắt - mở”: Chính sách, cơ chế sử dụng nguồn lực!

Bên cạnh những hạn chế về mặt con người, những hạn chế về mặt sử dụng con người của chúng ta hiện nay cũng đang hiển hiện. Việc bố trí đúng người đúng việc, tạo điều kiện làm việc và phát huy năng lực của đội ngũ KH-CN thành phố và Việt kiều là một trở ngại lớn hiện nay, chưa có đầu mối chỉ đạo đủ thẩm quyền, tổ chức chưa hiệu quả và chưa có ngân sách dành cho việc này.

Việc tổ chức tập hợp các nhà khoa học trong nghiên cứu, triển khai chưa có hiệu quả cao, thiếu cơ chế đặc biệt để khai thác sử dụng năng lực của các nhà khoa học có tầm cỡ quốc tế. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tiềm lực KH-CN còn nhiều bất cập. Cơ chế tài chính trong hoạt động KH-CN chậm đổi mới, không còn phù hợp với thực tế…

Trước thực trạng đó, việc sử dụng các cơ chế mới trở nên bức thiết. Một trong các điểm nhấn quan trọng của kế hoạch đổi mới là cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu trong nghiên cứu khoa học. PGS-TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TPHCM hồ hởi: “Tôi hoan nghênh cơ chế đặt hàng.

Cần phải phát huy cơ chế này, cơ chế mà người đứng đầu, người đặt hàng dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trước đây các vấn đề xét duyệt, thẩm định, nghiệm thu đều có hội đồng, là một cách làm “an toàn” quá. Có chuyện gì cũng là do cả một hội đồng thẩm định, xét duyệt, không có lỗi cá nhân”.

Bên cạnh việc đặt hàng các đề tài nghiên cứu, việc thu hút, sử dụng trí thức nước ngoài cũng là vấn đề rất cần thiết. Theo một số nhà khoa học, việc thu hút trí thức là rất bức xúc, rất cần thiết và không chỉ thu hút các nhà khoa học Việt kiều mà cần quan tâm đến cả việc thu hút, sử dụng lực lượng trí thức là các nhà khoa học nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam. “Đá banh còn có cầu thủ ngoại mà”, PGS-TS Hoàng Anh Tuấn so sánh ª

Dự thảo đề án “Đổi mới cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng trí thức khoa học - công nghệ trong và ngoài nước” đã đề xuất cho áp dụng một số cơ chế, chính sách:

Ban hành quy chế đặt hàng. Ủy quyền cho giám đốc sở – ngành, chủ tịch UBND quận – huyện được ký kết hợp đồng trực tiếp với các tổ chức KH-CN hoặc các nhà khoa học trong và ngoài nước theo thỏa thuận để giải quyết những công việc cụ thể theo phương thức khoán gọn và có thể cao hơn định mức chi theo quy định hiện hành.

Ủy quyền cho giám đốc sở – ngành, chủ tịch UBND quận – huyện được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm tạm thời các nhà khoa học trong và ngoài nước và các chức danh tương đương trưởng phòng chuyên môn, trưởng ban quản lý dự án và có thể trả lương theo thỏa thuận.

TP sẽ đầu tư từ ngân sách cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường đại học, các viện - trung tâm nghiên cứu từ đó đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị này giải quyết các vấn đề KH-CN trọng điểm. Chính sách hỗ trợ cán bộ khoa học bồi dưỡng nâng cao trình độ; chính sách xã hội hóa đầu tư cho phát triển KH-CN; chính sách phân chia lợi ích, chính sách khen thưởng, tôn vinh các nhà khoa học…

Dự thảo này đã nhận được nhiều đồng tình từ phía các đại diện sở ngành, các nhà khoa học.

HỒ XUNG

Tin cùng chuyên mục