Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã trở thành sự kiện nóng trong thời gian gần đây. Sở dĩ việc này trở nên cấp bách và được quan tâm vì có nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng khó khăn. Trước hiện trạng đó, việc thu hút vốn đầu tư ngoại cũng là một trong những con đường góp phần tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Dồn dập tìm đối tác
Gia nhập vào thị trường tài chính Việt Nam, đặc biệt, sự có mặt tại các ngân hàng (NH) trong nước của các tổ chức tín dụng quốc tế đã không còn xa lạ. Mới đây nhất, Commonwealth Bank of Australia (CBA) của Australia đã tăng vốn tại NH Quốc tế (VIBank) từ 15% lên 20%. Theo đó, CBA bỏ ra 1.150 tỷ đồng mua thêm 25 triệu cổ phiếu VIBank. Vốn điều lệ mới của VIBank sẽ là 4.250 tỷ đồng.
Trước đó không lâu, giới tài chính cũng xôn xao về thương vụ giữa NH Mizuho (Nhật Bản) mua 15% cổ phần của NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB). Đây là cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tiên của VCB sau một thời gian dài tìm kiếm. VCB bán 347,6 triệu cổ phần cho Mizuho với giá trị hơn 567 triệu USD, tương đương 11.800 tỷ đồng. Thương vụ này có giá trị thuộc hàng “khủng” nhất trong nước từ trước đến nay.
Hiện tượng góp vốn cổ phần của các tổ chức tín dụng quốc tế vào lĩnh vực NH tại Việt Nam có phần nhộn nhịp hơn trong thời gian gần đây. Công ty Tài chính quốc tế (IFC) mua 10% cổ phần NH TMCP Công thương (Vietinbank) với giá trị 186 triệu USD. NH TMCP An Bình bán 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho IFC và Maybank (một ngân hàng của Malaysia), NH Phát triển Mê Kông (MDB) bán 15% cổ phần cho một đơn vị đầu tư thuộc Tập đoàn Temasek Holdings (Singapore).
Cách đây không lâu, NH Nhà nước (NHNN) cũng chấp thuận cho United Overseas Bank (UOB) của Singapore nâng sở hữu cổ phần tại NH TMCP Phương Nam (SouthernBank) lên khoảng 19,99% vốn; NH BNP Paribas (BNPP) mua 20% vốn cổ phần NH TMCP Phương Đông (OCB).
Rõ ràng, trong hoàn cảnh nguồn vốn eo hẹp và khó khăn của các NH trong nước thì việc tìm kiếm các đối tác nước ngoài cũng là điều dễ hiểu đối với các NH nội. Chỉ trong 1 năm trở lại đây, số lượng thương vụ góp vốn tăng khá mạnh, cho thấy dòng vốn ngoại đổ vào các NH là khá lớn.
Tuy nhiên, về nguyên tắc sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo mới đây của NHNN nêu rõ, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả cổ đông nước ngoài hiện hữu) và người có liên quan của các nhà đầu tư nước ngoài, không vượt quá 30% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam. Do đó, đến nay vẫn chưa có một vụ sáp nhập nào giữa NH nội và NH ngoại. Việc các đối tác nước ngoài mua vào cũng chỉ dừng ở mức độ đầu tư chiến lược.
Cần chiến lược phù hợp
Với việc sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán và những khó khăn trong hệ thống NH, giá cổ phiếu NH đang ngày càng rẻ. Trước hiện trạng này, nhiều người cho rằng sẽ xuất hiện làn sóng vốn ngoại đổ vào các NH Việt Nam khi chi phí mua lại rẻ hơn nhiều so với thành lập mới.
Không ít tổ chức nước ngoài vẫn đánh giá cao tiềm năng phát triển của NH Việt Nam. Trong thương vụ với VIBank, ông Wayne Hoy, Giám đốc Dịch vụ Tài chính quốc tế CBA Sydney, đánh giá thị trường tài chính Việt Nam vẫn còn non trẻ và có nhiều tiềm năng.
Mới đây, qua khảo sát của Công ty PwC Việt Nam cho thấy, có tới 80% doanh nghiệp cho rằng hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành dịch vụ tài chính tại Việt Nam sẽ sôi động trở lại. Thực tế, các tổ chức nước ngoài khi mua cổ phần của các NH trong nước đều cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Do đó có thể thấy, M&A các NH vẫn có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, khi trở thành đối tác chiến lược của các NH Việt Nam, họ sẽ thu được không ít lợi ích. Nhờ mạng lưới rộng lớn về chi nhánh và khách hàng trong nước có sẵn của các NH nội, có thể giúp họ triển khai các dịch vụ và công nghệ vốn là thế mạnh của mình để mở rộng quy mô một cách nhanh chóng. Hơn nữa, với việc trở thành đối tác, họ có quyền đưa nhân sự vào hội đồng quản trị hay làm việc tại các vị trí chủ chốt khác. Điều này có thể giúp cho những NH nước ngoài nhanh chóng tiếp cận được môi trường làm việc ở Việt Nam.
Trong khi đó, các NH Việt Nam, với sự tham gia của đối tác chiến lược nước ngoài, có thể nắm bắt được những lợi ích nhất định. Trước mắt, nguồn vốn dồi dào sẽ giúp những NH này vượt qua giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ, kinh nghiệm quản lý của các NH nước ngoài cũng giúp các NH Việt Nam phát triển.
Tuy nhiên, hoạt động góp vốn của NH ngoại cũng gặp những trở ngại nhất định do những quy định pháp lý, nên việc các tổ chức này muốn xâm nhập sâu hơn vào nội bộ NH sẽ gặp không ít khó khăn. Điều này làm giảm tính hấp dẫn của các thương vụ M&A. Với việc nắm giữ tối đa 30% vốn cổ phần tại một NH, tỷ lệ này chỉ đóng vai trò đối tác và họ rất khó để phát huy thế mạnh của mình.
Trong trường hợp của VIBank, hai bên thống nhất để đối tác tăng từ 20 lên 40 nhân sự trong năm 2012 và tiếp tục tăng dần trong các năm tiếp theo là nội dung không phải thương vụ nào cũng dễ đạt được.
Với chủ trương tái cấu trúc hệ thống NH được xem một trong 3 nhiệm vụ hàng đầu cần thực hiện để tái cấu trúc nền kinh tế thì thu hút đối tác chiến lược nước ngoài là việc hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Nó có thể góp phần tích cực trong việc tái cấu trúc NH Việt Nam về các mặt như: sức mạnh tài chính, cải thiện quản trị rủi ro, trình độ quản lý và công nghệ. Tuy nhiên, để tiến trình này xảy ra nhanh hơn, NHNN sẽ phải có những chiến lược phù hợp với tình hình thực tế.
PHÚ THUẬN