"Phát hiện mới" của đội tuyển Việt Nam ở Asian Cup 2007 chính là vị trí trấn thành của thủ môn Dương Hồng Sơn. Sau bao năm bị đày ải trên ghế dự bị, Dương Hồng Sơn lần đầu được HLV Riedl tin tưởng và tạo cơ hội bắt chính cho tuyển Việt Nam ở một giải đấu lớn. Nó là "giấc mơ có thật" của thủ thành xứ Nghệ này, bởi ngay trước Asian Cup 2007, Dương Hồng Sơn đã muốn từ chối cơ hội lên tập trung, thi đấu cho đội tuyển quốc gia vì chán ngán việc phải "làm cảnh" cho người khác.

Thật ra, từ khi được để ý, nhắm vào đội tuyển Việt Nam (hay U23 Việt Nam), chưa bao giờ Dương Hồng Sơn bị đánh giá thấp so với những thủ thành được ưu ái dành cho suất bắt chính bởi anh có phản xạ tốt, lì đòn, biết làm chủ không gian trong vòng cấm, dù đôi lúc chơi hơi bay bướm, nghệ sĩ. Khác biệt chính là Dương Hồng Sơn không được trao cơ hội để chứng tỏ mình, và thời gian ấy kéo dài đằng đẵng tới gần 5 năm trời.
Bây giờ, Dương Hồng Sơn đã bước ra "ánh sáng". Bốn trận đấu căng thẳng ở Asian Cup 2007, thủ thành xứ Nghệ đều được tin tưởng làm lựa chọn số 1 trong khung thành của tuyển Việt Nam. SGGP Thể Thao đã đối thoại với Dương Hồng Sơn về chuyện đời, chuyện nghề và cả những ngày tháng cam chịu ngồi trong bóng tối của thủ môn xứ Nghệ này.
"KHÚC GỖ" NGỌT NGÀO
· Chờ đợi đằng đẵng gần 5 năm mới nắm được cơ hội trở thành thủ môn số một của tuyển Việt Nam ở một giải lớn. Thời gian ấy là quá lâu đối với một thủ môn được đánh giá có tài, lì đòn nhất nhì của bóng đá Việt Nam như Dương Hồng Sơn?
- Đúng là tôi đã chờ đợi cơ hội được bắt chính ở đội tuyển quá lâu. Nó khiến tôi buồn bã, có lúc chán nản chẳng muốn lên tập trung ở đội tuyển nữa. Tôi không muốn lên tuyển, bung hết sức lực ra luyện tập chỉ để cạnh tranh vị trí sòng phẳng, nhưng rốt cục vẫn bị ngồi lì trên ghế dự bị. Đấy là cực hình đối với một thủ môn. Ngay trước thềm Asian Cup 2007, tôi đã chần chừ muốn xin ở lại CLB, vì không muốn tiếp làm "kiếp người thừa" ở đội tuyển.
· Phải chăng ở đội tuyển trước đây đã có sự không công bằng khi lựa chọn thủ môn số một trấn giữ khung thành?
BẰNG MẶT KHÔNG BẰNG LÒNG? |
- Có lúc tôi đã cảm thấy có sự thiếu công bằng. Tôi tự nhủ, mình tập luyện rất tốt, vậy mà không có cơ hội thể hiện và bắt chính? Điều đó làm tôi nản lòng. Tôi chấp nhận trụ lại ở đội tuyển là nhờ sự động viên của anh Công Minh (trợ lý Trần Công Minh). Anh Minh khuyên tôi hãy kiên nhẫn, chờ đợi cơ hội chứng tỏ chứ đừng bỏ giữa đường vì thiếu ý chí.
· Sự thiếu công bằng trong việc cạnh tranh vị trí gác đền chính thức. Ý anh muốn nói đến cách sắp xếp nhân sự của HLV Riedl?
- Tôi không thể trách được thầy Riedl. Mỗi HLV có đấu pháp, chiến thuật và sử dụng con người theo cách riêng của họ. Tôi tôn trọng sự lựa chọn của HLV Riedl. Vì ông ấy làm cho cả đội bóng chứ không phải một cá nhân.
· Kiên nhẫn chờ đợi cơ hội thể hiện tài năng. Thời điểm nào thì anh biết cơ hội đoạt vị trí thủ thành số một ở tuyển Việt Nam đến với mình?
- Trước thềm Asian Cup 2007, tôi đã tập rất tốt. Các trợ lý ở tuyển Việt Nam thấy tôi tập tốt như thế đã góp ý với HLV Riedl, và tôi có cơ hội thử thách. Trận giao hữu với Bahrain, tôi có cơ hội chứng tỏ mình. Nhưng nói thật, trước trận, tôi đã nghĩ đấy là một "khúc gỗ" khó nhằn. Bởi Bahrain mạnh và cơ hội giữ sạch lưới của tôi rất thấp. Tôi vào trận với tâm lý, chơi một trận đã đời cho sướng, để khỏi phải ân hận. Sau trận đấu ấy, ông Riedl đã nhìn tôi với con mắt khác, bất chấp rằng trận ấy tôi thủng lưới đến 3 bàn. Trận gặp Bahrain chính là bước ngoặt, thay đổi cách nghĩ, cách sử dụng của ông Riedl đối với vị trí thủ môn ở tuyển Việt Nam. Tôi hiểu thời cơ của tôi đã đến. Quan trọng hơn, tôi thấy rằng việc cạnh tranh vị trí ở đội tuyển bây giờ đã công bằng hơn rất nhiều.
ÂN HẬN VÌ "CÚ ĐÁNH CHỎ THẾ KỶ"
· Cơ hội bắt chính của anh ở tuyển Việt Nam chỉ thành sự thật ở Asian Cup 2007. Nhưng thực ra, trước Tiger Cup 2004, người ta đã nghĩ anh là lựa chọn số 1 của HLV Tavares…
- Năm đó thì tôi đen, đen thật sự. Tôi bị quy kết là bán độ, tiêu cực mà chẳng có bằng chứng nào cụ thể. CLB khủng hoảng vì người lãnh đạo không có cái nhìn thiện cảm với cầu thủ, không hiểu cầu thủ. Thế là lung tung xòe, làm người chịu thiệt chính là cầu thủ như tôi. Cái vận đen ấy khiến cơ hội lấy chỗ trong khung gỗ đội tuyển của tôi bị bỏ phí. Nếu không bị sự cố như vậy, tôi tin mình sẽ là lựa chọn đầu tiên của HLV Tavares, sau khi Thế Anh xuống phong độ và đánh mất vị số một.
· Ở đội SLNA, bây giờ người ta vẫn gọi cú đánh cùi chỏ của anh dẫn đến quả 11m cho Thể Công ở trận bán kết Cúp Quốc gia 2004 là "cú đánh cùi chỏ thế kỷ". Bây giờ, anh nghĩ thế nào khi nhiều người vẫn "đay nghiến" về hành động ấy?
- Nghĩ lại, bây giờ tôi mới thấm thía và ân hận vì hành động ấy. Sau sai lầm ấy của tôi, SLNA thay đổi hoàn toàn, thậm chí đội bóng đã bị thay đổi nghiêng về hướng tiêu cực nữa.
· Phải chăng trận đấu xảy ra cú "đánh cùi chỏ thế kỷ" là sặc mùi "bẩn"…?
- Tôi khẳng định là không. Trận đó, tôi ra tay như thế là do bị tiền vệ Thể Công chửi, chứ không phải chúng tôi "đá" thầy Vinh (HLV Nguyễn Thành Vinh). Trong một thoáng bồng bột, thiếu kiềm chế, tôi đã không giữ được mình. Bây giờ nghĩ lại, tôi không ngờ là mình lại hành động như thế và càng ân hận vì đẩy đội bóng vào tình thế tan nát.
· Anh có dám khẳng định mình "sạch", bất chấp những lời điều tiếng…?
- Tôi sạch. Tôi đã từng thề độc, nếu Dương Hồng Sơn ăn một đồng tiền bẩn, tôi không bao giờ động đến quả bóng.
CẦU THỦ HỌC ÍT, NHƯNG KHÔNG "BẨN"
· Anh khẳng định là sạch, nhưng ở SLNA, người ta đồn thổi rằng đội bóng ấy vẫn chưa sạch, kể từ khi vụ mua chức vô địch V-League bị phát hiện?
VỪA LÀM THẦY, VỪA LÀM THỢ |
- Vì bị soi chặt như thế nên bây giờ, tôi chơi bóng ở SLNA luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ. Chúng tôi chịu sức ép lớn lắm. Nhiều khi ra sân, nhất là lúc đá trên sân nhà, tôi vừa đá vừa run vì ngán mắc sai lầm. Người ta nghi kỵ, bàn tán đủ chuyện "nhường nhịn", bán độ mỗi khi SLNA đá không tốt. Lại còn mang cả gia đình ra chửi rủa, mắng mỏ nữa. Đá trên sân Vinh mà có cảm giác còn khổ hơn đá sân khách.
· Nhưng không có lửa, làm sao có khói?
- SLNA bây giờ làm gì còn người nữa. Sứt mẻ liên tục vì chấn thương, trong khi ngoại binh yếu và những cầu thủ trẻ thì chưa lấp đầy được những khoảng trống mà trụ cột để lại. Cộng thêm tiếng xấu trước đó, thế là thành "khói". Ngay như chuyện mời HLV Nguyễn Văn Thịnh về cầm quân, người ta đã đồn thổi đủ chuyện. Thầy Thịnh không giỏi, sao lại được SLNA mời lại. Chúng tôi đâu có làm gì mà bảo phá đám, chọc ngoáy hất HLV trưởng? Những cầu thủ như tôi, ít học hơn những người khác, nhưng cũng hiểu đấy là nghề của mình. Đá bóng vì đồng lương nên phải có trách nhiệm với đồng tiền được hưởng từ những cống hiến cho đội bóng trả lương cho mình. Chúng tôi không "bẩn" đến mức không nghĩ ra được cái tốt, cái xấu mà lựa chọn.
· Sức ép ở SLNA căng thẳng như vậy có khiến anh tính chuyện rời bỏ đội bóng này?
- Thu nhập của tôi ở SLNA bây giờ là chấp nhận được và tôi vẫn muốn cống hiến cho Sông Lam. Nhưng bóng đá chuyên nghiệp thì không thể nói trước được điều gì. Tôi cũng sắp hết hợp đồng với SLNA, vì vậy tôi cũng phải cân nhắc tương lai của mình.
YẾN NHI (thực hiện)