Đây là năm thứ hai Ngày sách Việt Nam được tổ chức. Đối với những người làm sách tại TPHCM, hoạt động Ngày sách Việt Nam năm nay, bên cạnh việc tôn vinh văn hóa đọc còn mang một ý nghĩa khác khi được xem là cuộc thử nhiệm đầu tiên cho ý tưởng “Phố sách” đã được nung nấu suốt bao năm qua.
Không chỉ bán sách, phố sách còn là nơi tác giả và bạn đọc dễ dàng giao lưu với nhau.
Từ đường sách đến phố sách
Đầu năm 2014, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 21-4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam. Tuy nhiên, từ trước đó những người làm sách và bạn đọc đã tự tổ chức những ngày sách cho riêng mình, thường là Ngày sách và bản quyền thế giới (23-4). Bên cạnh đó, những người yêu sách, làm sách, quản lý sách còn cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến sách khác như Hội sách, Đường sách…
Điểm chung của các hoạt động trên là tính giới hạn về thời gian, hội sách thành phố cách hai năm một lần, đường sách chỉ kéo dài khoảng 1 tuần trong dịp Tết cổ truyền. Ngay cả Ngày sách Việt Nam lần đầu được tổ chức cũng trong khuôn viên NVH Thanh niên chỉ kéo dài vài ngày. Là một trong những đô thị lớn, có thị trường sách, lượng bạn đọc lớn nhất nhì cả nước nhưng TPHCM lại thiếu vắng một phố sách, nơi những người yêu sách có thể đi dạo, tìm kiếm những cuốn sách cũ, mới, trao đổi về những vấn đề tác phẩm… Trước đây TP cũng đã có một số phố sách như ở đường Trần Huy Liệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Nhân Tôn, Điện Biên Phủ (đoạn ngang công viên Lê Văn Tám)… nhưng các phố sách này đều tự phát và vì nhiều lý do dần dần tan rã.
Ý tưởng phố sách cho TP đã bắt đầu từ nhiều năm trước, về địa điểm thì sau nhiều tranh luận góp ý đã thống nhất chọn con đường Nguyễn Văn Bình nằm bên hông Bưu điện TP làm phố sách. Đây là con đường nằm ở ngay trung tâm TP nhưng lại khá yên tĩnh và xanh mát với hàng cây me cổ thụ. Về hình thức hoạt động, đến nay vẫn chưa có sự thống nhất và như ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM cho biết, Ngày sách Việt Nam năm nay tại TP sẽ là cuộc thử nghiệm tìm kiếm mô hình hoạt động cho phố sách tương lai.
Phố sách không chỉ bán sách
|
Chương trình Ngày sách Việt Nam tại TPHCM năm nay sẽ tổ chức từ ngày 18-4 đến hết ngày 21-4. Tại đây sẽ có sự tham dự của tất cả các đơn vị xuất bản của thành phố và một số đơn vị xuất bản của trung ương và các địa phương khác.
Công ty Phan Thị mang đến ngày sách một không khí trẻ trung với chương trình “Kết nối tình yêu sách với người trẻ”. Tại khu vực của đơn vị này có một không gian mở được gọi là “Vườn mọt sách” bài trí dành riêng để đọc sách. Một điểm đáng chú ý là lần đầu tiên bên cạnh việc chia sẻ cảm xúc về cuốn sách yêu thích thì bạn đọc có thể bày tỏ, góp ý với cả những cuốn sách gây thất vọng.
Công ty Nhã Nam mang đến phố sách chất trầm lắng hoài niệm với “Chợ phiên sách cũ” gồm nhiều khu vực. Khu sách tiền chiến với các dòng sách xuất bản trước 1945 như Cái quan niệm người quân tử trong triết học đạo Khổng của Phạm Quỳnh, Đông kinh ấn quán in năm 1928; Nam thi hợp tuyển (Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Vĩnh Hưng Long thư quán 1927… Khu sách bao cấp với các dòng sách của một giai đoạn đặc thù, đây cũng là thời kỳ nhiều bộ sách, tủ sách, tuyển tập, tổng tập lớn được khảo cứu, biên tập, xuất bản lần đầu. Khu sách Liên Xô là một điểm độc đáo của phố sách lần này với các tác phẩm in tại Liên Xô và phát hành tại Việt Nam những năm 70 - 80 của thế kỷ trước như các tác phẩm Chúng tôi sẽ chết như đã sống (NXB Cầu Vồng, 1985), Tuổi ra đời của người công dân (NXB Tiến bộ, 1987) và nhiều loại sách khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, tại đây còn có khu bày bán các loại báo cũ, từ điển xưa…
Không mang đến nhiều sách mới nhưng NXB Kim Đồng lại nhấn vào những cuộc giao lưu với các tác giả viết sách cho thiếu nhi như Vũ Hùng với các tác phẩm về thiên nhiên hoang dã, tiến sĩ Phan Việt Lâm với bộ sách Thảo Cầm Viên TP. Các cuộc giao lưu sẽ được tổ chức hàng ngày trong suốt thời gian phố sách hoạt động.
Nét đẹp văn hóa
Khác với các hoạt động sách khác thường ngắn ngày, Ngày sách lần này còn để thử nghiệm mô hình hoạt động lâu dài nên ban tổ chức đã cố gắng thiết kế các ki ốt, gian hàng phù hợp với kiến trúc kiểu Pháp của các công trình xung quanh như Bưu điện TP, UBND quận 1, Nhà thờ Đức Bà… Sự phù hợp về kiến trúc sẽ giúp phố sách dễ hòa nhập với bối cảnh xung quanh.
Tuy nhiên, như đã nói trên đây chỉ là thử nghiệm đầu tiên nên trên thực tế, gần như những người tổ chức đã bê nguyên xi mô hình Đường sách vào phố sách. Điều này cũng dễ hiểu vì thực tế đến nay vẫn chưa ai có thể hình dung phố sách sẽ hoạt động như thế nào. Chính vì thế, ngay trong thời điểm phố sách đang hoạt động, ban tổ chức sẽ tiến hành cuộc tọa đàm lớn với chủ đề “Phố sách Sài Gòn - TPHCM” nhằm tiếp nhận các góp ý, thảo luận, tranh luận nhằm hoàn thiện Đề án Phố sách từ nội dung đến phương thức hoạt động, ý tưởng thiết kế…
TƯỜNG VY