
Với con số thu nhập bình quân lên tới 12 - 13 triệu đồng/tháng, và mặc dù có những người lao động còn được hưởng mức lương từ 50 - 100 triệu đồng/tháng, thậm chí lên tới 150 - 200 triệu đồng/tháng, nhưng trong ngành hàng không và dầu khí hiện nay vẫn đang có tới gần 50% lao động chỉ được hưởng mức lương từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Lương cao vẫn thiếu người làm
Về thưởng tết năm nay, đại diện lãnh đạo 2 ngành hàng không và dầu khí đều cho biết, thưởng tết nhiều hay ít còn tùy thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của từng đơn vị. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn thì thưởng tết năm nay nhiều khả năng không quá 1 tháng lương/người. |
Những ngày gần đây, dư luận đề cập nhiều đến chuyện lương thưởng và thu nhập (gọi chung là lương) của người lao động ở các doanh nghiệp, ngành nghề trong cả nước. Theo Bộ LĐTB-XH, hiện nay, bên cạnh lương bình quân tháng của người lao động ở một số ngành khá cao như vận tải hàng không 13 triệu đồng, dầu khí 12 triệu đồng, tài chính tín dụng 5,2 triệu đồng, y tế 3,4 triệu đồng, sản xuất điện 3,3 triệu đồng... thì một số ngành nghề khác có lương bình quân tháng quá thấp như nuôi trồng thủy sản chỉ 1,1 triệu đồng, lâm nghiệp 1,3 triệu đồng, dệt may 1,4 triệu đồng...
Và như vậy rất dễ thấy lương của ngành hàng không, dầu khí cao gấp 10 lần so với nhiều ngành nghề khác. Tiếp nhận những thông tin này, người lao động ở những ngành nghề có thu nhập thấp có thể cho rằng đó là sự chênh lệch quá lớn, là một sự “bất công” trong cơ chế tiền lương. Nhưng sự thật của sự “cao-thấp” đó như thế nào?
Con số thu nhập bình quân trong ngành hàng không và dầu khí lên tới 12 - 13 triệu đồng/tháng, có những người còn được hưởng mức lương từ 50 - 100 triệu đồng/tháng, thậm chí lên tới 150 - 200 triệu đồng/tháng là một sự thật. Nhưng cũng có một sự thật khác: hiện nay vẫn đang có tới gần 50% lao động chỉ được hưởng mức lương từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Điều đáng nói là mặc dù có mức lương rất cao và có những vị trí công việc lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng, nhưng nguồn nhân lực cho những công việc mang tính đặc thù, đòi hỏi trình độ, kỹ năng, kỹ thuật cao trong ngành hàng không, dầu khí (như phi công, kỹ sư điều hành giàn khoan, chuyên gia thăm dò khai thác dầu khí…) hiện vẫn đang rất thiếu, thị trường lao động Việt Nam hiện vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu này. Vì vậy 2 ngành này vẫn đang phải thuê rất nhiều lao động là người nước ngoài.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay ngành hàng không cả nước hiện chỉ có chưa đến 300 phi công, trong khi nhu cầu về phi công cần có cho hoạt động vận chuyển hàng không hiện đang cần tới gấp đôi con số đó (trong tương lai nhu cầu sẽ còn tăng nhiều hơn nữa). Đó cũng chính là lý do vì sao mà số lượng phi công nước ngoài được thuê làm việc tại các hãng hàng không Việt Nam ngày càng nhiều (Vietnam Airlines hiện đang phải thuê gần 200 phi công nước ngoài, còn Jestar Pacific Airlines thì gần như sử dụng 100% phi công là người nước ngoài…).
Ở ngành dầu khí cũng vậy, không chỉ tại Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, hiện nay, phần lớn các chuyên gia điều hành giàn khoan, thăm dò và khai thác dầu khí, chế biến dầu khí đang làm việc tại các liên doanh điều hành chung đều là người nước ngoài, và mức thu nhập cho những nhân sự này luôn ở mức rất cao (từ 5 - 10 ngàn USD/tháng).
Tập đoàn Dầu khí VN cho biết, hiện nay, toàn tập đoàn có tới 50 liên doanh điều hành chung về thăm dò và khai thác dầu khí, và hầu hết các nhân sự bậc cao về kỹ thuật chuyên môn liên quan đến công tác này đều phải sử dụng chuyên gia nước ngoài. Nếu như đào tạo một phi công có chi phí khoảng 2 tỷ đồng thì các chuyên gia bậc cao trong ngành dầu khí cũng đòi hỏi sự đầu tư không kém. Và hầu hết các chuyên gia, kỹ sư là người Việt Nam làm việc ở các vị trí công việc đặc thù này đều được đào tạo từ nước ngoài.
Lương và trách nhiệm
Để hưởng mức lương cao như đã nêu trên, những nhân sự làm việc trong các lĩnh vực này, ngoài việc trình độ kỹ thuật, kỹ năng chuyên môn cao được đào tạo bài bản và khả năng vốn có của mình, họ còn chịu áp lực rất cao từ công việc - một loại công việc rất đặc thù, nặng nhọc, căng thẳng, đòi hỏi sự chính xác và tập trung cao độ mà không phải ai cũng làm được.
Đi kèm với rất nhiều quyền lợi và ưu đãi hấp dẫn, những chuyên gia ngành hàng không, dầu khí phải chịu trách nhiệm lớn nhất về hiệu quả công việc mang tính đặc thù của họ. Nếu như phi công phải hành nghề ở “trên trời” thì các chuyên gia ngành thăm dò khai thác dầu khí lại phải hành nghề ngoài biển khơi, sóng gió… Đó là một sự thiệt thòi và đó cũng chính là trách nhiệm lớn lao buộc phải nỗ lực chịu đựng để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Có thể nói, thị trường lao động Việt Nam hiện mất cân đối nghiêm trọng giữa các ngành nghề, vùng miền. Chúng ta dư thừa lao động không có kỹ năng và thiếu rất nhiều lao động có trình độ kỹ thuật. Hơn nữa, lao động Việt Nam phần lớn chưa qua đào tạo (chiếm trên 65%), ý thức kỷ luật, tác phong làm việc công nghiệp kém. Số được đào tạo thì ngành nghề không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Các trường đại học, cao đẳng chủ yếu dạy ngành nghề cần vốn đầu tư ít như kinh tế, luật. Còn ngành nghề cần đầu tư trang thiết bị lớn như kỹ thuật cần thì ngày càng bị thu hẹp. Hệ quả là hiện nay nhiều doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, buộc phải đi thuê lao động nước ngoài.
Đề cập đến lĩnh vực tiền lương, một số chuyên gia lao động tiền lương cho rằng không nên cào bằng trong thu nhập và đừng quên, thu nhập cao, thuế đóng nhiều đó là một niềm hạnh phúc. Những người có nhu nhập cao bằng chính tài năng, công sức thì cần được vinh danh.
NGUYỄN THU TUYẾT