“Thủ phủ” chăn nuôi heo: Không mạo hiểm tái đàn

Giá heo trên cả nước đang tăng dần. Nguyên nhân được cho là do nguồn cung thịt heo giảm mạnh vì dịch bệnh. Tại “thủ phủ” chăn nuôi heo Đồng Nai, vào thời điểm này nguồn cung ứng vẫn được bảo đảm, tuy nhiên nếu bệnh dịch tả heo châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp thì nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết Canh Tý 2020 sẽ khó khăn.

Những quan ngại

Mặc dù tổng đàn heo của hộ chăn nuôi gia đình tại tỉnh Đồng Nai đã giảm 70% so với trước đây, nhưng anh Trần Quốc Khánh (huyện Thống Nhất) vẫn chưa có ý định tăng đàn, bởi theo anh, việc tăng đàn thời điểm này là rất mạo hiểm.

Với tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp như hiện nay, việc giá heo đang tăng và sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm là có thể dự đoán trước, nhưng anh Khánh và hàng ngàn hộ chăn nuôi ở tỉnh Đồng Nai chưa có ý định tăng đàn bởi với họ, hiện cố giữ cho đàn không bị dịch bệnh đã là may mắn.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, chỉ sau 3 tháng, bệnh dịch tả heo châu Phi đã tấn công vào 3.094 hộ chăn nuôi tại 122 xã của 11 huyện và thành phố, tiêu hủy 301.000 con heo (khoảng 6.000 tấn) và ước tính thiệt hại khoảng 405 tỷ đồng. Hiện tổng đàn heo của Đồng Nai chỉ còn hơn 1,8 triệu con, giảm 600.000 con so với trước khi có dịch bệnh, tương đương giảm 30% tổng đàn của tỉnh.

Trong khi đó, công tác xử lý sát trùng tiêu độc, khoanh vùng dập dịch gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong mùa mưa. Do đó, Ban Phòng chống dịch bệnh của tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người chăn nuôi không vội vã tái đàn khi chưa an toàn.

Chỉ những nông hộ, trang trại nào thực hiện được biện pháp an toàn sinh học thì mới tái đàn. Còn những trang trại, nông hộ không làm được việc đó thì không nên tái đàn trong tình hình hiện nay. Bởi nếu tái đàn trong điều kiện mầm bệnh chưa được kiểm soát thì dịch bệnh sẽ tái phát lần nữa và thiệt hại lớn hơn nhiều.

“Thủ phủ” chăn nuôi heo: Không mạo hiểm tái đàn ảnh 1 Đưa heo VietGAP vào giết mổ cung ứng thị trường TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết việc các chuyên gia kinh tế dự đoán dịp Tết Nguyên đán tới đây, có khả năng thiếu khoảng 500.000 tấn thịt heo là có cơ sở.

Vì ngoài các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị dịch hoành hành từ hồi tháng 6, thì nay dịch bệnh đã lây lan vào các hộ chăn nuôi lớn, nên tình hình rất đáng quan ngại. Hơn nữa, các đàn heo nái cũng nhiễm bệnh nên đã bị thải loại gần hết, do đó không còn heo con để gây giống, tái đàn.

Hiện nay, số heo thịt khỏe mạnh vẫn còn nhiều nên lượng thịt cung ứng ra thị trường vẫn tương đối được đảm bảo, nhưng mấy tháng nữa sẽ thiếu hụt nặng.

Tăng đàn gia cầm để thay thế

Để đối phó với thực trạng trên, Sở Công thương tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp tích cực để chuẩn bị nguồn cung thịt các loại, nhằm bù đắp cho lượng thịt heo thiếu hụt, hạn chế tối đa nguy cơ sốt giá thịt heo vào thời điểm cuối năm.

Cụ thể, Sở Công thương tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các ngành liên quan và doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh xây dựng phương án cung ứng nguồn thực phẩm thay thế kịp thời, trong trường hợp thị trường bị thiếu hụt thịt heo.

Qua đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động kế hoạch tăng đàn gia cầm, đảm bảo nguồn cung trong trường hợp nhu cầu thị trường tăng lên. Sở Công thương Đồng Nai cũng xây dựng kế hoạch bình ổn giá để giữ giá thịt heo trong dịp tết được ổn định, bằng cách cho các doanh nghiệp vay vốn để trữ hàng chuẩn bị cho dịp cuối năm.

Để chuẩn bị cho việc tái đàn thời gian tới, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai đang triển khai tuyên truyền người dân tuân thủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, vì hiện chưa có thuốc phòng và trị bệnh dịch tả heo châu Phi.

Đồng thời, khuyến khích người dân mở rộng các loại vật nuôi như bò, dê... để bù đắp số lượng thịt thiếu hụt do dịch bệnh gây ra trên đàn heo.

Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai cho biết, hiện tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh đã đạt 27 triệu con, tăng hàng triệu con so với cùng kỳ năm ngoái, do thời gian qua trong tỉnh có thêm nhiều dự án đầu tư mới chăn nuôi gà công nghiệp.

Một số doanh nghiệp cũng mở rộng quy mô trang trại và dây chuyền giết mổ gia cầm vì đang có thị trường tiêu thụ tốt. Mảng chăn nuôi gà ta thả vườn cũng đã chuyển hướng theo quy mô công nghiệp. Các trang trại có thể nuôi được từ 4 - 5 lứa gà công nghiệp.

Nếu nhu cầu thị trường về sản phẩm thịt gà tăng cao thì người chăn nuôi dễ dàng tăng lứa, tăng sản lượng đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Tin cùng chuyên mục