3 năm kể từ khi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin theo chương trình học bổng của Đại học Quốc gia Singapore (NUS), tôi cũng đã hoàn thành cam kết làm việc trong thời hạn tối thiểu được quy định. Làm việc ở một môi trường thuận lợi, áp dụng được những kiến thức đã học vào công việc thực tế là điều mà bất cứ ai cũng mong muốn. Thế nhưng, quyết định có tiếp tục ở lại làm việc tại Singapore trong thời gian tới hay không vẫn là điều tôi và nhiều bạn bè phải suy nghĩ kỹ.
Theo bảng xếp hạng những thành phố đắt đỏ nhất thế giới mà Công ty Tư vấn Nguồn Nhân lực Quốc tế ECA (Anh) công bố tháng trước, Singapore xếp thứ 5. Riêng trong khu vực châu Á, đảo quốc sư tử đứng vị trí thứ 3. Một phòng ngủ do Cơ quan cung cấp nhà ở công cộng (HDB) của Singapore cấp có giá thuê trung bình 450USD/ tháng. Tuy nhiên, những suất nhà này là không nhiều và phần lớn dành cho những sinh viên vừa tốt nghiệp, đang tìm việc làm. Những ai đã có công việc ổn định thường tìm những căn hộ có 2-3 phòng ngủ để ở ghép cùng nhau. Giá những căn hộ này đang dao động 2.000 - 3.000 USD.
Theo ECA, mức giá thuê căn hộ dành cho người nước ngoài của quốc gia này năm 2010 lên đến 2.810 USD, tăng 15% so với năm 2009. Chi phí điện, nước, Internet cũng là điều đáng ngại đối với mức lương 1.000 – 1.500 USD/tháng của sinh viên mới tốt nghiệp), khoảng 240 USD/tháng. Một trong những nguyên nhân khiến Singapore “tăng giá” với những nhu cầu sinh hoạt là do áp lực ngày càng lớn đến từ lượng người nhập cư vào quốc gia này. Hiện Singapore có khoảng 5 triệu dân nhưng có đến 1/3 là người nước ngoài.
Từ tháng 10 năm ngoái, Chính phủ Singapore đã sửa đổi quy định cấp thẻ thường trú (PR) cho những người nước ngoài là nhà đầu tư, doanh nghiệp hay người lao động có tay nghề cao. Cụ thể, với doanh nghiệp và nhà đầu tư, chính quyền tăng mức vốn đầu tư tối thiểu để được cấp thẻ thường trú, từ 800.000 USD trước đây lên mức tối thiểu gần 2 triệu USD hiện nay. Đồng thời, doanh nghiệp của họ tại Singapore phải có doanh số hàng năm tối thiểu là 23,8 triệu USD, gấp 3 lần mức trước đó. Người lao động tay nghề cao như chúng tôi, nếu muốn đăng ký xin thẻ PR cũng phải chịu những quy định gắt gao hơn, trong đó có mức lương tùy thuộc từng ngành nghề cụ thể. Ngoài ra, thẻ PR phải được gia hạn từng năm thay vì 5 năm một lần như từ giữa năm 2010 trở về trước hay 10 năm một lần như trước năm 2008.
Bên cạnh đó, chi phí người nước ngoài phải bỏ ra ở Singapore cũng tăng lên đáng kể. Họ không được hưởng các chính sách ưu tiên cho công dân trong lĩnh vực nhà ở, chăm sóc trẻ, giáo dục và gần đây chính quyền còn tăng học phí đối với người thường trú cũng như người lao động nước ngoài chưa có thẻ PR. Họ cũng phải trả phí chăm sóc y tế đắt hơn 20% so với công dân Singapore. Người có thẻ PR cũng không được mua căn hộ mới, không được nhận trợ cấp nhà ở và trợ cấp sửa chữa nhà. Tất cả những sự thay đổi trên khiến hầu hết chúng tôi, những lao động nước ngoài từng là cựu sinh viên ở các trường của Singapore, hiểu rằng chính phủ không còn mở rộng cửa cho việc lưu trú dài hạn của chúng tôi, với lý do cân bằng chỉ tiêu việc làm đối với người dân nước họ.
Trần Chương